Lắng nghe dư luận xã hội...

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 22:37 - Chia sẻ
Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng khi trả lời báo chí đã thẳng thắn: Việc tỉnh Bắc Ninh thay 3 bí thư thành ủy trong 3 tháng thể hiện công tác cán bộ rất thiếu nghiêm túc, tùy tiện, làm giảm sút lòng tin của người dân... Ở góc độ cơ quan quản lý, thì đây còn là bài học biết lắng nghe dư luận xã hội để xem xét, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh “bất thường“.

Chuyện một nguyên thứ trưởng có tâm thư xin có tâm thư muốn giữ lại căn nhà công vụ mà bà đã gắn bó 20 năm nay. Vị thứ trưởng này cho biết, chỉ gửi lời tự sự chứ không có ý định gửi đơn xin điều gì. Lý do là vào tháng 5.2020, bà nhận được thông báo của Bộ Xây dựng yêu cầu trả lại căn hộ khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Tuy nhiên, khu nhà này chưa có nhu cầu giải tỏa nên bà gửi nguyện vọng muốn được ở cho đến khi chuyển công năng, mọi người cùng nhau trả và ra đi. Tôi gửi tâm thư với trình bày nguyện vọng, mong muốn chứ không cố bám. Khi Bộ Xây dựng yêu cầu trả nhà, chúng tôi cũng sẽ trả...

Một bên là chuyện đề bạt, bổ nhiệm, một bên là chuyện nhà công vụ  nhưng có điểm chung là tạo nên những luồng dư luận trong xã hội băn khoăn, so sánh, đối chiếu với quy định, phân tích, phê phán và cũng chính dư luận đã khiến sự việc "rẽ ngang". Như việc bổ nhiệm ở Bắc Ninh, xuất phát từ dư luận xã hội mà các cơ quan chức đã có những động thái tích cực để làm rõ quy trình, quy định tính công tâm và khách quan. Hay với chuyện nhà công vụ  của vị nguyên thứ trưởng ở kéo dài cả khi đã nghỉ hưu, có thể vì dư luận  công khai  mà bà quyết định trả lại nhà...

Vậy nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như không để xảy ra dư luận, nhất là dư luận không tốt, ảnh hưởng uy tín cá nhân, tổ chức. Chuyện bổ nhiệm, chuyện nhà công vụ sẽ là bình thường nếu như các cơ quan chức năng làm đúng ngay từ đầu, đặc biệt lắng nghe dư luận xã hội, từ đó có thể tránh được những "điều tiếng" không hay trong quá trình thực thi công vụ. Đồng thời, cũng từ nắm bắt dư luận mà có những quyết định đúng đắn hơn.

Dư luận cũng có dư luận tốt, dư luận xấu, bởi vậy, cái cần thiết là nhìn nhận dư luận xã hội ở khía cạnh tích cực hay tiêu cực. Có thể "trung ngôn nghịch nhĩ", sự thật mất lòng.  Nhưng trong nhiều trường hợp cũng từ đó mà có quyết định đúng đắn.

Thà mất lòng trước còn hơn được lòng sau, còn hơn sau này phải giải quyết hệ lụy. Điều quan trọng là trong thực thi chính sách, quy định phải công khai minh bạch để nhân dân tham gia giám sát không để có "dư luận" rồi mới vào cuộc giám sát.

Khương Ninh