Liên kết đào tạo giáo dục với nước ngoài:Trường ĐH danh tiếng nào liên kết với chúng ta?

- Thứ Tư, 03/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
Lấy bằng tiến sỹ ở Mỹ nhưng chưa biết tiếng Anh, liên kết đào tạo với trường rởm… khiến dư luận bức xúc. Phải chăng sự học đang bị lợi dụng để kinh doanh hay “lợi ích” của tấm bằng rởm quá lớn khiến nhiều người mờ mắt?

04-truong-dh-30710-300.jpg

Nhìn toàn cảnh GD Việt Nam mươi năm trở lại, dù là người lạc quan nhất cũng thoáng chút nhíu mày, băn khoăn. Mảng tối đã và đang lấn át các mảng màu tươi sáng trong bức tranh GD.

Trong bối cảnh đó, người dân ở một nước vốn trọng sự học, coi việc học là chìa khóa mưu sinh, thước đo thành đạt... như nước ta, bỗng giật mình, chới với. Thật may, chính sách mở cửa như cái cọc giúp họ tìm ra giải pháp tự cứu mình. GD trong nước chưa tạo được niềm tin, người dân hướng ra GD nước ngoài, hoặc có yếu tố nước ngoài, mong chất lượng khá hơn. Nếu liên kết đào tạo trong nước và dạy tại chức là “nồi cơm” của nhiều trường ĐH, CĐ cách đây chục năm, thì công việc ấy bây giờ xưa rồi. Thời thượng phải là liên kết đào tạo với nước ngoài. Trong số các trường liên kết đào tạo, cũng có trường làm tốt, vì người học, vì chất lượng, danh dự và uy tín nhà trường. Song, số này không nhiều. 112 chương trình liên kết với nước ngoài được Bộ GD-ĐT cấp phép là căn cứ đầu tiên để người dân lựa chọn. Tuy nhiên, một số trường đã liên kết chui, tức là liên kết với những chương trình rởm, không nằm trong số 112 chương trình của Bộ. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học khối các trường ĐH, CĐ, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang cũng tỏ ra âu lo trước thực trạng này. Song, vấn đề đáng nói nhất là, trong số những chương trình mà Bộ cho phép các trường liên kết đào tạo thì chất lượng cũng... không đồng đều.

Đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nên xin nói về các trường ĐH ở Mỹ, thông qua đó, ngõ hầu hiểu thêm chút ít về liên kết đào tạo. ĐH Mỹ có những trường danh giá nhất thế giới nhưng cũng có nhiều trường chất lượng chẳng đâu vào đâu. Thành lập trường ĐH ở Mỹ được ví như mở một nhà hàng, song để hoạt động lại cần có kiểm định. Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH ở Mỹ có nhiều cấp độ khác nhau nhằm phục vụ một nền ĐH đại chúng, phân tầng ĐH. Mỹ giao quyền tự chủ gần như tuyệt đối về mặt chuyên môn cho giới đại học và khuyến khích thị trường cạnh tranh tự do trong GD. Điều này có thể giải thích tại sao Mỹ cho phép thành lập dễ dàng các trường tư có lợi nhuận.  

Khi nói đến ĐH ở Mỹ thì phải phân biệt khái niệm “hợp pháp” và “có chất lượng”. Một trường ĐH hợp pháp, được kiểm định, được công nhận không có nghĩa là trường đào tạo có chất lượng. Ông Xuân Thảo, nguyên cán bộ của Fullbright, người có hiểu biết về GD Mỹ, đã ví quan hệ liên kết trong đào tạo ĐH ở Mỹ như mua bán vàng. Anh vừa mua vàng bốn con chín ở cửa hàng A, với hóa đơn 4 con chín rành rành; nhưng khi sang cửa hàng B, người ta không quan tâm cái hóa đơn 4 con chín ấy mà phải kiểm tra lại xem có đúng không. Sự so sánh đó để nói rằng, ĐH Mỹ nhiều tầng chất lượng. Có lần hỏi chuyện một vị giáo sư ở ĐHQG Hà Nội về liên kết đào tạo, vị này không trả lời mà ý nhị hỏi: Có thấy một ĐH danh tiếng nào liên kết với chúng ta không?
Ai đó nói: “Xã hội cần những con người như thế nào thì ngành GD sẽ tạo ra những con người như thế”. Phải chăng chúng ta đang cần nhiều ngàn tiến sỹ? Có thực là bằng cấp như viên gạch gõ cửa quan và được hưởng những ưu đãi đặc biệt nhờ chính sách chiêu hiền đãi sỹ? Cần phải nói thêm, chủ trương và chính sách của chúng ta đẹp như bộ complê, nhưng nó không phải hàng may đo, lại được phát miễn phí cho nông dân vốn quen đi chân đất với vai trần.  

Tuy thế, chúng tôi vẫn tin rằng, hầu hết người dân và cả đất nước đều khát khao thực học, thực tài. Trong khi các nhà quản lý GD đang cố gắng tìm lối ra cho bài toán chất lượng thì mỗi người hãy tự cứu mình. Trong một thế giới phẳng, với công cụ internet trong tay, chúng ta có thể nhòm vào tận cửa các trường ĐH trên khắp hành tinh, có thể kiểm tra tính hợp pháp, thậm chí đọc nhận xét của từng học viên về chất lượng đào tạo của một trường nào đó... trước khi ra quyết định cho bản thân hoặc cho con em mình.

Ngô Thiệu Phong