Rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Kịp thời xử lý quy định chồng chéo, không phù hợp

- Thứ Hai, 10/08/2020, 06:37 - Chia sẻ
Tính đến ngày 30.7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận 109 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc gửi đến với 4.162 nội dung kiến nghị, phản ánh.

Kìm hãm sự phát triển

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Đồng Ngọc Ba cho biết, trong năm 2020 Tổ Công tác đã tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm văn bản quy phạm pháp luật đối với 11 chuyên đề, lĩnh vực. Trong đó, đã thực hiện xong 1 chuyên đề, lĩnh vực (quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế); 5 nhóm đã có Báo cáo rà soát chính thức; 5 nhóm đã có dự thảo Báo cáo.

Rà soát văn bản, tháo gỡ khó khăn

Đến nay các cơ quan nhà nước đã hoàn thành kỳ hệ thống hóa văn bản thứ hai thống nhất trên cả nước (kỳ 2014 - 2018). Trong kỳ hệ thống hóa này, các bộ, ngành đã rà soát 8.802 văn bản còn hiệu lực; đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới 1.097 văn bản.

Trong quá trình rà soát văn bản, Tổ công tác cũng đã có công văn đề nghị các hiệp hội, tổ chức, cơ quan thông tin, phản ánh những vướng mắc, hạn chế của quy định pháp luật gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển... Tính đến ngày 30.7, Tổ công tác đã tiếp nhận 109 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc gửi đến với 4.162 nội dung kiến nghị, phản ánh. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - đơn vị đầu mối đã tổng hợp, phân loại, chỉ dẫn các kiến nghị theo nhóm, bộ, ngành liên quan để các nhóm, bộ, ngành lưu ý khi thực hiện rà soát.

Trên cơ sở tổng hợp, Tổ công tác đã chỉ ra số lượng các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo là rất lớn. Cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có 50 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo; 78 văn bản có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Riêng đối với văn bản do Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ thì do số lượng các kiến nghị, đề xuất được tổng hợp nhiều - khoảng 3.900 trang tài liệu được tổng hợp, nên Tổ công tác cần có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có được sự thống nhất.

Không chỉ chồng chéo, qua rà soát, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn cũng rất lớn. Đơn cử, Nhóm rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp (nhóm rà soát số 8) đã thực hiện rà soát đối với 104 văn bản gồm 70 văn bản liên quan đến luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, thừa phát lại (25 bộ luật, luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 22 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 22 thông tư) và 34 văn bản liên quan đến việc tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của nhóm này, về cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi. Các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản cấp trên không nhiều (1 văn bản); mà chủ yếu là các quy định có nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn (17 văn bản) và văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo do cùng một cơ quan ban hành (10 văn bản - do ban hành văn bản sau nhưng chưa xử lý văn bản ban hành trước).

Sớm thống nhất hướng xử lý

Một trong những nút thắt quan trọng của quá trình rà soát chính là đưa ra phương án xử lý những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế. Mặc dù, trong quá trình rà soát, các bộ, ngành liên quan cũng đã đề xuất phương án xử lý, song không hiếm những phương án còn chung chung, chưa giải quyết triệt để được vấn đề, thậm chí là không giải thích được vì sao lại chồng chéo, không phù hợp; hoặc giữa các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau trong phương án xử lý. Nếu không xử lý được những vướng mắc nêu trên thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả rà soát.

Đơn cử, đề xuất bãi bỏ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (tem, bưu chính, ấn phẩm tem bưu chính và các mặt hành tem bưu chính) tại Nghị định số 69/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương. Tuy nhiên, cơ quan rà soát chưa phân tích được vì sao lại bãi bỏ.

Một ví dụ khác, nhóm rà soát các quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý hoạt động của doanh nghiệp (nhóm 1) đề xuất, bổ sung điều kiện các chủ thể tham gia các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở một số ngành nghề có bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như: dịch vụ kế toán, dịch vụ làm thủ tục thuế, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm… Điều này cũng có nghĩa là để tham gia vào các dịch vụ trên, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có các điều kiện cụ thể.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các bộ, ngành khác thì Luật Hợp tác xã không quy định như vậy, theo đó, luật này quy định “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, với những đặc thù nhất định, khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì thành các doanh nghiệp của hợp tác xã lúc đó sẽ hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.

Từ thực tế này, thiết nghĩ bên cạnh việc các nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực chuyên sâu cần nhanh chóng gửi Báo cáo để Tổ công tác tiến hành tổng hợp chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì các bộ, ngành cần sớm thống nhất phương án xử lý các quy định chồng chéo, không phù hợp. Bởi đây là vấn đề quan trọng nhất, quyết định sự thành, bại của việc rà soát hệ thống văn bản.

Bài và ảnh: Phạm Hải