Covid-19: Các biện pháp kích thích kinh tế của Malaysia

Lấy con người làm trung tâm

- Chủ Nhật, 10/05/2020, 07:57 - Chia sẻ
Giống như hầu hết các nước khác trên thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, Malaysia cũng phải áp dụng các biện pháp cách ly xã hội và đóng cửa nền kinh tế, điều này đã gây áp lực lớn đến doanh nghiệp cũng như đời sống người dân. Trước tình hình đó, Chính phủ đã tung ra 3 gói kích thích kinh tế với quy mô lên đến hàng trăm tỷ ringgit, cùng các biện pháp tiền tệ đi kèm với hy vọng ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Gần 50 ngày phong tỏa và tác động kinh tế

Virus SARS-CoV-2 mới gây ra dịch bệnh Covid-19, lần đầu tiên xuất hiện ở bờ biển Malaysia vào ngày 25.1.2020. Một tháng sau đó, đã có 22 trường hợp dương tính với Covid-19. Đến giữa tháng 3, con số này đã tăng 20 lần lên 428 trường hợp. Mặc dù Chính quyền Malaysia đã ban hành Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) từ ngày 18.3, và hai lần gia hạn, song con số lây nhiễm vẫn không dừng lại.

Cho đến nay, rõ ràng đại dịch đã, đang và sẽ có những tác động cực kỳ nghiêm trọng đối với cả nền kinh tế vĩ mô của Malaysia cũng như đối với phúc lợi kinh tế của người dân. Kinh tế Malaysia cũng như nhiều nước khác trên thế giới đều bị tác động từ hai phía: Thứ nhất là những tác động từ bên ngoài khi biên giới phải đóng cửa và các nền kinh tế đối tác của Malaysia đều bị ảnh hưởng. Thứ hai là những tác động từ bên trong do các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng.

Từ trước khi các biện pháp đóng cửa nền kinh tế và cách ly xã hội được áp dụng tại Malaysia, sự bùng phát của coronavirus mới ở Trung Quốc đã tạo ra những cú sốc cung - cầu rộng rộng khắp toàn cầu. Các nhà xuất khẩu hàng hóa trên khắp thế giới đã phải giảm giá khi nhu cầu từ Trung Quốc suy giảm, trong khi các nhà sản xuất toàn cầu phải đối mặt với việc cắt giảm sản lượng khi các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa.

Ở Malaysia, ảnh hưởng của những "cú sốc Trung Quốc" có thể rất thảm khốc. Malaysia là một trong những nền kinh tế tiếp xúc nhiều nhất trong khu vực đối với cả cung và cầu của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Malaysia, một nguồn đầu tư nước ngoài lớn và là nguồn khách du lịch hàng đầu của quốc gia này bên ngoài ASEAN.

Bên cạnh đó, việc áp đặt MCO, một biện pháp thực sự cần thiết trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh, cũng tàn phá nền kinh tế với tốc độ kinh khủng không kém. Ngày 1.5 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã thông báo mở cửa trở lại một phần nền kinh tế và nới lỏng MCO từ ngày 4.5. Ông cho biết, trong thời gian thực hiện MCO, mỗi ngày Malaysia tổn thất 2,4 tỷ ringgit và tính tới ngày 1.5, tổn thất tổng cộng là 63 tỷ RM. Nếu MCO kéo dài thêm một tháng, Malaysia sẽ tổn thất thêm 35 tỷ RM, đưa tổng tổn thất lên 98 tỷ RM (gần 22,8 tỷ USD).

Bên cạnh đó, theo dự đoán của Hiệp hội Chủ lao động Malaysia (MEF), dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp sau MCO sẽ đạt mức kỷ lục 13%, khiến 2 triệu người thất nghiệp, cao hơn cả khủng hoảng tài chính châu Á 1998 và khủng hoảng tài chính thế giới 2008 - 2009.

Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia - BNM) hồi tháng 3 dự báo, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ nằm trong khoảng -2,0% đến + 0,5%. Tuy nhiên, ngày 2.5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Tengku Zafrul Tengku Abdul Aziz cho biết, con số này sẽ còn thu hẹp do lệnh MCO kéo dài. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Malaysia dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, so với mức tăng 4,3% được ghi nhận trong năm ngoái.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Malaysia
Công cụ tài chính: 3 gói kích thích kinh tế

Về chiến lược giải cứu nền kinh tế, Chính phủ Malaysia xác định chia làm các giai đoạn. Thứ nhất, các biện pháp chủ yếu nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với sinh kế của các nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt như người thu nhập thấp và người lao động bán thời gian thông qua hỗ trợ thu nhập và thanh khoản.

Thứ hai, khi đại dịch đã qua đỉnh điểm và kiểm soát di chuyển được dỡ bỏ, các chính sách sẽ tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các công cụ tài chính, tiền tệ. Đối với trung và dài hạn, các giai đoạn khủng hoảng mang đến cơ hội tốt để tăng chi tiêu cải thiện năng suất và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các khu vực tụt hậu trong khi tiếp tục tăng cường tính chắc chắn xã hội và thúc đẩy các biện pháp giúp ổn định.

Về chính sách tài chính, Malaysia đã công bố 3 gói kích thích kinh tế để giúp các cá nhân và công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Gói thứ nhất, được công bố ngày 27.2, trị giá 20 tỷ ringgit (4 tỷ USD), được sử dụng cho chi tiêu y tế, tạm thời giảm thuế và quỹ lương hưu, hỗ trợ tiền mặt cho các ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chi cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp và giảm giá điện.

Ngày 27.3, Malaysia tiếp tục tung ra Gói Kích thích kinh tế nhân dân (Prihatin) với tiêu chí “lấy con người làm trung tâm”, trị giá 250 tỷ ringgit (58,28 tỷ USD). Đây là gói cứu trợ thứ hai được chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đưa ra trong vòng 1 tháng nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Theo đó, trong số 250 tỷ ringgit, Chính phủ sẽ dành 128 tỷ ringgit cho các khoản phúc lợi xã hội, 100 tỷ ringgit để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng 2 tỷ ringgit để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Nhóm thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu được hỗ trợ tổng cộng 10 tỷ ringgit.

Để bảo đảm nguồn lương thực, Chính phủ Malaysia đã thành lập quỹ an ninh lương thực trị giá 1 tỷ ringgit trên cơ sở viện trợ liên tục cho ngành nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất.

Chính phủ cũng thành lập khoản vay trị giá 50 tỷ ringgit (11,53 tỷ USD) dành cho các công ty và tập đoàn lớn, với mức bảo lãnh lên đến 80%.

Ngoài ra, người lao động được quyền rút tiền từ quỹ lương hưu của mình cho thời gian 12 tháng, đồng thời các doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn nộp tiền quỹ lương hưu cho người lao động.

Ngày 6.4, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tiếp tục công bố gói kích thích kinh tế thứ ba có tên gọi Gói kích thích kinh tế nhân dân (Prihatin) dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), trị giá 10 tỷ ringgit (khoảng 2,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này giảm nhẹ tác động của MCO.

Công cụ tiền tệ: Cắt giảm lãi suất thấp nhất trong 10 năm

Ngày 5.5 vừa qua, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Malaysia đã quyết định giảm lãi suất cơ bản 50 điểm cơ bản xuống còn 2%, mức giảm mạnh nhất nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ ba của ngân hàng này trong năm nay, sau các đợt được thực hiện vào tháng 1 và tháng 3.2020.

Việc cắt giảm này được cho là nhằm giảm chi phí cho vay, cải thiện thanh khoản và kích thích các hoạt động kinh tế. Biện pháp này cũng sẽ giúp các cá nhân và doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính và khó khăn về thanh khoản.

Thật khó để dự đoán khi nào nền kinh tế sẽ phục hồi hoàn toàn chừng nào các trường hợp dương tính với Covid-19 tiếp tục tăng và chưa có vaccine nào được phát hiện để điều trị bệnh.

Tuy nhiên, các chính sách tài chính và tiền tệ được bổ sung lẫn nhau sẽ giúp vực dậy nền kinh tế bằng cách tăng nhu cầu tổng hợp như tiêu dùng, đầu tư công cộng và tư nhân. Điều này sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Quốc Đạt