Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của QH, HĐND đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn

- Thứ Năm, 11/10/2012, 08:38 - Chia sẻ
Cho ý kiến về Tờ trình QH về Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhiều Ủy viên UBTVQH nhất trí cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của QH, HĐND đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Để tránh tính hình thức, bảo đảm hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, thì mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm cần được triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị. Và đã là đánh giá trách nhiệm thì phải rõ ràng.

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn: Nên khoanh lại ở những người hoạt động chuyên trách

Đối với nội dung bỏ phiếu Ủy viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, thành viên các Ban của HĐND không phải thường trực, tôi thấy số lượng thường trực không nhiều mà chủ yếu là các ủy viên hoạt động kiêm nhiệm. Số này cũng do QH bầu ra nhưng rất nhiều thành phần, có thể có người là đại biểu Trung ương, có người đại diện cho tôn giáo, người ngoài Đảng, doanh nghiệp, doanh nhân... Trong dự thảo Nghị quyết quy định, sau khi bỏ phiếu xong thì tổng hợp báo cáo để xử lý, nhưng xử lý đại biểu là người tu hành, là doanh nghiệp tư nhân như thế nào? Nếu thuộc diện Trung ương làm trong Ủy ban mà bỏ phiếu thấp thì Trung ương thế nào? Trung ương mỗi năm họp hai kỳ, có kỳ họp được và có kỳ họp không. Trong Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng vậy, mỗi năm có thể họp 2 - 3 phiên, có người họp một phiên, có người không họp phiên nào. Chỗ này cần phải cân nhắc vì nếu bỏ phiếu như vậy thì có hình thức không, có đúng không?

Theo tôi, ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chắc chắn những thành viên hoạt động chuyên trách bỏ là đúng, vì nó gắn với việc nhận xét, thời gian làm việc nên có thể theo dõi được. Nhưng đối với thành viên kiêm nhiệm, mỗi người ở một nơi, thì có nên bỏ hay không? Đề nghị nên nghiên cứu khoanh lại những người hoạt động chuyên trách, còn kiêm nhiệm kể cả kiêm nhiệm ở HĐND thì có thể không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hoặc nghiên cứu có hình thức nào hay hơn không?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Trách nhiệm phải rõ ràng

Tờ trình lần này của UBTVQH và Báo cáo thẩm tra được chuẩn bị chặt chẽ, bao quát, rõ hơn. Tôi thống nhất là dự thảo Nghị quyết này căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi năm 2001 và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Tôi tán thành cách thể hiện dự thảo thành 2 nội dung khác nhau: một là bỏ phiếu tín nhiệm và hai là lấy phiếu tín nhiệm. Có mấy vấn đề cụ thể, tôi đề nghị cần trao đổi thêm.

Thứ nhất, về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, đề nghị trong nhóm 49 người có 1 đối tượng có 2 chức danh bầu tại Kỳ họp thứ Nhất của mỗi nhiệm kỳ QH là Ủy viên UBTVQH và các chức danh Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH. Trong Tờ trình chỉ nói một chức danh, nếu chúng ta lấy phiếu tín nhiệm một chức danh đó thì chưa phù hợp. Thực tế, những chức danh này hiện lĩnh lương Ủy viên UBTVQH, chứ không phải là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc hay Chủ nhiệm các Ủy ban. Đề nghị điểm này phải rõ, còn nếu lấy phiếu tín nhiệm một chức danh thì không ổn. Theo tôi, ta nên ghi Ủy viên UBTVQH và gạch nối với chức danh còn lại, như thế sẽ thuận tiện hơn.

Thứ hai, về Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, chúng ta tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với cấp Phó chủ tịch, Phó chủ nhiệm và các thành viên của Ủy ban. Phân cấp này có nhiều ưu điểm, nhưng vì Ủy viên kiêm chức của các Ủy ban có thể 2 năm chưa tham gia họp lần nào, vì họ có công việc chuyên môn, thì lấy phiếu tín nhiệm làm sao? Quy định này chỉ phù hợp cho các Ủy viên chuyên trách, thường trực đảm nhiệm các công việc của Ủy ban. Đề nghị nên cân nhắc quy định này, có thể thông qua lấy phiếu tín nhiệm, nó giúp nâng cao được trách nhiệm của các thành viên, nhưng nếu không khéo thì cũng không ổn.

Thứ ba, về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, trong dự thảo Nghị quyết là Điều 7, tôi thấy nó không đơn giản như thế. Bởi chúng ta có các chức danh hàng năm, ví dụ chức danh Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng thì phải đánh giá kết quả hàng năm, chứ còn gọi là đánh giá vào đầu nhiệm kỳ thì không ổn. Có những chức danh dứt khoát phải đến 31.12 hàng năm mới đánh giá, vì Nghị quyết của QH giao cho những chức danh này điều hành cả năm, chứ không phải điều hành từ kỳ họp này qua kỳ họp kia. Vấn đề này phải thể hiện rất cụ thể thì mới chính xác được. Nếu đánh giá hoạt động của đại biểu chuyên trách của QH thì thuận hơn, nhưng mảng điều hành của Chính phủ thì phải theo nhiệm vụ mà Đảng hoặc QH giao hàng năm. Đề nghị xem lại Điều 7.

Thứ tư, về ghi phiếu, tôi đồng thuận với ba mức mức tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bìnhtín nhiệm thấp. Nếu tính cả trường hợp chưa có ý kiến mà ghi vào phiếu thì tôi thấy trách nhiệm rất lơ lửng. Đề nghị trách nhiệm là phải rõ ràng, cái gì đã rõ thì ghi vào phiếu, tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình và tín nhiệm thấp, không nên để trường hợp chưa có ý kiến.

Thứ năm, sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm, trong dự thảo Nghị quyết đưa ra hai nội dung rất hay. Nội dung thứ nhất, nói ngắn gọn là ngay ở lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên nếu số phiếu thấp thì có thể làm đơn từ chức, đây gần như là trường hợp tự giác, nhưng diễn đạt chưa rõ. Nội dung thứ hai là người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp thì UBTVQH sẽ trình QH, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, đây là trường hợp gần như bắt buộc.

Tôi đề nghị, đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần được triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị và giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước phải có những điểm tương đồng nhau. Ví dụ nói về mức tín nhiệm, trong dự thảo Nghị quyết của QH đưa ra ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình và tín nhiệm thấp thì ở cơ quan khác cũng nên đánh giá theo ba mức này. Điều này nhằm bảo đảm sự tương đồng trong hệ thống chính trị.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Về thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm, nên thiết kế hai phương án

Nghiên cứu mục thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm, tôi cho rằng nên chăng thiết kế 2 phương án. Phương án thứ nhất là lấy phiếu vào đầu năm và phương án thứ hai là lấy phiếu vào kỳ họp cuối năm, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Phương án lấy phiếu vào cuối năm thì ở QH thường lấy vào cuối kỳ họp là tháng 11, gần hết năm, còn HĐND vào tháng 12 cũng là tròn một năm, như vậy, bảo đảm tính thời sự của cả năm khi đánh giá cán bộ trong năm này. Nếu lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp đầu năm, khoảng tháng 5, tháng 6 của năm sau, thì tính thời sự trong năm đánh giá đã nhạt bớt? Tôi đề nghị nên đánh giá vào kỳ họp cuối năm.

Mục 4 về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, trong Điểm b gạch thứ nhất là quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH ghi: tại phiên họp khai mạc kỳ họp QH, UBTVQH dự kiến ngày lấy phiếu tín nhiệm trình QH quyết định trong chương trình kỳ họp. Theo tôi nên quy định ngay trong dự kiến chương trình kỳ họp về ngày lấy phiếu để gửi xin ý kiến ĐBQH. Như vậy người lấy phiếu chủ động, đại biểu cũng chủ động trong công việc. Nếu vào kỳ họp mới xin ý kiến ĐBQH thì có khi lại không bảo đảm quy định phải biểu quyết chậm nhất là 20 ngày trước ngày lấy phiếu.

 Về mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm, dự thảo Nghị quyết quy định có 4 mức trên phiếu lấy tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc chia 4 mức để đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm như quy định trong dự thảo Nghị quyết, vì cho rằng việc chia các mức như vậy là phù hợp với yêu cầu của việc lấy tín nhiệm; đồng thời cũng tránh được nhầm lẫn giữa việc “lấy  phiếu tín nhiệm” với việc “bỏ phiếu tín nhiệm” (bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về việc xác định các mức độ tín nhiệm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, vì cho rằng tín nhiệm cao hay thấp phải dựa trên cơ sở của kết quả tỷ lệ phiếu tín nhiệm nhiều hay ít. Do đó, ý kiến này đề nghị trên phiếu chỉ nên có duy nhất một mức “tín nhiệm”, căn cứ vào tỷ lệ phiếu tín nhiệm để xác định người được lấy phiếu đạt tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không nên đặt ra lựa chọn “chưa có ý kiến” trên phiếu, vì trách nhiệm của mỗi ĐBQH, đại biểu HĐND là phải thay mặt cử tri xem xét và thể hiện chính kiến của mình.

____________

Về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành quy định QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Ban của HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình. Quy định như vậy là phù hợp với tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nước ta nói chung. Việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ của QH, HĐND, vì cho rằng thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu đánh giá quá thường xuyên dễ tạo tâm lý dĩ hòa vi quý, e dè, ngại đổi mới, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong công việc.

___________

Về việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp thì UBTVQH sẽ trình QH, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm (điểm đ khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 12 của dự thảo Nghị quyết). Việc quy định 2 năm liên tiếp như vậy là hợp lý để người mà năm đầu tiên có tín nhiệm thấp có thời gian và cơ hội để cải tổ, khắc phục những yếu kém, bất cập trong công việc; nếu đến năm thứ hai mà vẫn không sửa chữa được thì mới bị đưa ra để xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Quy định như vậy cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là 2 năm liên tiếp mà không được tín nhiệm thì mới bị xử lý. Đồng thời, đối với trường hợp ngay lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm mà mức độ tín nhiệm quá thấp (có trên hai phần ba số phiếu tín nhiệm thấp) thì sẽ đưa ra để xem xét bỏ phiếu tín nhiệm ngay, không cần phải đợi kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm tiếp theo (điểm d khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 12 của dự thảo Nghị quyết).

(Nguồn: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn)

Nguyễn Vũ ghi