TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI NGUYỄN HẠNH PHÚC

Kỷ cương nghiêm minh “hóa giải” nhiều thách thức

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:15 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Trò chuyện với Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân Mậu Tuất, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội NGUYỄN HẠNH PHÚC cho rằng, Quốc hội và Chính phủ phải vừa củng cố, giữ vững kỷ cương, kỷ luật vừa cùng nhau tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong thực tiễn, xử lý những bất cập trong quy định pháp luật. “Trên” nghiêm minh thì “dưới” ắt cũng sẽ nghiêm minh.

“Chúng ta chỉ có một đích đến”

- Trong cuộc trò chuyện với Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017, Ông đã gửi gắm thông điệp rất mạnh mẽ về vai trò tiên phong của Quốc hội trong thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật, kỷ cương nghiêm minh. Ở thời điểm này nhìn lại, ông có thể chia sẻ điều gì?


Ảnh: Lâm Hiển

“Thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội, bảo đảm nghiêm minh kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước có thể “hóa giải” được nhiều thách thức khác. Quốc hội và Chính phủ phải vừa củng cố, giữ vững kỷ cương, kỷ luật vừa cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, xử lý những bất cập trong quy định pháp luật. Càng ngày càng phải tuân thủ chặt chẽ vấn đề này. “Trên” nghiêm minh thì “dưới” ắt cũng sẽ nghiêm minh”.

Tổng Thư ký Quốc hội
Nguyễn Hạnh Phúc

- Năm 2017, chúng ta đứng trước nhiều thách thức, mà trong đó, có một nguyên nhân sâu xa là ở một số nơi, trong từng lĩnh vực, từng cơ quan, tổ chức và xã hội chưa chấp hành nghiêm kỷ cương, pháp luật. Thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội, bảo đảm nghiêm minh kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước có thể “hóa giải” được nhiều thách thức khác. Trong suốt một năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chúng ta đang quyết liệt chấn chỉnh vấn đề này và đang tạo ra được những chuyển biến rất đậm nét, củng cố được lòng tin của nhân dân. Với riêng Quốc hội, có thể đúc kết ngắn gọn một năm qua là: Đổi mới, dân chủ, minh bạch, kiên quyết hành động để bảo đảm tốt nhất lợi ích của nhân dân và đất nước.

- Trả lại các dự án không bảo đảm chất lượng, không đúng thẩm quyền; giám sát những lĩnh vực khó, phức tạp và đụng chạm rất lớn tới các nhóm lợi ích như các công trình giao thông BOT, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, ĐBQH tranh luận với các bộ trưởng và với chính ĐBQH… Có thể xem đó là những minh chứng cụ thể cho tinh thần hành động, sự kiên quyết của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội không, thưa ông?

- Đúng vậy! Trong công tác lập pháp, năm 2017, Quốc hội, UBTVQH đã quyết định rút 3 dự án Luật và lùi thời điểm trình 2 dự án Luật. Đặc biệt, 3 dự án Luật khó, phức tạp là dự án Luật Quy hoạch, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định xem xét thông qua tại 3 kỳ họp, tăng thêm 1 kỳ họp so với quy trình lập pháp thông thường. Trước đây, vẫn có tình trạng “đưa vào rút ra” các dự án luật. Nhưng năm vừa qua, việc điều chỉnh này thể hiện sự chủ động của Quốc hội. Dự án nào không bảo đảm tiến độ, chất lượng, không đúng thẩm quyền thì Quốc hội kiên quyết dừng. Nhưng có những dự án đang đòi hỏi cấp bách phải có luật thì Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo dứt khoát phải trình, các cơ quan của Quốc hội cũng “xắn tay” vào hoàn thiện. UBTVQH cũng tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm chất lượng các dự án Luật này như: Tổ chức phiên họp ĐBQH chuyên trách ngay trong kỳ họp hoặc tăng thêm thời gian để giải quyết thấu đáo mọi vấn đề, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự luật trước khi thông qua. VPQH cũng tham mưu cho UBTVQH ban hành văn bản “điểm danh” chi tiết tiến độ, tài liệu của từng dự án, từng cơ quan soạn thảo gửi đến các ĐBQH và các bộ, ngành. Bộ nào tích cực, Bộ nào chậm trễ để ĐBQH giám sát, cũng là có thêm cơ sở để ĐBQH đánh giá khi lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ Sáu tới.

Hay trong giám sát, Quốc hội và UBTVQH đã tập trung vào những lĩnh vực rất khó, đòi hỏi phải vượt qua nhiều sức ép, nhiều lực cản. Giám sát của UBTVQH về các công trình giao thông BOT chẳng hạn. Nghị quyết của UBTQVH về vấn đề này đã xác lập rất rõ quan điểm: Chỉ áp dụng hình thức BOT khi làm đường mới, không được áp dụng ở những con đường đã có để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Nghị quyết của UBTVQH cũng tập trung xử lý nhiều vấn đề đang bức xúc hiện nay như: Khoảng cách đặt trạm thu phí, tính công khai, minh bạch của các dự án, tính hợp lý của mức phí, hạn chế thấp nhất việc chỉ định thầu… Chắc chắn, với những quan điểm được nêu trong Nghị quyết của UBTVQH, các công trình BOT tới đây sẽ minh bạch hơn, hiệu quả hơn và tạo được sự đồng thuận của người dân hơn.

Một việc nữa cũng thể hiện kỷ cương nghiêm minh của Quốc hội là, Quốc hội đã tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ĐBQH của một số đại biểu, bãi nhiệm ĐBQH để phục vụ cho công tác điều tra. Quốc hội cũng xem xét luật hóa việc xử lý cán bộ tham nhũng, vi phạm pháp luật kể cả khi đã về hưu… Điều này thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, bảo đảm không có vùng cấm.

- Sự kiên quyết như vậy có dẫn đến tâm lý cho rằng Quốc hội, UBTVQH “làm khó” Chính phủ, các bộ, ngành không, thưa ông?

- Tôi không nghĩ như vậy. Vì cùng với sự kiên quyết đó, UBTVQH luôn đồng hành và tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ, ngành. Với trách nhiệm là Tổng Thư ký Quốc hội, sau mỗi Phiên họp của UBTVQH, đều có văn bản gửi các cơ quan, nêu rõ những việc cần tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện. Nghị quyết về xử lý nợ xấu chẳng hạn. Ban đầu, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Nhưng qua thảo luận, tham mưu của các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH thấy rằng, có thể trình Quốc hội ban hành ngay một Nghị quyết để xử lý các vấn đề về nợ xấu thay vì phải chờ sửa đổi Luật. Rõ ràng, nếu không có Nghị quyết về xử lý nợ xấu thì vừa qua, sẽ không thể thực hiện được việc xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, được xem là điểm tắc nghẽn nhất trong việc phá tan cục máu đông của nền kinh tế. Không có chuyện “làm khó nhau” vì chúng ta chỉ có một đích đến. Đó là, xử lý có hiệu quả những vấn đề vướng mắc, khai thông, mở đường cho sự phát triển của đất nước.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị APPF - 26
Ảnh: Lâm Hiển

Kiên trì đổi mới vì lợi ích của Nhân dân

- Trở lại với câu chuyện đổi mới của Quốc hội. Vừa qua, rất nhiều ý tưởng đổi mới đã được khởi nguồn từ chính cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ của Quốc hội. Nhưng yêu cầu, đòi hỏi đổi mới của Quốc hội sẽ ngày càng tăng. Ông có thấy áp lực không?

- Quá áp lực ấy chứ. Quốc hội Khóa XIII đã có rất nhiều đổi mới. Có lúc tôi cũng tưởng cứ tiếp tục thực hiện các đổi mới này thôi là tốt rồi. Nhưng sang Khóa XIV, trước những diễn biến của cuộc sống, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước lại đặt ra yêu cầu Quốc hội phải tiếp tục đổi mới để thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mình. Chuẩn bị cho Quốc hội Khóa XV cũng sẽ như thế. Đó là một dòng chảy liên tục. Sự phát triển của đất nước không cho phép chúng ta dừng lại mà phải luôn suy nghĩ làm sao đổi mới để tốt hơn lên, nhiệm kỳ này chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau tốt hơn. Thể chế phải đi trước, mở ra con đường thông thoáng, thuận tiện, minh bạch thì kinh tế - xã hội mới phát triển nhanh và bền vững được. Trách nhiệm của Quốc hội là rất lớn. Vì thế, là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, VPQH cũng phải không ngừng suy nghĩ để đóng góp cho sự đổi mới của Quốc hội.

- Có một thực tế là, không phải lúc nào những đề xuất đổi mới cũng được đón nhận và đồng thuận ngay, ví như đề xuất về đổi mới công tác thông tin báo chí tại phiên họp của UBTVQH thưa ông?

- Tôi nhớ, lúc đó, đã có một số ý kiến cho rằng, UBTVQH “đóng cửa” với báo chí. Nhưng không phải vậy. UBTVQH là cơ quan thường trực của Quốc hội, có trách nhiệm xem xét, thảo luận, chuẩn bị một bước tất cả nội dung trình Quốc hội. UBTVQH mới nghe, mới bàn, chưa đâu vào đâu đã đưa ra thì dễ dẫn đến việc định hướng dư luận, không bảo đảm khách quan, mỗi người hiểu một kiểu cũng dễ làm phức tạp thêm. Khi UBTVQH bàn rõ rồi thì công khai cho báo chí, cho người dân, đặc biệt là, khi nội dung được trình ra Quốc hội rồi thì công tác thông tin càng công khai, minh bạch hơn nữa.

Chỉ riêng tại Kỳ họp thứ Tư, VPQH đã tham mưu và phục vụ Quốc hội phát thanh truyền hình trực tiếp tới 11/26 ngày làm việc, nhiều nhất từ trước đến nay. Có những nội dung trước đây được xem là khó, nhạy cảm như thu chi ngân sách nhà nước, phòng chống tội phạm, tham nhũng; có những nội dung trước đây chỉ gửi báo cáo cho ĐBQH tự nghiên cứu thì vừa qua đã trình Quốc hội thảo luận tại Phiên họp toàn thể và đồng thời, được phát thanh, truyền hình trực tiếp ngay như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, vấn đề bình đẳng giới… Rõ ràng, khi đặt công tác thông tin báo chí về phiên họp của UBTVQH và kỳ họp của QH trong một bối cảnh chung như vậy thì sẽ có sự chia sẻ và đồng thuận.

- Phản ứng trái chiều trước những thay đổi có lẽ cũng là bình thường, thưa ông?

- Điều quan trọng là, đích đến của những thay đổi, đổi mới ấy không phải vì mục đích cá nhân. Cũng không phải chúng tôi muốn giành quyền gì ở đấy. Quyền lực của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội là quyền lực của người dân. Người dân có quyền được thông tin, có quyền được biết Quốc hội đang làm gì, làm được gì, quyết đáp ra sao, vì sao lại quyết đáp như vậy... Tổng Thư ký Quốc hội, VPQH có trách nhiệm phải tìm ra cách thức hợp lý, khách quan để truyền tải thông tin về hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội đến người dân. Tất nhiên, cũng cần rút kinh nghiệm, khi tiến hành một đổi mới nào đó thì cần trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ, lý giải cặn kẽ để thống nhất cách làm và phải kiên trì để đạt được hiệu quả. Những đổi mới tới đây của Quốc hội cũng sẽ được thực hiện theo tinh thần như vậy, hướng đến mục tiêu cuối cùng là hiệu quả hoạt động của Quốc hội, là lợi ích của nhân dân và đất nước.

- Ông có thể chia sẻ thêm những dự định đổi mới nào sẽ được VPQH đề xuất với Quốc hội trong năm 2018?

- 2018 cũng là năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội bầu và phê chuẩn; giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Vì thế, VPQH cũng đang nghiên cứu, đề xuất đổi mới tập trung vào hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Ví dụ, thời gian hỏi sẽ rút ngắn lại chỉ khoảng 1 phút để ĐBQH hỏi - Bộ trưởng trả lời ngay. Điều này đòi hỏi ĐBQH phải hỏi gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề còn Bộ trưởng phải trả lời thẳng, rõ trách nhiệm, không né hoặc bỏ sót nội dung chất vấn. Cách làm như vậy, tôi tin là sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại QH.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Bình thực hiện