Lại là "bệnh thành tích"...

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:58 - Chia sẻ
Theo phản ánh trên báo chí, hiệu trưởng một trường ở tỉnh Quảng Bình được cho là đã nhắn tin dọa đổ xăng thiêu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ba Đồn. Nguyên nhân là do vấn đề thi đua khen thưởng.

Cụ thể, ngành giáo dục và đào tạo thị xã Ba Đồn tổ chức bình chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề nghị khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến của thị xã và ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Sau khi tổ chức bình chọn, ngành giáo dục và đào tạo thị xã Ba Đồn có 6 tập thể và 6 cá nhân được đề nghị khen thưởng tại các hội nghị nói trên, trong đó, Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn được khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh.

Sau khi nhận kết quả bình chọn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn đã "thắc mắc" rằng tại sao trường không được khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến thị xã Ba Đồn? Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ba Đồn đã giải thích khen thưởng trước toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh là mức khen thưởng cao hơn nhưng vị hiệu trưởng này không đồng ý và có đơn khiếu nại lên UBND thị xã; đe dọa sẽ kiện đến cùng kết quả bình chọn thi đua khen thưởng; đồng thời có những hành vi không hay khác với lãnh đạo ngành trên mạng xã hội và đỉnh điểm là nhắn tin đe dọa đổ xăng thiêu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã...

Còn nhớ, thời điểm giữa năm 2018, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bệnh thành tích đã có từ lâu, ngành giáo dục cũng cố gắng nói không với căn bệnh này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đây là những vấn đề không chỉ dừng lại ở quy định mà còn có những yếu tố về văn hóa, yếu tố về thói quen. Bộ đang rất tích cực để hạn chế việc này. Bộ cũng đã có văn bản trong đó quy định hủy bỏ nhiều cuộc thi và văn bản hướng dẫn các sở không tính các điểm vào trong thi đua. Những thầy cô nào thực hiện tốt đổi mới sáng tạo, có sản phẩm đích thực thì cơ sở, sở, bộ sẽ ghi nhận biểu dương. Hạn chế đăng ký thi đua vì đăng ký thi đua là gốc gác của vấn đề "thành tích ảo".

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt rằng thi đua phải thiết thực và trong ngành giáo dục phải đi tiên phong. Do đó Bộ rất ý thức được điều này và đang chỉ đạo quyết liệt để thực hiện...

Nguyên nhân đã được chỉ ra, cá nhân Bộ trưởng đã hứa sẽ gắt gao, vậy nhưng vì sao vẫn chưa có "thuốc", vẫn còn xảy ra những sự việc "quá đáng", thậm chí vi phạm pháp luật nêu trên? Phải thẳng thắn rằng, dù biết "bệnh" từ lâu nhưng việc tìm "thuốc" quá khó bởi hàng loạt những "ràng buộc". Đó là các chỉ tiêu của ngành, của tỉnh, của huyện đối với trường; chỉ tiêu của trường với các thầy cô; là "điểm" của trường mình với trường bạn... Cuối năm hoặc dịp tổng kết này, đi đua nọ, nếu không đạt chỉ tiêu, không có giải, không được bằng khen, được tuyên dương... xem ra cũng "khó ăn, khó nói"...

Vậy nên, dù có muốn, nhưng nếu "ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật” - câu nói tại phiên tòa xét xử một số thầy cô có hành vi gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT cách đây không lâu càng cho thấy cái khó trong việc ngăn chặn "bệnh thành tích".

Vậy nhưng, đã là bệnh, đã biết bệnh thì phải tìm thuốc. Không thể để bệnh nặng thêm hoặc chỉ tạm thời thuyên giảm, hoặc biến chứng nặng nề hơn. Như trường hợp ở Ba Đồn, Quảng Bình: Cần có hình thức xử lý thích đáng, chứ không thể nói là không biết tại sao lại có tin nhắn trong điện thoại - như "giãi bày" của vị hiệu trưởng.

Linh Trang