Kinh nghiệm tổ chức hoạt động chất vấn của HĐND tỉnh Bình Phước

Nâng cao trọng trách người đứng đầu trong trả lời

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:04 - Chia sẻ
​​​​​​​Một điểm nhấn trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp và hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh Bình Phước từ đầu nhiệm kỳ đến nay là việc Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành, lĩnh vực tham dự, trả lời thêm những vấn đề người bị chất vấn là Ủy viên UBND tỉnh trả lời chưa rõ, chưa trọng tâm, đại biểu còn băn khoăn. Cách làm này đã góp phần rất lớn nâng cao trọng trách của người đứng đầu trong trả lời chất vấn, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ của cử tri.

Làm rõ những vấn đề còn băn khoăn

Theo đánh giá, hoạt động chất vấn tại kỳ họp và hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh Bình Phước không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, mang lại chuyển biến tích cực trong việc thực hiện quyền hạn cũng như trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ban ngành liên quan.

Thực tiễn cho thấy, với vai trò là chủ thể hoạt động chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh cần đưa ra những câu hỏi chất vấn cụ thể, rõ ràng, thể hiện chính kiến, quan điểm của mình, của cử tri, của địa phương hoặc vấn đề điển hình trong thực thi pháp luật của các ngành, các cấp chính quyền. Đại biểu nắm thông tin chính xác, trên cơ sở TXCT hoặc qua giám sát… để lựa chọn vấn đề cử tri quan tâm chất vấn. Quá trình chất vấn, đại biểu phải có bản lĩnh, tự tin, không nể nang, e ngại; cần tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và tìm ra những giải pháp khả thi. Đối với những nội dung chất vấn trả lời bằng văn bản, sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh cần nghiên cứu nếu không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Thường trực HĐND tỉnh đưa ra thảo luận tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh hoặc kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. Sau chất vấn, tích cực giám sát việc thực hiện những vấn đề người trả lời chất vấn đã hứa tại kỳ họp và hội nghị.

Bên cạnh chuẩn bị kỹ nội dung chất vấn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước đã đề nghị UBND tỉnh phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành, lĩnh vực tham dự hội nghị và trả lời thêm những vấn đề mà người bị chất vấn là Ủy viên UBND tỉnh trả lời chưa rõ, chưa trọng tâm, đại biểu còn băn khoăn. Cách làm này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao trọng trách của người đứng đầu trong việc trả lời chất vấn, tạo được sự quan tâm, theo dõi, đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ của cử tri.

Một hội nghị chất vấn giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh Bình Phước

Ảnh: Nhật Chiêu 

Nâng cao hiệu quả pháp lý của hoạt động chất vấn

Từ năm 2012, Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước đã nghiên cứu, vận dụng cách làm hay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xử lý vấn đề chất vấn của ĐBQH giữa hai kỳ họp để tổ chức hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 có hiệu lực, Thường trực HĐND tỉnh đã vận dụng quy định của Luật trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết ban hành quy định cụ thể một số nội dung về hoạt động của HĐND tỉnh, trong đó quy định Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp; Thường trực HĐND tỉnh cũng phối hợp với Đoàn ĐBQH, UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh ban hành Quy chế phối hợp công tác, nhiệm kỳ 2016 - 2021 giữa 4 cơ quan, trong đó cũng quy định Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục tổ chức tốt hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh nhằm giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước chú trọng bố trí thời gian hợp lý, khoa học cho phần chất vấn tại kỳ họp và hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh. Chủ tọa điều hành nghiên cứu kỹ quy định, nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn và dự báo những nội dung, tình huống có thể diễn ra trong phiên chất vấn. Điều hành kỳ họp, hội nghị chất vấn bảo đảm chặt chẽ theo chương trình làm việc đã được thông qua, nhưng phải linh hoạt, sáng tạo và có tính chủ động cao để phiên chất vấn đạt được mục đích, yêu cầu. Trước khi tiến hành phiên chất vấn, chủ tọa cần quán triệt một số vấn đề về nội dung và đối với người bị chất vấn, người chất vấn. Trong trường hợp, người bị chất vấn và người chất vấn thực hiện chưa tốt nội dung đã quán triệt thì có quyền nhắc nhở để phiên chất vấn đạt trọng tâm và chất lượng hơn.

Quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa có thể đề nghị đại biểu đưa ra các thông tin, số liệu, hình ảnh cụ thể để chứng minh cho lập luận của mình. Đồng thời, yêu cầu người bị chất vấn khi trả lời cần có thái độ cầu thị, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; các giải pháp khắc phục đưa ra phải rõ ràng, có lộ trình thực hiện cụ thể để đại biểu, cử tri giám sát. Trong trường hợp nội dung trả lời chất vấn chưa rõ và khó đạt được sự thống nhất, chủ tọa điều hành đề nghị để các bên tiếp tục nghiên cứu, yêu cầu người trả lời chất vấn báo cáo bằng văn bản gửi về Thường trực HĐND tỉnh vào thời gian cụ thể để chuyển đại biểu HĐND tỉnh biết.

Để nâng cao hiệu quả pháp lý của hoạt động chất vấn, trên cơ sở các quy định của pháp luật cũng như kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện. Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên giám sát việc thực hiện nghị quyết.

LÊ PHƯỚC