Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV

Kịp thời, quyết liệt, hiệu quả và đầy trách nhiệm

- Chủ Nhật, 21/06/2020, 06:10 - Chia sẻ
Đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, tại kỳ họp đặc biệt này, Quốc hội đã chủ động thông qua và kiện toàn một loạt các luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thể hiện sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt và đầy trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Đây là cơ sở, nền tảng tốt để Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp nhằm phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Trơn tru, nhuần nhuyễn

- Sau 19 ngày làm việc với hai đợt họp, Kỳ họp thứ Chín đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Ông đánh giá như thế nào về kết quả kỳ họp này?

- Tôi đánh giá cao việc Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội. Tuy việc họp trực tuyến là điểm mới, lần đầu tiên tiến hành trong điều kiện còn nhiều khó khăn cả về hạ tầng kỹ thuật thông tin… nhưng rõ ràng với sự chỉ đạo, chuẩn bị sát sao của Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội ngay từ khâu thử nghiệm, nên đợt họp trực tuyến diễn ra trơn tru, nhuần nhuyễn. Nhiều đại biểu Quốc hội (trên 90% số đại biểu được hỏi) đánh giá kết quả đạt được rất tốt. Thậm chí, có đại biểu còn nói rằng, họp trực tuyến không khác gì họp tập trung.

Ảnh: Quang Khánh

Và, như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thì việc bố trí khoảng thời gian giữa hai đợt họp đã tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Thực tế cho thấy, dù họp trực tuyến hay tập trung, thì các đại biểu Quốc hội đều tham gia thảo luận, tranh luận một cách rất sâu sắc, thoải mái và không bị áp lực về thời gian, đi lại. Điều này cho thấy, Quốc hội đã khá thành công trong việc ứng dụng công nghệ để tiến tới đổi mới hơn nữa các hoạt động. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng rất chủ động với những cải tiến, đổi mới trong cách thức hoạt động của Quốc hội, đáp ứng được về mặt chuyên môn cũng như hiệu quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, công việc của Quốc hội.

- Do là kỳ họp đặc biệt, nên tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối khi không được theo dõi hoạt động rất hấp dẫn này của Quốc hội?

- Tôi đồng thuận với chủ trương không thực hiện chất vấn trong kỳ họp này của Quốc hội. Đây là vấn đề đã được cân nhắc kỹ từ tình hình thực tế trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đã và đang tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19. Quốc hội chia sẻ và dành thời gian cho Chính phủ và các thành viên Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này cũng như thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục, phát triển kinh tế. Điều này nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục cải tiến, đổi mới toàn diện cách thức hoạt động của Quốc hội

- Một kết quả rất đáng chú ý nữa, đó là tại kỳ họp này, Quốc hội đã phê chuẩn các hiệp định, công ước... thông qua nhiều đạo luật về kinh tế. Ý kiến của ông về những quyết đáp này như thế nào?

- Tôi đặc biệt ấn tượng với việc tại kỳ họp này, Quốc hội đã chủ động thông qua và kiện toàn một loạt các luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Mặc dù đã nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua, nhưng rõ ràng điều này thể hiện sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt và đầy trách nhiệm của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, khi Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và một loạt các hiệp định thương mại tự do quan trọng khác. Đây là cơ sở, nền tảng tốt để Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp, nắm bắt cơ hội của các hiệp định này mang lại khi nước ta cơ bản đã thành công trong kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế.

Với vai trò của mình, Quốc hội cũng đã có quyết sách kịp thời để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi thông qua nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Dù tình hình tài chính, ngân sách đất nước còn nhiều khó khăn nhưng quyết sách này của Quốc hội là điểm tựa, động lực để các doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, góp phần vào hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.

- Với những kết quả đạt được, trong đó có cách thức làm việc mới, theo ông có nên nghiên cứu duy trì họp trực tuyến trong các kỳ họp tiếp sau hay không?

- Tôi rất ủng hộ việc duy trì họp trực tuyến để tiến tới cải tiến, đổi mới hoàn toàn cách thức tiến hành các hoạt động của Quốc hội. Mặc dù bước đầu còn có những khó khăn nhất định, nhưng tôi tin rằng, sau khi đầu tư trang bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm cho việc vận hành chuyên nghiệp hơn thì các đợt họp của Quốc hội sẽ vô cùng hiệu quả. Điều này không tạo áp lực cho đại biểu trong việc đi lại, mà có thêm thời gian để đại biểu nghiên cứu tài liệu, tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận, cũng như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết... Điều này đã thể hiện rất rõ tại kỳ họp này khi các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội được Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu một cách toàn diện, đầy đủ, thể hiện trong các Tờ trình của Chính phủ; báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại đợt họp thứ hai.  

- Xin cảm ơn ông!

Trung Thành thực hiện