Sổ tay:

Kịp thời điều chỉnh, bổ sung

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 06:34 - Chia sẻ
Mặc dù, công tác xử lý vi phạm hành chính có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống kinh tế - xã hội, song do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện, còn chồng chéo và nhiều vướng mắc nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Thời gian qua, vi phạm hành chính diễn biến phức tạp, xảy ra ở tất cả địa bàn thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó các vực lĩnh vực có nhiều vi phạm phải kể đến là giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, đất đai, xây dựng, thông tin truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện, còn chồng chéo và nhiều vướng mắc nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm.

Đơn cử tỉnh Hải Dương, từ năm 2017 - 2019, toàn tỉnh có 132.189 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử lý vi phạm hơn 296 tỷ đồng. Phản ánh của các ngành chức năng của tỉnh này cho thấy, số vụ vi phạm lớn nhưng việc xử lý còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do số lượng văn bản quy phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp. Đội ngũ công chức thực hiện kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi công việc, thiếu kỹ năng chuyên sâu về việc này. Trong khi đó, lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều hoạt động quản lý nhà nước khác nhau. Một hành vi vi phạm nhưng quy định nhiều người cùng có thẩm quyền xử phạt, dẫn đến khó kiểm soát; quy định về xử lý vi phạm hành chính và các quy định liên quan chưa rõ ràng, thống nhất hoặc không phù hợp cũng gây khó khăn khi áp dụng vào thực tế...

Tại Hội nghị lấy ý kiến, đánh giá về tình hình khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức mới đây, dẫn chứng bất cập tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đại diện Phòng Tham mưu, Công an TP Hà Nội cho biết: tại Điểm e, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 100 quy định xử phạt về hành vi “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; tuy nhiên chưa có quy định rõ về để xe ở phố thế nào là "trái, không đúng quy định" nên việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, nêu bất cập trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng cho hay: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 5 Nghị định  số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì đối với việc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại nghị định này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy định mức độ khắc phục hậu quả. Như vậy, các trường hợp vi phạm phát sinh cần áp dụng buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì xử lý như thế nào cho đúng…

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời gian tới, tình hình vi phạm hành chính tiếp tục diễn biến phức tạp. Thiết nghĩ, để công tác xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, hiệu quả, đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần được hoàn chỉnh kịp thời, thống nhất. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính, kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, phù hợp với pháp luật hiện hành và có tính khả thi.

Hải Thanh