Kỷ cương - bứt phá - hội nhập

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:23 - Chia sẻ
Yêu cầu của hội nhập và toàn cầu hóa đặt ra đòi hỏi bức thiết trong đổi mới cách thức điều hành để đáp ứng mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ. Điều này, đồng nghĩa với hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý hành chính và cách làm việc cũng cần phải hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu. Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân Kỷ Hợi 2019, các vị khách mời cho rằng, cùng với tiêu chí về tính quyết liệt nhất định phải đạt tới, yêu cầu về sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đóng vai trò then chốt để kỷ cương thực sự là động lực đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng trong “sân chơi” toàn cầu.

Tham gia cuộc trò chuyện bàn tròn cùng Báo Đại biểu Nhân dân số đặc biệt chào Xuân Kỷ Hợi có: Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh (Khóa XII, XIII), Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - TS. Trần Du Lịch; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long.


Thủ tướng Chính phủ làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Ảnh: Thống Nhất

Quan trọng nhất vẫn là con người

- Đầu tiên, xin được dành câu hỏi cho TS. Trần Du Lịch. Thưa ông, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã trải qua hơn một nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016  -2020. Xin ông cho biết đánh giá của mình về những kết quả chúng ta đã đạt được trong từng ấy thời gian?

- Như vậy, chúng ta đã trải qua 3 năm trong hành trình thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Xét về phương diện kinh tế - xã hội, phải nói rằng, đây là giai đoạn Chính phủ đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Trong đó, đáng ghi nhận hơn cả là quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quay trở lại giai đoạn 15 năm (2001 - 2015), các con số thống kê cho thấy: Cứ 5 năm sau, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm lại thấp hơn 5 năm trước khoảng 1%. Do đó, bước vào giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ phải triển khai song song hai nhiệm vụ, không chỉ nâng cao chất lượng mà phải bảo đảm cả về tốc độ tăng trưởng. Trước yêu cầu trên, Chính phủ đã hạ quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động bằng cách đặt ra các nhóm giải pháp: Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh bằng các nghị quyết rất cụ thể; đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế liên quan.


Có ý kiến cho rằng, tốc độ lan tỏa quyết tâm cải cách của Chính phủ đến các địa phương hiện vẫn khá chậm, do còn nhiều trở ngại từ hệ thống các quy định. Điều này hoàn toàn đúng. Thậm chí, tới đây, dự báo sẽ còn tiếp tục có những khoảng trễ xuất phát từ chính hệ thống các quy định, mâu thuẫn về luật pháp… Tuy nhiên, Chính phủ đã nhận diện được những “điểm nghẽn” ở các lĩnh vực và hiện đang quyết tâm tháo gỡ từng bước. Mục tiêu siết chặt kỷ cương, trách nhiệm được đề cao nhiều hơn trong bối cảnh vai trò kiến tạo của Nhà nước ngày càng thể hiện rõ nét. Việc Chính phủ không đưa ra một chương trình chung chung mà xây dựng hẳn kế hoạch hành động cụ thể với định hướng mục tiêu rõ ràng đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ. Đó là điểm nổi bật nhất trong công tác điều hành năm 2018 vừa qua.

 TS. TRẦN DU LỊCH

Cũng xin nói thêm, ở nhiệm kỳ QH Khóa XIII (2011 - 2016) vừa qua, chúng ta đã sửa đổi, ban hành gần 100 đạo luật mà phần lớn trong đó là các đạo luật liên quan đến thể chế, kinh tế. Trên nền tảng đó, Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành kinh tế giai đoạn 2016 -  2020. Tôi cho rằng, tất cả các thành tựu chúng ta đã đạt được đến thời điểm này, đều bắt đầu từ kỷ cương, kỷ luật hành chính và từ trách nhiệm của bộ máy công vụ. Việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đều trực tiếp bám sát thực tế, chỉ đạo từng việc cụ thể; các địa phương cũng rốt ráo thực hiện với quyết tâm cao đã củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Qua đó, chúng ta đã từng bước giải quyết được những mục tiêu lớn, như: Ổn định kinh tế vĩ mô; kéo giảm lạm phát, giảm nợ công và đặc biệt là siết chặt kỷ cương trong chi tiêu ngân sách và đầu tư.

- Có ý kiến cho rằng, chất lượng công vụ phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành kỷ cương hành chính, trách nhiệm và đạo đức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Từ thực tế của Quảng Ninh thời gian vừa qua, ông nghĩ sao về điều này, thưa ông Nguyễn Đức Long?

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Người từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Thực hiện lời dạy của Người, Quảng Ninh luôn xác định, đột phá về công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển ngày càng mạnh mẽ. Thời gian qua, nếu lĩnh vực kinh tế, Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành quả từ quá trình chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, thì việc siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, đạo đức của mỗi cán bộ, công chức kể từ khi được triển khai đồng bộ, quyết liệt đã đem lại những thành tựu hết sức quan trọng. Chất lượng công vụ ở hầu hết các lĩnh vực đều nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao từ phía cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đến nay, đội ngũ cán bộ ở cơ sở của tỉnh về cơ bản được tăng cường cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, trưởng thành về nhiều mặt; giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống… đóng góp quan trọng vào thành công chung của tỉnh.

- Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành cho tới các địa phương đã mang đến nhiều tín hiệu vui, nhất là việc thắt chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cử tri băn khoăn về đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Ông Nguyễn Tấn Tuân, ông nghĩ sao về điều này?

- Chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và đối ngoại luôn hướng đến mục đích tối thượng là lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Thời gian qua, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã mang đến nhiều chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, một bộ phận cán bộ vẫn còn quan liêu, độc đoán, xa dân; trách nhiệm thực thi công vụ còn thấp khiến cử tri và người dân bất bình, có lúc giảm sút niềm tin.

Nhân dân trao cho Nhà nước quyền lực là để bảo vệ và phục vụ nhân dân, phục vụ cho việc xây dựng, phát triển đất nước. Vì vậy, quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức phải sử dụng quyền lực công đó đúng, đầy đủ và nghiêm túc. Quyền lực trao cho cơ quan công quyền phải được kiểm soát bởi cơ chế dân chủ (dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự) với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, trên cơ sở kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính, chống phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy chống để xây. Vì vậy, việc lập lại kỷ cương của bộ máy công vụ cũng như xây dựng bộ máy nhà nước minh bạch, liêm chính là yêu cầu hết sức bức thiết hiện nay.

Cần hành lang pháp lý thông thoáng, đáp ứng yêu cầu

- Thưa TS. Trần Du Lịch, xét cho cùng những điều mà cả hệ thống chính trị chúng ta đang thực hiện hiện nay cũng là quá trình kế thừa và phát huy liên tục công cuộc đổi mới đã triển khai hàng thập kỷ. Nhưng trong bối cảnh hội nhập như vũ bão và sức ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, có những đòi hỏi mới về chất lượng công vụ, phục vụ thưa ông?

- Theo đánh giá của cá nhân tôi, bộ máy công vụ, hành chính của chúng ta hiện nay tuy đã có chuyển biến nhưng cũng còn không ít bất cập. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến từng góc nhỏ của đời sống… Tuy nhiên, có vẻ như công tác quản lý nhà nước của chúng ta hiện nay vẫn chưa theo kịp sự phát triển, vận động không ngừng của xã hội. Yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra đòi hỏi Nhà nước phải làm sao tạo ra được môi trường, hệ sinh thái để sáng tạo, khởi nghiệp. Chính phủ đã nhận thức rất rõ điều này, thế nhưng để có được sự chuyển biến trong cả một hệ thống, rõ ràng chúng ta phải thay đổi được tư duy làm việc của cả nền công vụ. Nhà nước phải đóng vai trò là bà đỡ cho thị trường, cho doanh nghiệp phát triển và đó là yêu cầu bức xúc hiện nay.

- Để mọi hoạt động được diễn ra thông suốt cần có một hành lang pháp lý thật sự hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình thực tế. Với vai trò thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, lại từng là ĐBQH qua hai nhiệm kỳ, ông đánh giá như thế nào về chất lượng hoàn thiện thể chế cũng như hệ thống luật pháp trong thời gian qua?

- Đây là vấn đề lớn mà tôi đã từng nhiều lần bày tỏ ý kiến. Bởi, quyết tâm của chúng ta là cải cách một thể chế kinh tế gắn liền với thể chế hành chính và tài chính công, chứ không chỉ riêng kinh tế. Thực tế hiện nay, có những đạo luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi. Nó phản ánh sự thiếu đồng bộ, hệ thống, khiến quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Do đó, trong năm 2019 này, Chính phủ cần phải trình QH sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật hiện còn đang chậm trễ. Tôi tin rằng, trong 2 năm còn lại của giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt, rốt ráo để xây dựng môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh liên hoàn, trôi chảy cho sự vận hành của cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng.

- Nhiều người vẫn thường nhắc đến Quảng Ninh như một “Ngôi sao cải cách”. Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, Quảng Ninh đã làm gì để biến khẩu hiệu “kiến tạo” thành những việc làm cụ thể, nhất là trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đều lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm tiêu chí phấn đấu hàng đầu, thưa ông?


Trong thời gian vừa qua, nước ta đã gặt hái được nhiều kết quả vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng GDP đạt 7,08% (vượt chỉ tiêu 6,7%), trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 3,54%, các cân đối lớn được bảo đảm, thể hiện các chính sách vĩ mô được điều hành rất linh hoạt, hiệu quả. Đạt những thành tựu này, bên cạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, có nỗ lực to lớn và phấn đấu không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân cả nước.

Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa NGUYỄN TẤN TUÂN

- Như tôi vừa trình bày ở trên, suốt quá trình nỗ lực để trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội là cả quá trình Quảng Ninh tự soi mình, để nhìn nhận thấy rõ những “điểm nghẽn” trong vận hành của bộ máy. Một mặt, chúng tôi quyết liệt xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, một mặt, đặt mục tiêu lấy chất lượng phục vụ làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị, từng cán bộ ở từng lĩnh vực.

Định hướng xuyên suốt của Quảng Ninh là thực hiện đồng bộ các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, kết hợp chặt chẽ với việc nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ. Về tổ chức bộ máy hành chính, chúng tôi thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và tình hình thực tế. Hàng loạt các giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng được quan tâm triển khai. Hiện, tỉnh đã triển khai đồng bộ ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỉnh đang quyết tâm triển khai Đề án thành phố thông minh; Đề án chính quyền điện tử giai đoạn II (2016-2020); tăng cường cung cấp dịch vụ công mức độ 3,4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi giải quyết TTHC.

- Thưa Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, với chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan dân cử địa phương cần phải làm gì để cùng cả hệ thống chính trị nâng cao chất lượng, thắt chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen hiện nay?

- Hiến pháp năm 2013 quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Vì vậy, cơ quan dân cử ở địa phương có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng, thắt chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Theo tôi, để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, cơ quan dân cử phải tăng cường hoạt động giám sát, trọng tâm là việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương trên nhiều lĩnh vực và dưới nhiều hình thức khác nhau. Thông qua giám sát, chỉ rõ vướng mắc, hạn chế của các cơ quan chịu sự giám sát trong thực thi công vụ, bao gồm cả vấn đề kỷ cương, kỷ luật; đồng thời, tích cực đôn đốc các cơ quan, tổ chức khắc phục những hạn chế, tồn tại để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Có thể khẳng định, đẩy mạnh giám sát là giải pháp quan trọng để thắt chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 85/2014/QH13 của QH, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm tăng tính hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Thông qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước, giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện và đổi mới hoạt động của cơ quan, tổ chức và địa phương.

Niềm tin là cốt lõi

- Thưa TS. Trần Du Lịch, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước buộc phải thay đổi, hướng tới nền hành chính phục vụ. Đây là đòi hỏi khách quan để hội nhập toàn diện, sâu rộng với toàn cầu. Ông nghĩ sao về điều này? 


Trong triển khai thắt chặt kỷ cương, kỷ luật, tạo vị thế hội nhập mới trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi luôn xác định, các giải pháp đều phải bảo đảm tính thống nhất giữa nhận thức và hành động từ tỉnh đến cơ sở. Quảng Ninh đã có những nền tảng tốt để tiếp tục phát triển, tuy nhiên, để bảo đảm sự bền vững, cần có quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm để đơn giản hóa các TTHC, giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện thông báo, xin lỗi đến người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật công chức, lắng nghe phản ánh của người dân; tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, đào tạo để nâng cao hiệu quả của chính quyền điện tử. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết các TTHC…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh NGUYỄN ĐỨC LONG

- Thật sự đây là xu hướng chung chứ không phải chỉ của riêng nước ta trong xây dựng nền hành chính phục vụ. Trong thời đại mà tác động của khoa học, công nghệ ngày càng sâu rộng hiện nay, chỉ những quốc gia, những nơi nào thực sự tạo được hệ sinh thái cho sáng tạo thì mới có được sự phát triển vượt bậc. Chính vì vậy, tôi tin rằng, trong đề án nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh và năng suất, chúng ta phải tính toán sao cho hình thành được hệ thống tổ chức mà ở đó hấp thụ được khoa học, công nghệ, hấp thụ được vốn, huy động được nguồn lực… Vấn đề mấu chốt của cải cách là tạo những đột phá về phương pháp quản lý mà không làm giảm đi vai trò của Nhà nước trong quản trị, điều hành. Càng hội nhập, càng phát triển thì vai trò hỗ trợ của Nhà nước ngày càng quan trọng. Đó thực sự là bản chất của một nền hành chính phục vụ đúng nghĩa; là tiêu chí để đánh giá nền hành chính hiệu quả, hiệu lực đến đâu. Nhìn một cách tổng thể, đây cũng chính là những vấn đề Chính phủ đang quyết liệt triển khai, được thể hiện rõ nét ngay trong Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 đầu năm 2019 mà Chính phủ ban hành để điều hành năm 2019 và cả năm 2020; chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

- Thưa ông Nguyễn Tấn Tuân, người dân và cộng đồng doanh nghiệp luôn là những chủ thể khách quan, đưa ra nhìn nhận và đánh giá công tâm. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, đâu là yếu tố cốt lõi để xác lập niềm tin bền vững?

- Một trong các chức năng của cơ quan quản lý nhà nước là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh tế. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế; việc ban hành và thực hiện các chính sách, cơ chế cần bảo đảm tính toàn diện, cân bằng; phải suy xét cẩn trọng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh – quốc phòng, đối ngoại, không chạy theo phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, thông suốt, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ; tập trung CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, tương tác hiệu quả với người dân và doanh nghiệp; kiên quyết và kịp thời xử lý các sai phạm trong đời sống xã hội để bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật. Đây chính là vấn đề cốt lõi trong củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng và chế độ. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo và định hướng của Đảng, hệ thống cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương sẽ có những hành động cụ thể, thiết thực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 đề ra theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của QH.

- Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, khi niềm tin chiến lược được hình thành, việc huy động các nguồn lực xã hội phục vụ các mục tiêu phát triển của quốc gia hay địa phương sẽ trở nên dễ dàng hơn. Với những thành tựu đã đạt được thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp gì nhằm củng cố niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào bộ máy công quyền, thưa ông Nguyễn Đức Long?

- Thực tế đã chứng minh, nỗ lực của Quảng Ninh thời gian qua đã nhận được sự yêu quý, ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đây là cơ sở để tỉnh có thêm nhiều nguồn lực mới, tiếp tục hướng đến các mục tiêu cao hơn, xa hơn. Với Quảng Ninh, chúng tôi xác định, thước đo là sự hài lòng của của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tuy đã có sự tăng trưởng vượt bậc song chưa thực sự bền vững. Trong khi đó, các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện. Vì vậy, việc cần làm là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm hành chính công, rà soát cắt giảm các TTHC không cần thiết. Công tác giải quyết TTHC phải bảo đảm sự liên thông từ cấp tỉnh đến xã, phường, rút ngắn thời gian đi lại giải quyết thủ tục của người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương.

- Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời!

MẠNH TUÂN thực hiện