Lấy lại niềm tin về dự án PPP giao thông

- Thứ Năm, 20/08/2020, 06:06 - Chia sẻ
Trong khi hầu hết nhà đầu tư dự án đối tác công - tư (PPP) ở nước ta đều trong tình trạng "tay không bắt giặc", chủ yếu trông đợi vào nguồn vốn vay của các ngân hàng thì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, "khó có thể xem xét, tài trợ vốn cho các dự án giao thông mới”. Nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho thấy, việc huy động vốn đầu tư để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, các tuyến đường cao tốc trong thời gian tới sẽ vô cùng khó khăn. 

Theo tính toán, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn để thực hiện các dự án đường cao tốc lên tới khoảng 260 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, dự kiến, trong giai đoạn này, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ được giao 300 - 350 nghìn tỷ đồng vốn. Nhưng số tiền này cũng phải chia ra thực hiện nhiều mục tiêu khác và chỉ còn chừng 30%, tương ứng với khoảng 100 nghìn tỷ đồng được sử dụng để đầu tư đường cao tốc.

Như vậy, 160 nghìn tỷ đồng còn lại buộc phải huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội. Khẳng định, vai trò của các ngân hàng trong việc huy động nguồn lực này là đặc biệt quan trọng, nhưng chính Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông - Vận Tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số đơn vị liên quan về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cũng phải đặt câu hỏi: Làm thế nào để các ngân hàng tham gia vào các dự án giao thông?

Có nhiều lý do để ngân hàng “ngại” và “né” các dự án BOT giao thông. Trong đó phải kể đến “tai tiếng” của nhiều dự án giai đoạn trước. Những vướng mắc phát sinh về thu phí tại các trạm BOT dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến đã gây nợ xấu và tạo áp lực lớn cho các tổ chức tín dụng. Những tiêu cực, thiếu minh bạch, lợi ích nhóm trong một số dự án đã trở thành “điểm đen” gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong khi đó, bản thân các dự án BOT giao thông do hầu hết đều có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên cũng đã tiềm ẩn nhiều rủi ro cho phía ngân hàng.

Những yếu tố này khiến mấy năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã phải siết chặt nguồn vốn trung hạn và dài hạn đối với dự án giao thông. Ở thời điểm hiện tại, khi đại dịch Covid - 19 tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, tạm dừng hoạt động... càng khiến cho các ngân hàng trở nên dè dặt hơn đối với các dự án BOT giao thông.

Trong bối cảnh như vậy, đúng như nhận định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc làm việc kể trên, “không thể dùng mệnh lệnh để ép ngân hàng cho vay”. Muốn ngân hàng tham gia vào dự án giao thông thì chẳng có cách nào khác là chính dự án đó phải có hiệu quả.

Với Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý minh bạch và chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả của phương thức đầu tư PPP nói chung và các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông nói riêng. Các ngân hàng cho vay vốn thực hiện dự án PPP chắc chắn cũng sẽ thấy yên tâm hơn nhiều so với giai đoạn chưa có Luật PPP bởi đạo luật này đã có những quy định mới mang tính đột phá để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

Trong đó có một cơ chế hết sức quan trọng là chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của dự án PPP. Cơ chế này được áp dụng với tất cả các dự án PPP khi đáp ứng các điều kiện quy định mà không phân biệt dự án do cơ quan có thẩm quyền lập hay dự án do nhà đầu tư đề xuất, không phân biệt dự án có sử dụng hay không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng. Nguồn huy động vốn cho các dự án PPP cũng đã được mở rộng hơn, không chỉ có kênh truyền thống là ngân hàng mà Luật còn cho phép doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án.

Tất nhiên, để bảo đảm hiệu quả của từng dự án PPP trên thực tế, đặc biệt là các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông thì cùng với cơ sở pháp lý đã được Quốc hội xác lập, điều quan trọng nhất vẫn là khâu triển khai thực thi, là năng lực và trách nhiệm của từng chủ thể trực tiếp tham gia chuẩn bị dự án, thẩm định dự án, tổ chức đấu thầu... Chỉ có hiệu quả thực sự của dự án, được tính toán cẩn trọng, khoa học, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ - thì vốn đầu tư tư nhân mới có thể chảy vào các dự án giao thông, xây dựng hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương và đất nước.

Ở thời điểm này, việc triển khai thật tốt 5 dự án PPP thành phần còn lại của Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, người dân đang nhìn vào hành động thực tế của Nhà nước tại các dự án cụ thể này để lấy lại niềm tin đối với các dự án hợp tác công - tư. 

Hải Lam