Sổ tay:

Lao động nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn

- Thứ Tư, 01/07/2020, 07:30 - Chia sẻ
Một trong những đề xuất thu hút được sự quan tâm của nhiều người tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn là bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Hiện nay có khoảng trên 90.000 lao động là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trên thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động ở một số nơi đã phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp và cần được Công đoàn đại diện, bảo vệ với tư cách là tổ chức chính thống của họ. Tuy nhiên, theo Điều 5, Luật Công đoàn, "người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5.11.2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới xác định: Đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Và, Bộ luật Lao động 2019 quy định cho phép người lao động là người nước ngoài được quyền gia nhập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, trong lúc đó, tổ chức này có quyền gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam. Quy định này đã gián tiếp mở ra khả năng cho phép người lao động nước ngoài gia nhập vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 5 theo hướng cho phép người lao động là người nước ngoài làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, được gia nhập và hoạt động công đoàn nhưng không được tham gia vào cơ quan lãnh đạo công đoàn. Dự thảo Luật cũng bổ sung “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam”.

Được biết, vấn đề này đã được đưa ra trong quá trình xây dựng Luật Công Đoàn năm 2012, song còn có rất nhiều băn khoăn; và lần này lại được đề xuất tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Mặc dù, mục tiêu của việc thêm nội dung bảo đảm quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam là để bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài đang làm việc hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tương đồng với quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện chính trị - xã hội của nước ta, thì những quy định cụ thể về “quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn Việt Nam” của người lao động là người nước ngoài và “quyền gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” cần được quy định chặt chẽ, chi tiết trong văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ.

Nguyễn Minh