Lênh đênh xa bến (Phần 1)<br><i>Truyện của</i> Trần Thanh Cảnh

- Thứ Hai, 12/01/2015, 08:50 - Chia sẻ

>> Lênh đênh xa bến (Phần 2)

>> Lênh đênh xa bến (Phần 3)

>> Lênh đênh xa bến (Phần cuối)

Giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, lúc ấy tôi hai mươi hai tuổi. Vừa tốt nghiệp đại học.

Nói thế cho oai, chứ thật ra tôi cũng không dám cho ai xem cái bằng “cử nhân mùa thu” cùng bảng điểm của mình. Chả là trường tôi thường cho sinh viên làm khóa luận và thi tốt nghiệp vào mùa hè. Những sinh viên thi không đỗ, nhà trường sẽ tổ chức thi lại vào mùa thu. Thế cho nên ở trường tôi, mới có cái danh hiệu “cử nhân mùa thu”. Bốn năm đại học, hầu như môn nào tôi cũng thi lại. Có môn thi đến lần thứ năm mới qua. Được cái các thầy trường tôi rất thương sinh viên, bảo, chúng nó thi chưa qua thì học lại, rồi dần sẽ qua, không việc gì mà phải buộc thôi học, lỡ dở cuộc đời chúng ra. Thực tế thì trường hợp của tôi chưa phải là kỷ lục. Thằng Tư Thổ, ở lớp cử tuyển K30, còn thi lại lần thứ tám môn Triết. Nhưng sau thằng ấy cũng tự bỏ học, về núi, vì chán quá. Tôi sẽ gặp lại nó trong một dịp thật oái oăm. Nhưng chuyện ấy nói sau.

 Hồi tôi ra trường, trong dân gian có ca dao: “Thứ nhất là loạn quốc ca/ thứ hai loạn chữ/ thứ ba loạn tiền…” Dân tình suốt ngày nghe các bài hát èng èng èng trên loa công cộng để còn góp ý và bình bầu quốc ca mới. Khổ nỗi, dạo ấy dân tình rất đói, mọi người chỉ nghe thấy nói về gạo, mì, ngô, khoai, thì mới để ý. Nhưng cái vụ loạn chữ thì dân tình quan tâm lắm. Bởi vì hầu như nhà nào cũng có con đi học. Mà không hiểu nước ta hồi ấy rất nghèo đói nhà nhà lại đẻ rất khỏe. Trung bình mỗi nhà phải từ bốn đến năm đứa trẻ. Bọn dặt dẹo nói là do đói không ngủ được. Có nhiều con. Lại càng đói. Chuyện này tôi cứ nghĩ mãi. Chắc không phải. Vì cứ suy từ mình ra thì biết. Lúc đói, tôi chả nghĩ đến chuyện gì ngoài cái việc tìm kiếm chút thức ăn nhét vào cái bụng đang gào réo sôi sục. Còn chuyện loạn tiền, bây giờ nói cũng ít người hình dung ra. Mẹ tôi đi chợ về, ngồi bệt xuống nền nhà vừa thở vừa kể: “Chết, thế này thì loạn mất. Ai lại chợ búa chả có gì mà mua bán. Có người mang mấy đấu gạo ra bán, tranh nhau mua, cứ như cướp”.


Minh họa của Trung Dũng
Tôi ra trường vào cái lúc hỗn loạn, bằng cấp lại chả ra sao nên không có việc. Phòng tổ chức trường bảo cứ đợi đi, có chỗ sẽ gọi. Hãy cứ tạm về quê. Mà quê tôi lúc đó đang hợp tác xã, cũng rất đói. Đến ở quê cũng không có việc gì cho tôi làm. Thỉnh thoảng ra đồng đi làm hợp tác xã thay bố mẹ vài buổi. Rồi thôi. Buồn kinh khủng. Buồn quá, tôi hay ra ngồi ở bến sông. Cứ ngồi, chả để làm gì, chả chờ đợi gì.

Làng tôi bên một con sông, khá rộng.

Xưa, theo lời các cụ nói, trên bến dưới thuyền. Bến sông làng tôi tấp nập nhất vùng. Bè gỗ, bè tre nứa lâm thổ sản xuôi về đỗ ngàn ngạt. Những chiếc thuyền gỗ to từ mạn bể với cánh buồm nâu khổng lồ cùng với những ông phu kéo thuyền ngực nở nang, da thịt đỏ au, chở mắm muối, hải sản, cá khô… bán buôn cho cả vùng. Từ ngày hợp tác xã, bến làng tôi tự nhiên cứ ít dần thuyền bè ghé vào. Rồi có lúc tự nhiên hết hẳn. Bến sông xưa bán buôn nhộn nhịp, nay chỉ còn là nơi rửa chân cho xã viên hợp tác đi làm đồng. Người lớn trong làng hay thở dài nuối tiếc, bao giờ cho đến ngày xưa. Tôi ngồi trên bến sông, nhìn những con thuyền gỗ kẽo kẹt mái chèo xuôi ngược. Thỉnh thoảng có cái xà lan của nhà nước chở hàng hóa chạy phè phè dưới sông. Những chiếc chạy xuôi dòng tạo nên những đợt sóng khá to đánh òa ập vào bờ, nước bắn lên cả chỗ tôi ngồi, nhưng tôi cũng chả để ý. Đầu tôi hình như đã bị đơ khi ngồi hàng tiếng đồng hồ liền, mông lung nhìn ra dòng nước. Có lúc tôi đã nghĩ, hay là mình nhảy đại lên một cái thuyền nào trên sông, xin chủ thuyền cho theo sống đời sông nước. Có lúc tôi lại nảy ra ý nghĩ còn rồ dại hơn, là bơi ra giữa dòng, rồi nằm ngửa, mặc kệ cho dòng trôi cuốn đi, như cánh bèo phiêu dạt đến đâu thì đến. Nhưng rồi tôi chả làm gì, vì đói. Khi đói, người ta không làm gì, không nghĩ gì. Cơ thể bải hoải vì thiếu chất, đầu óc dường như mụ mị, dường như có một đám tơ nhện giăng rít loạn xạ bên trong. Nhiều hôm, tôi ngồi trên bến sông từ nửa buổi chiều đến lúc tối mịt. Hơi nước từ dòng sông, hơi sương từ trên trời hòa trộn vào với nhau thành một màn mờ mờ hư ảo không phân biệt được ranh giới trời nước. Những lúc ấy, dưới sông rất ít thuyền qua lại. Dòng sông như một thế giới mông lung huyễn hoặc. Thỉnh thoảng mới có ánh đèn le lói của một cái thuyền cá lướt qua rồi biến mất trong sương như con thuyền ma.

 Hồi đại học, chuyên ngành tôi học là Thực vật học.

 Tôi hoàn toàn không có một chút hứng thú gì với các loại cây que lá lẩu. Tốt nghiệp cấp ba, tôi thi vào Đại học Kinh tế, bị thiếu một điểm. Tôi được chuyển sang học Thực vật bên Tổng hợp. Tôi cũng chả hiểu Thực vật học là cái gì cho đến khi vào trường. Thời bao cấp, nhà nước điều đâu thì đi đấy thôi. Đi học còn được cấp mười lăm cân gạo. Mỗi nơi xà xẻo tí, về đến bát cơm sinh viên chả còn là bao. Bọn cùng phòng tôi làm vè đọc: Cơm hai lưng bát tha hồ chén / Thịt gắp luôn tay mỗi miếng bì. Bọn bên Văn khoa nói, đấy không gọi là vè, mà là đối. Cãi nhau ỏm củ tỏi. Chả được tích sự gì. Vẫn đói gập bụng gù người xuống. Nhiều bữa, từ nhà ăn về, vừa đi vừa băn khoăn tự hỏi, không biết mình đã ăn cơm chưa.

 Tôi không làm sao mà nhồi vào đầu mình những khái niệm như thực vật bậc cao bậc thấp. Rồi lớp nọ lớp kia, rồi họ, ngành, hoa đồ hoa thức. Đến mô tả chi tiết từng cây từng họ thì tôi lại càng hãi. Tôi chả bao giờ nhớ nổi lá mọc đối chéo chữ thập khác với lá mọc đối thường là thế nào. Đấy là chưa nói đến mục mô tả cấu tạo vi phẫu của từng loại tế bào mô cây… Thế nên, tôi cứ trượt lên trượt xuống. Nhiều môn, có lẽ các thầy nhìn thấy tôi đi thi lại nhiều quá, chắc thương tình mà cho qua. Bọn bạn cùng phòng ký túc thấy tôi rất chăm chỉ lên thư viện học bài, thì thắc mắc, sao mày chăm đọc thế mà vẫn cứ out đều? Bọn nó không biết là tôi lên đấy chỉ để đọc báo thể thao, đọc truyện và… ngắm gái. Tôi vốn mê đọc truyện và gái đẹp từ bé.

 Hồi ấy tôi mê một em bên lớp Hán Nôm.

 Nàng tên là Thu Hà. Một cái tên rất phổ biến của các cô gái thời ấy. Nàng là gái Hà Nội, nhà chỗ phố Tống Duy Tân, đằng mạn Cửa Nam. Đã vài lần, tôi mượn được cái xe đạp của thằng Hoàng Bắc Giang, bạn cùng phòng, để lẽo đẽo theo sau nàng. Đến đầu phố nhà nàng thì tôi không dám rẽ vào nữa, vì sợ bị phát hiện. Tôi đành đạp xe loanh quanh phố xá chán rồi về ký túc. Tình yêu của tôi dành cho nàng là đơn phương. Một thằng trai quê nghèo đói rách rưới đúng nghĩa thì làm sao dám với một cô gái Hà Thành, lúc nào cũng gọn gàng, xinh xắn, thơm nức và sáng bừng như thế chứ. Thế nhưng, nàng như một bông hoa tỏa ra một thứ hương thơm bí ẩn mà tôi không có cách gì cưỡng lại được. Chiều chiều, tôi cứ phải lên thư viện đọc một cái gì đấy, chỉ để được nhìn thấy nàng. Thu Hà không bao giờ để ý đến tôi. Đến thư viện là nàng chúi mũi vào nghiên cứu mấy quyển sách dày cộp cũ rích, bên trong toàn một thứ chữ tượng hình, vuông như cái hòm. Tôi cứ thắc mắc thầm trong bụng, không hiểu sao, một cô tiểu thư Hà Thành xinh đẹp như vậy, mà lại mê mẩn cái thứ chữ cổ quái thế. Không biết nàng tìm được cái gì vui thú trong mớ văn tự cổ kính âm u đó. Mà nghe bọn con trai cùng khoa với nàng kháo là nàng học rất giỏi. Còn tôi, hết báo thể thao, tôi mượn tiểu thuyết đọc. Vừa đọc, vừa thỉnh thoảng liếc nhìn nàng. Sinh viên chúng tôi vào thư viện thường không có một chỗ cố định nào. Tôi thì cố gắng để luôn ngồi cách Thu Hà một khoảng vừa đủ. Không gần quá, mà cũng không xa quá. Hôm thì ngồi hầu như đối diện qua vài dãy bàn. Hôm thì ngồi xa xa chếch bên cạnh. Chính vì thế, tôi có dịp ngắm khuôn mặt xinh đẹp của nàng ở nhiều góc độ khác nhau. Và tôi nhận thấy nàng có vẻ đẹp thật hoàn hảo. Nhìn thẳng, nàng có khuôn mặt trái xoan, làn da trắng hồng mịn màng, cặp mắt to rộng mở, ánh lên cái nhìn thông tuệ. Đôi môi của nàng rất xinh, phớt hồng như màu của cánh đào phai nở mỗi dịp xuân về. Nhìn nghiêng, nàng còn xinh hơn. Những hôm nàng búi tóc gọn, để lộ chiếc cần cổ thon thả cao, trắng ngần, tôi không đọc nổi chữ nào. Mắt he hé liên tục liếc về nơi nàng ngồi. Hôm tôi mượn quyển “Con đường đau khổ” của ông nhà văn Nga Aleksei Tolstoy đọc. Tôi bỗng thấy Thu Hà như là hóa thân của nàng Katia vậy. Đẹp dịu dàng. Tôi mê Thu Hà quá. Tôi cứ mê mải ngắm nàng Katia - mùa thu Hà Nội của mình mà đến mấy tuần không đọc hết quyển sách. Nhưng tôi cũng đủ tỉnh táo để biết rằng mình không có cách gì với sao trên trời, nên cứ đành ngồi yên ngưỡng vọng. Tôi không phải là chàng Rotsin. Tôi lúc đó chỉ là thằng sinh viên tỉnh lẻ, nghèo, học dốt. Tôi chỉ được cái khỏe. Nhưng nhiều lúc lại khỏe quá. Đấy là lời của một cô bạn gái sau này, nói đêm hôm nàng chia tay tôi để đi lấy chồng. Nhưng mà riêng nàng Thu Hà, sau khi ra trường, tôi không có dịp nào nhìn thấy nàng nữa. Nàng biệt tăm cứ như là đã biến mất khỏi thế giới này. Sau này, đời tôi cũng khá giang hồ. Có lúc khổ như con chó nhà nghèo. Cũng có lúc rất hoành tráng. Tôi đã về phố Tống Duy Tân xơi món gà ác hầm thuốc bắc, gần nhà nàng nhiều lần, có ý tìm lại người đẹp. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy bóng nàng. Nàng Katia - mùa thu Hà Nội đã lướt qua đời tôi như một bóng nắng.

 ***

 Một buổi chiều.

 Tôi lại ra bến sông. Đang ngồi bó gối nhìn vô định xuống dòng nước sông cuối thu lờ đờ chảy, bỗng có bàn tay to đùng của ai đó vỗ mạnh vào vai: “Làm gì mà ngồi đần thối ra ở đây vậy thằng em?” Tôi xoay người lại, thì ra đó là anh Vũ, người cùng làng tôi, vừa ở bộ đội ra quân, mới về mấy hôm nay.

 Anh Vũ hơn tôi hai tuổi, năm ấy anh hai mươi tư.

 Anh đi bộ đội năm năm, đã trải qua trận chiến biên giới. Rất phong trần.

 Hồi choai choai, tôi đã rất ngưỡng mộ anh Vũ. Anh ấy đẹp trai, cao to, đặc biệt rất giỏi võ vật. Từ Vovinam cho đến võ Tàu, từ vật cổ điển cho đến đấm bốc, anh ấy chơi được tất. Giải vật hội làng quanh vùng, anh ấy độc chiếm. Lên sới, anh Vũ quật đối thủ như nhái. Chỉ cần nhìn anh đấu một trận, là các đối thủ khác lặng lẽ rút lui. Thế cho nên bọn choai chúng tôi rất ngưỡng mộ anh. Những đêm trăng sáng, ra bãi đất bên sườn đê, anh Vũ dạy cho bọn tôi những miếng đòn cơ bản. Nhưng anh cũng giần chúng tôi như giần rắn. Chính nhờ những đêm trăng tập luyện như thế mà tôi mới có thể lực tốt, sau này tôi mới có thể vượt qua được những giây phút ác nghiệt của cuộc đời.

Anh Vũ ngồi xuống cạnh tôi:

- Chán quá mày ạ, tao vừa mới về làng được vài hôm mà đã thấy bí bách quá.

- Thế mà em đã ở nhà gần tháng rồi đấy. Biết đi đâu được ở cái giời đất này?

- Năm năm bộ đội về, làng quê vẫn thế. Đói hơn, rách hơn. Nhà tao một bữa cơm hai bữa ngô.

- Thì bên nhà em cũng thế. Mà hồi ở bộ đội, anh đóng quân ở vùng nào vậy?

- Mày có bao giờ nghe đến tên dãy núi Long Sơn thuộc vòng cung đông bắc chưa?

- Em có nghe loáng thoáng. Hình như ở đó có đỉnh là ngọn Mã Tử rất thiêng phải không?

- Chính nó đấy. Cả năm năm bộ đội, tao cứ loanh quanh ở phía tây cái dãy ấy. Hết tiến lên phía bắc chán, lại lùi xuống phía nam.

- Thế anh đã bao giờ trèo lên đỉnh Mã Tử chưa?

- Chưa. Chưa lần nào lên đến đỉnh. Xung quanh thì bọn tao đã thám hiểm vài lần. Còn đỉnh, chưa lần nào dám lên vì trên toàn đá, trơ trọi. Lên đấy, chỉ sợ bọn bên kia biên giới nó nhòm thấy, câu cho một quả cối thì hết đường về quê mẹ.

- Em nghe nhiều người trên ấy về nói, vùng ấy có nhiều cái rất hay.

- Ồ, phải nói là quá hay. Giá không có lục đục biên giới thì có khi tao ở lại đấy rồi, không thèm về quê nữa. Quê với chả quán, khốn khổ. Mày biết không, trên ấy rừng già, thú còn đầy. Thịt hươu nai, cầy cáo… chén suốt. Năm ngoái, dân bản chân núi phía tây còn bắn được cả hổ.

- Thế mà anh không ở - Tôi vừa nói vừa nuốt nước bọt, cái dạ dày rỗng của tôi sôi lên ào ào - Em mà là anh thì em ở luôn trên ấy rồi.

- Mày cả đời chưa biết rừng xanh núi đỏ thế nào, mày cứ tưởng bở. Nhưng kể ra thì cũng có nhiều cái hay thật. Câu đó, anh Vũ nói với cái giọng mơ màng rất lạ.

Buổi chiều, anh Vũ kể cho tôi nghe rất nhiều cái hay ho của vùng núi mà anh đóng quân.

Tôi, một thằng trai chưa từng biết đến hương vị của núi rừng như mê đi theo lời kể của anh Vũ.

Từ quê nhà tôi, đi lên vùng Long Sơn khoảng hai trăm ki lô mét đường. Bây giờ là một chặng đơn giản với độ ba giờ gà gật trong ô tô máy lạnh. Nhưng thời ấy là cả một khoảng cách diệu vợi kinh hoàng. Chỉ có ba chục cây số gọi là đường nhựa, còn là một con đường đất đỏ chạy giữa những dãy đồi hoang lúp xúp. Dọc theo con đường hướng lên phía bắc ấy, có rất nhiều đơn vị quân đội của ta đóng quân. Xe tăng, pháo lớn thường xuyên diễn tập nên con đường bị băm nát như tương. Mùa mưa, con đường bị biến thành một dòng sông bùn đỏ đặc quánh nhuộm đỏ xe cộ và người đi đường. Mùa khô, trên mặt đường lúc nào cũng có một lớp bụi dày cả gang tay. Xe ô tô chạy trên đường, cách nhau mấy chục mét đã không đi nổi vì bụi tung lên mù giời, không nhìn thấy gì. Những người đi trên con đường ấy, về, thường phải tắm vài lần mới hết bụi đỏ dính vào. Thế nhưng để lên đến Long Sơn, chả còn con đường nào khác. Bộ đội, công nhân lâm trường, giáo viên cắm bản, người đi buôn lâm thổ sản… cứ phải chen chúc nhau trên những cái xe khách cà khổ sặc sụa bụi đỏ mà đi thôi.

(Số sau đăng tiếp)