Kho bạc Nhà nước

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:32 - Chia sẻ
Với việc tích hợp thành công thêm 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc lĩnh vực kho bạc trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoàn thành vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm 2020. Kết quả này một lần nữa cho thấy nỗ lực của hệ thống kho bạc trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như tạo dựng nền tảng vững chắc để hình thành kho bạc số trong tương lai.

Hết tháng 7 đã vượt kế hoạch năm

Theo kế hoạch Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, trong năm 2020, KBNN phải tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 6/9 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ngay từ đầu năm, KBNN đã tập trung cho nhiệm vụ này. Kết thúc tháng 7.2020, KBNN đã tích hợp thành công lên Cổng dịch vụ công quốc gia 7 dịch vụ tương ứng với 7 thủ tục hành chính có tần suất giao dịch với khối lượng lớn, vượt 1 chỉ tiêu so với kế hoạch được giao cho cả năm 2020.

Cụ thể, 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vừa được tích hợp thêm vào ngày 29.7 vừa qua, gồm có: (1) Dịch vụ công hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước, ứng với thủ tục hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước; (2) Dịch vụ công tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN, ứng với thủ tục tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN; (3) Dịch vụ công đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại KBNN, ứng với thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại KBNN.

Trước đó, ngày 22.4.2020, KBNN đã hoàn thành tích hợp 4 dịch vụ gồm: (1) Thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước qua KBNN; (2) Thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN; (3) Thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; (4) Thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp.

Với 4 thủ tục này, trung bình mỗi ngày, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN tiếp nhận và xử lý khoảng gần 100.000 chứng từ và 50.000 - 60.000 hồ sơ. Theo đánh giá của các đơn vị sử dụng ngân sách, việc tích hợp và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực KBNN trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho họ mà còn tăng tính minh bạch, tăng khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, việc tích hợp thêm các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 góp phần ngăn chặn, đẩy lùi và phòng chống dịch bệnh Covid-19 rất hiệu quả, đồng thời đáp ứng được các chủ trương, định hướng chiến lược, các hạng mục nghiệp vụ theo cấu trúc hệ thống Chính phủ điện tử.

KBNN Lào Cai ngày càng vắng khách vì hầu hết đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến  

Ảnh: H. Loan 

Kiên quyết yêu cầu giao dịch trực tuyến

Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, KBNN vừa yêu cầu hệ thống kho bạc đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (gồm cả số lượng đơn vị giao dịch và số lượng giao dịch), hạn chế giao dịch trực tiếp; kiên quyết yêu cầu thực hiện giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến đối với các đơn vị đã đăng ký sử dụng.

Tính đến hết ngày 30.6, hơn 84,6 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia dịch vụ công trực tuyến kho bạc, đạt 91,5%; lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến chiếm trên 60% lượng chứng từ chi qua hệ thống TABMIS. Kết quả này mang tính đột phá nếu so sánh với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam. Cụ thể, cuối tháng 1.2020, mới có 60% đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến; số lượng chứng từ chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến cũng chỉ chiếm 31% trên tổng chứng từ chi.

 Lãnh đạo KBNN cho biết, sẽ phấn đấu hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tất cả đơn vị sử dụng ngân sách vào cuối tháng 10 tới, về đích sớm 2 tháng so với kế hoạch đầu năm. Việc này một mặt nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, bảo đảm an toàn cho khách hàng, cán bộ và hệ thống kho bạc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; mặt khác xây dựng nền tảng để hình thành kho bạc số -  “không khách hàng tại trụ sở”, “không tiền mặt” và “không giấy tờ” - trong tương lai.

Cũng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và hướng đến mục tiêu xây kho bạc số, tháng 6 vừa qua KBNN đã mở rộng phối hợp thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử với 4 ngân hàng thương mại cổ phần. Hiện tại, gần 70% số thu ngân sách nhà nước đã thực hiện qua các ngân hàng thương mại được KBNN ủy nhiệm thu và 99% số thu ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử.

Hà Lan