Làng Việt lưu dấu thời gian

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 05:40 - Chia sẻ
Khi nói đến làng cổ, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh quen thuộc cây đa, bến nước, mái đình. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ hơn, có thể thấy mỗi làng có cách thức tổ chức khác nhau, tùy thuộc vào môi trường tự nhiên, xã hội, tạo sự đa dạng, đặc sắc của ngôi làng Việt truyền thống, mà một phần trong đó vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Nét xưa trong đời sống đương đại

Trên khắp mọi miền đất nước, những ngôi làng với lịch sử hàng trăm năm vẫn tồn tại cùng thời gian, chứa đựng trong đó các giá trị truyền thống tích tụ từ ngàn đời. Tuy nhiên, làng Việt ngày nay cũng đã có nhiều biến đổi, mai một. Để lưu giữ những nét đẹp của làng, Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra mắt ấn phẩm “Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích - tập 1”, giới thiệu một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

Lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các làng cổ được giới thiệu tới công chúng.
Ảnh: Th. Nguyên

“Làng, văn hóa làng, kiến trúc làng là những tích luỹ vật chất và nhân văn đồ sộ, bất tận của người Việt. Có những tinh hoa cần nhận ra và kế thừa; có những kiến tạo đặc sắc, trước nguy cơ tan biến rình rập, cần phải được giữ lại cho nay và mai… Làng và kiến trúc làng chỉ phát triển lành mạnh khi ta lấy việc cải tạo di sản ấy và cái hiện hữu làm cầu nối liền mạch, liền dòng quá khứ, hiện tại và tương lai”.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính

Ấn phẩm giới thiệu về 6 ngôi làng cổ của miền Bắc và miền Trung, nơi còn lưu giữ được khá nhiều công trình kiến trúc dân gian đặc sắc. Trong đó, làng Thổ Hà, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang, nổi tiếng với nghề làm gốm có bề dày lịch sử. Dấu vết của làng gốm trăm năm qua vẫn còn hiện diện trên lớp lớp bức tường, ngõ nhỏ ghép bằng mảnh sành, mảnh gốm, tiểu sành, chum vại vỡ… tạo nên những đặc trưng của làng. Đình, chùa Thổ Hà còn giữ dấu vết kiến trúc từ thế kỷ XVI, đặc biệt đình làng Thổ Hà là một trong 6 ngôi đình có kiến trúc cổ nhất hiện còn ở nước ta.

Mang đặc trưng của một ngôi làng Việt ở vùng Bắc Trung Bộ, làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, có cấu trúc làng - nhà - vườn là giá trị nổi trội. Hiện nay, làng vẫn lưu giữ 26 nhà được xây dựng trên dưới 100 năm, nhiều ngôi nhà rường ở Phước Tích được chạm trổ tinh xảo. Dù lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa, cảnh quan truyền thống, nhưng trong từng ngôi nhà, con ngõ cũng đã có sự biến đổi. Một ngôi làng khác của Thừa Thiên Huế được giới thiệu trong tập sách này là làng An Truyền bên đầm Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, gắn liền với sự hình thành và phát triển của xứ Thuận Hóa và quá trình di dân của người Việt giai đoạn thế kỷ XIV - XV, mang đặc điểm của một làng ven đầm phá.

Các làng được giới thiệu còn có làng - phố Cự Đà nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ, thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội - nơi bảo tồn đầy đủ các thiết chế văn hóa của làng Việt truyền thống, nhiều nhà gỗ theo phong cách truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc thuộc địa Pháp. Làng Nôm, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên, được bao bọc bởi các con sông, ngòi, hồ ao khá chằng chịt, cấu trúc không gian làng từ xưa đến nay được tách bạch bởi sông Nguyệt Đức. Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, bảo tồn tương đối đầy đủ hình thái của một làng ven sông, với những “dong” chạy theo kiểu xương cá. 

6 ngôi làng Việt tiêu biểu này đã được Viện Bảo tồn di tích tiến hành khảo cứu, điều tra liên tục trong nhiều năm, với các thông tin về lịch sử, văn hóa, về quỹ di sản kiến trúc hiện còn cùng các bản vẽ chi tiết những công trình kiến trúc cổ, tiêu biểu và ảnh chụp chất lượng cao.

Nhiều làng cổ đang mai một

TS. Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: Trong 3.500 di tích được xếp hạng di tích quốc gia hiện nay, chỉ có 4 ngôi làng cổ: Phước Tích, Lộc Yên, Đường Lâm, và làng Nôm. Nhận thức được giá trị cần bảo tồn và trách nhiệm, từ lâu Viện đã nghiên cứu các công trình kiến trúc cư trú và làng cổ. Tập sách giới thiệu những thành quả nghiên cứu trong hơn 20 năm nay, qua đó thấy được quỹ di sản của các ngôi làng cổ: Thổ Hà còn 8 nhà cổ, Hành Thiện còn 9 nhà cổ, An Truyền còn 7 nhà cổ... Tập 2 của cuốn sách sẽ tiếp tục được ra mắt, giới thiệu 6 làng cổ khác ở miền Bắc và miền Trung.

Các nghiên cứu, hình ảnh, bản vẽ về làng cổ cho thấy những nét khái quát nhất, thể hiện truyền thống của làng cổ Việt Nam, cả di sản vật thể, phi vật thể, cấu trúc các làng, cả không gian bên ngoài, cách bố trí công trình văn hóa. Nhưng qua đó, TS. Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng thấy rằng, trong thời hiện đại, nhiều làng cổ đang mai một, biến mất. Trong bối cảnh công cuộc bảo tồn di sản, bảo tồn làng cổ rất khó khăn, phức tạp, cần nhanh chóng có các biện pháp giữ gìn những gì quý giá nhất, nếu không di sản làng cổ sẽ biến mất.

Thăm quan triển lãm nhân dịp ra mắt “Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích - tập 1”, KTS. Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích chia sẻ: “Chúng ta lo ngại làng cổ đang biến mất, nhìn vào những nghiên cứu, hình ảnh về làng cổ, có thể thấy giá trị cốt lõi của làng xã có lúc bị mờ đi; nhưng nếu cơ hội, được bảo tồn và phát huy có thể sẽ lại trở nên rõ nét”. Việc giới thiệu một cách hệ thống, khoa học về các làng cổ không chỉ lưu giữ tư liệu, mà còn giúp các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, hoạch định và thực thi chính sách có các giải pháp vừa bảo đảm nhu cầu của đời sống hiện đại, vừa đáp ứng sự phát triển tương lai nhưng vẫn bảo tồn giá trị truyền thống của làng.

Thảo Nguyên