Làn sóng thứ hai

- Thứ Tư, 01/07/2020, 08:25 - Chia sẻ
Một nhà máy chế biến thịt ở thành phố Gütersloh thuộc bang Bang Nordrhein - Westfalen của Đức, một nhà kho của công ty chuyển phát nhanh Bartolini ở thành phố Bologna thuộc miền Trung Italy, một nhà thờ ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, một chợ bán buôn ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc… mới đây đã trở thành ổ dịch Covid-19 mới. Điều đáng nói là, tất cả cụm lây nhiễm này đều bị phát hiện sau khi nhà chức trách quốc gia tuyên bố đại dịch đã được khống chế trong nước và bắt đầu nới lỏng biện pháp kiểm soát để dần trở lại cuộc sống bình thường.

Nguy cơ lơ lửng

Theo The Guardian, nhiều tháng đã trôi qua sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, người ta bắt đầu lo sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai treo lơ lửng trên đầu các quốc gia đang phải nỗ lực tìm cách dập tắt căn bệnh này bằng những biện pháp mạnh vốn tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội.

Do thời gian ủ bệnh Covid-19 có thể lên tới hơn 2 tuần nên một số người nhiễm bệnh có thể phát tán virus trước khi các triệu chứng của họ xuất hiện và những người khác vẫn không có triệu chứng. Thực tế đó đã giúp virus SAR-Cov-2 lây lan mà không bị phát hiện trước khi bùng phát. Cách đây hơn một tuần, Hàn Quốc thu hút sự chú ý của quốc tế khi cơ quan kiểm soát dịch bệnh trong nước tuyên bố, nước này đã trở thành quốc gia đầu tiên bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai, trong đó các ca nhiễm mới tập trung quanh thủ đô Seoul và phần lớn bắt nguồn từ những cuộc tụ tập trong kỳ nghỉ tháng 5. Ở New Zealand, hôm 16.6, xuất hiện ca nhiễm đầu tiên sau 24 ngày sạch bóng virus Corona. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Australia gần đây cũng báo cáo số ca dương tính trong ngày tăng mạnh nhất trong vòng 2 tháng và đang phải xem xét tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Tại Trung Đông, 3 quốc gia đang chứng kiến nguy cơ rõ rệt của làn sóng thứ hai là Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi mở lại các hoạt động kinh tế - xã hội...

Thuật ngữ “làn sóng thứ hai” có thể được hiểu là cụm dịch lây nhiễm từ cục bộ đến một cuộc khủng hoảng quốc gia toàn diện. Đó chính là lý do mà một số chuyên gia hạn chế dùng thuật ngữ trên. Bản thân Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng tránh sử dụng “làn sóng thứ hai” để miêu tả về tình trạng của Hàn Quốc trong một cuộc họp báo.

Nguồn: ITN​​​​​​

Không thể lơ là

Hiện thế giới có sự đồng thuận hơn về cách phòng ngừa và xử lý các ổ dịch mới bằng cách áp dụng những phương pháp đã được chứng minh hiệu quả thời gian qua. Theo GS. Linda Bauld của Đại học Edinburgh, Anh, “trong trường hợp chưa tìm được vaccine hoặc thuốc đặc trị hiệu quả, vấn đề sẽ nằm ở dữ liệu. Chúng ta cần phải xác định được người mắc bệnh và thực hiện các biện pháp như xét nghiệm, truy dấu và cách ly”. Nếu thực hiện tốt bước trên, các ổ dịch cục bộ sẽ nhanh chóng được khống chế và không dẫn đến bùng phát mạnh trên quy mô toàn quốc .

Giáo sư danh dự thuộc chuyên ngành dịch tễ học Keith Neal của Đại học Nottingham cũng cho biết, các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp hạn chế tốc độ lây lan của bất cứ cụm dịch mới nào. Theo ông, nếu chúng ta giảm mỗi rủi ro được 10% hay 20% thì cộng lại sẽ giảm được nguy cơ rất lớn. Vì vậy, hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt, giữ khoảng cách khi giao tiếp, đeo khẩu trang và làm việc ở nhà là những biện pháp hữu hiệu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các phương pháp trên chỉ có thể hoạt động và phát huy hiệu quả ở những nước có khả năng kiểm soát virus và có nguồn tài nguyên để chi trả cho công tác xét nghiệm, truy vết và áp dụng phong tỏa. 

Vì vậy, TS. Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cảnh báo, những quốc gia như Mỹ vẫn chưa thoát khỏi làn sóng đầu tiên. Ở Mỹ, một số tiểu bang đã bắt đầu nới lỏng biện pháp phong tỏa trước khi virus được kiểm soát, và vài tuần sau khi những ca nhiễm ban đầu lên đến đỉnh điểm, chúng đã tăng trở lại. Đây là lời nhắc nhở nghiệt ngã về việc virus có thể dễ dàng “lấy lại chỗ đứng của nó”. TS. Anthony Fauci, thậm chí cho rằng, vẫn còn sớm để nói về làn sóng thứ hai bởi vì xứ sở cờ hoa chưa ra khỏi làn sóng đầu tiên. Hiện nay, số ca nhiễm tăng đột biến buộc nhiều bang phải hoãn hoặc đảo ngược kế hoạch tái mở cửa. Các bang New Jersey, New York và Connecticut ra lệnh cách ly 14 ngày với những người đến từ điểm nóng Covid-19 của Mỹ gồm Alabama, Arizona, Arkansas, Florida, Bắc Carolina, Nam Carolina, Texas và Utah. Mỹ đang là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao nhất vì Covid-19.

Trong khi đó, tại các quốc gia như Afghanistan, nghèo đói và chiến tranh khiến virus Corona gần như không thể kiểm soát được. Bởi bị cách ly ở nhà đồng nghĩa với không có thức ăn. Do đó, các lệnh cấm nghiêm ngặt khó có khả năng được tuân thủ. Tương tự, theo GS. Bauld, nhiều khu vực ở Nam bán cầu cũng không thể thực hiện xét nghiệm hàng loạt, truy dấu nhiễm bệnh hay áp dụng cách ly triệt để. Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, hôm 30.6 thông báo thêm 22.941 ca nhiễm SARS-Cov-2 và 656 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.368.195 và 58.314. Giới chuyên gia thậm chí còn lo ngại số người chết tại Brazil trên thực tế có thể cao hơn báo cáo của chính phủ. Tình hình có khả năng sẽ còn phức tạp hơn trong bối cảnh nhiều bang ở quốc gia Nam Mỹ này đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều tháng áp đặt phong tỏa.

Sự chênh lệch về khả năng kiểm soát và những cảnh giác liên tục về làn sóng bùng phát Covid-19 thứ hai đồng nghĩa với các biện pháp hạn chế đi lại phải được thực hiện cho tới khi thế giới tìm được vaccine hoặc có phương pháp điều trị hiệu quả. Tính đến thời điểm này, toàn cầu ghi nhận hơn 10,1 triệu người nhiễm Covid-19 và ít nhất 502.634 người tử vong. Trong một cuộc họp báo trực tuyến gần đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tốc độ lây nhiễm đang thực sự tăng tốc. Ông kêu gọi tăng cường hợp tác ngăn chặn đại dịch trên phạm vi toàn cầu vì “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra”.

Thái Anh