Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 08:28 - Chia sẻ
Những năm gần đây, với việc thu hút được nhiều doanh nghiệp có tâm, có tầm, Vĩnh Phúc đang là điểm sáng về thu hút đầu tư. Trước bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu khi dịch Covid - 19 còn diễn biến phức tạp, Vĩnh Phúc đang tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, với quan điểm “tất cả nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc”.

Đồng bộ các chính sách

Có thể thấy, ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 thời gian qua đã khiến cho các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Với phương châm “tất cả nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc”, Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng, thực thi nhiều chính sách hỗ trợ. Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp.  

Tính đến hết tháng 8.2020, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Ngân hàng Nhà nước) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 11.450 khách hàng được cho vay mới lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với lãi suất cũ; miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 1.257 khách hàng, dự nợ đạt trên 3.550 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 521 khách hàng, dự nợ đạt 1.186 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ thuế theo Nghị định số 41 và Nghị quyết số 84 của Chính phủ, đến nay, Cục Thuế tỉnh đã gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho 849 doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền trên 765 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề giải quyết thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn, Vĩnh Phúc cũng đã báo cáo, đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công An cho phép nhập cảnh đối với 793 lao động nước ngoài là nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao làm việc tại 147 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã tiếp nhận và cấp mới 41 giấy phép lao động cho người nước ngoài; cấp lại 44 giấy phép cho người nước ngoài.

Bên cạnh triển khai các chính sách hỗ trợ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã luôn đồng hành với doanh nghiệp tiếp tục tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua rất nhiều kênh thông tin hữu hiệu như: Hệ thống đường dây “nóng” và Chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp hàng tuần”. Đến nay, hệ thống đường dây “nóng” đã tiếp nhận và giải quyết gần 70 kiến nghị của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì khẳng định: Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã quyết liệt triển khai thực hiện tốt các nhóm chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để các nhóm chính sách này ngày càng phát huy hiệu quả, Vĩnh Phúc kiến nghị ban hành chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện sản xuất trong nước; có chính sách ưu đãi phát triển dòng xe chiến lược dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường. Đồng thời, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp trên địa bàn để có chiến lược thu hút đầu tư bài bản, cụ thể. Đặc biệt, nghiên cứu, xem xét cho các doanh nghiệp chế xuất được hưởng các ưu đãi như: Miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, máy móc thiết bị trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp chế xuất.

Vĩnh Phúc tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp  

Ảnh: T.Hiếu 

Gỡ khó cho các nghiệp chế xuất

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 400 doanh nghiệp FDI đầu tư với tổng mức đầu tư trên 5,7 tỷ USD, trong đó có hơn 300 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong các khu công nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp chế xuất chiếm 24%. Việc có nhiều doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn không chỉ giúp cho Vĩnh Phúc thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất hàng xuất khẩu thông qua cung cấp các nguyên vật liệu, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp chế xuất. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này lại đang gặp nhiều khó khăn.  

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định: Vĩnh Phúc luôn đồng hành với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế xuất nói riêng vượt khó. Theo đó, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng các cơ quan có liên quan để trao đổi, tháo gỡ và thống nhất hướng giải quyết liên quan đến doanh nghiệp chế xuất. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị, đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp chế xuất. Trước vướng mắc tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án mới thành lập hoạt động theo hình thức doanh nghiệp chế xuất, Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc tổ chức thực hiện nghị định này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành cũng khẳng định: Tỉnh luôn nhất quán quan điểm, đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp đã có sẵn nhà xưởng hoặc thuê nhà xưởng bảo đảm các tiêu chí cổng, cửa ra vào, lắp đặt hệ thống camera giám sát theo quy định, có thể xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất. Riêng các doanh nghiệp đã được cấp phép doanh nghiệp chế xuất nhưng vẫn áp dụng theo doanh nghiệp thông thường cần gửi hồ sơ lên Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cùng với Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc để thực hiện kiểm tra, giám sát, nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp chế xuất. “Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm 4 điều kiện theo Công văn 3778 của Tổng Cục Hải quan để tránh những vấn đề phát sinh” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.

XUÂN VIỆT