Phát triển kinh tế miền Trung

Liên kết vùng là bài toán sống còn

- Thứ Tư, 21/08/2019, 08:10 - Chia sẻ
Miền Trung (gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Tuy nhiên, theo đánh giá, các tỉnh trong vùng còn thiếu sự liên kết, vẫn trong tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau. Tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung diễn ra sáng qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, liên kết vùng là bài toán sống còn đối với các địa phương trong vùng.

“Mạnh ai nấy làm”

Vùng miền Trung có chiều dài bờ biển lên tới 1.900km, 9 sân bay (trong đó có 5 sân bay quốc tế), 14 nhóm cảng biển (trong đó có 8 nhóm cảng biển nước sâu loại I là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực), sở hữu 11 trong tổng số 17 khu kinh tế ven biển của cả nước. Đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển.

Sau hơn 30 năm đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của vùng đã có những bước phát triển đáng kể. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước có xu hướng tăng, từ 18,83% (năm 2016) lên 19,28% (năm 2018).

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện. Năm 2018 có 4 tỉnh, thành của vùng nằm trong nhóm 10 tỉnh đứng thứ hạng cao nhất về Chỉ số hiệu quả quản lý và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Phát triển kinh tế biển được quan tâm, chú trọng. Hầu hết các tỉnh có biển đã thu hút đầu tư phát triển nhiều khu du lịch ven biển có quy mô lớn, chất lượng cao. 11 khu kinh tế và 40 khu công nghiệp trong toàn vùng thu hút trên 26 tỷ USD đầu tư. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp này đạt 9,6 tỷ USD; giá trị xuất nhập khẩu đạt hơn 14,4 tỷ USD và nộp ngân sách hơn 23,7 nghìn tỷ đồng…

Tuy vậy, “miền Trung đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức cần được nghiên cứu, thảo luận thấu đáo đề ra phương hướng giải quyết, nếu không sẽ trở thành những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của vùng trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận. Đó là quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có.


Liên kết vùng là bài toán sống còn đối với các tỉnh miền Trung trong phát triển

Mặt khác, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Tỷ trọng GRDP của vùng kinh tế trọng điểm so với GDP cả nước trong giai đoạn 2016 - 2018 có xu hướng giảm, năm 2016 chiếm 7,89%, năm 2017 là 7,79%, đến năm 2018 chiếm 7,84%. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22 - 23%, thuộc vùng có tỷ lệ thấp của cả nước. Đặc biệt, “thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau; công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế; chưa hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kết cấu hạ tầng, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực dẫn đến làm chậm tiến trình hình thành một không gian kinh tế thống nhất…”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận.

Phát huy nguồn lực vốn con người

Để thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển, trở thành vùng kinh tế mạnh của cả  nước trong thời gian tới, các đại  biểu dự hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp như đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, trong đó lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường bổ sung, tiềm năng và lợi thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung rất lớn, các tỉnh, thành phố trong vùng đều nhận thức ý nghĩa của việc liên kết phát triển vùng là tất yếu. Muốn chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, trước tiên cần hoàn thiện thể chế và tăng cường thực hiện thể chế, trước mắt cho thí điểm tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mặt khác, Chính phủ cùng các bộ, ngành có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa, bảo đảm nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đề xuất, Chính phủ cần có chỉ đạo hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế biển; có cơ chế, chính sách đột phá, nhất là phân cấp cho các địa phương trong thu hút đầu tư, triển khai quy hoạch đã được phê duyệt để các địa phương ven biển chủ động tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, cơ hội của các địa phương trong vùng. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương chỉ đạo sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam, có đoạn Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên và tuyến đường ven biển nối các tỉnh miền Trung để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, kết nối các điểm du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung…

Ví von miền Trung như chiếc đòn gánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu “hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ gãy”. Vì vậy, Thủ tướng lưu ý “phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh, thành”. Thủ tướng chỉ rõ, năm 2018, trong khi 28 tỉnh có biển đóng góp 73,8% GDP cả nước thì 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chỉ đóng góp được gần 20% tổng GDP, chỉ chiếm 1/4 tổng GDP của 28 tỉnh này. Tiềm năng du lịch là thế mạnh, nhưng doanh thu từ du lịch chưa được 20% cả nước. Do vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu miền Trung cần tăng tốc phát triển cao hơn để có quy mô kinh tế lớn hơn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, miền Trung có nguồn lực vốn con người với rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt có nhiều nhà kinh doanh giỏi xuất thân từ dải đất miền Trung. Đây là tài sản rất quan trọng. Vấn đề là phải thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến miền Trung sinh sống và làm việc.

Thêm nữa, miền Trung chiếm 28,9% diện tích cả nước nhưng lại dễ bị tổn thương về mặt tự nhiên và xã hội, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, để đối phó với những thách thức này, liên kết vùng là bài toán sống còn đối với tất cả các địa phương trong vùng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã bàn nhiều về liên kết vùng, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải ưng ý, nhất là bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất... để tối ưu hóa phương án đầu tư. Do vậy, cần xác định những chương trình mục tiêu phát triển ở quy mô vùng như du lịch vùng, nhân lực vùng, thị trường lao động chung, bảo vệ môi trường vùng…

“Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung, luôn đặt ở vị trí ưu tiên trong sổ tay chương trình nghị sự của mình, để khi lật ra là nhớ và hành động”, Thủ tướng khẳng định, đồng thời yêu cầu các bộ trưởng, các lãnh đạo địa phương tùy theo vị trí và trách nhiệm của mình cũng phải đặt sự ưu tiên phát triển vùng lên trang đầu trong chương trình nghị sự của mình.

Đan Thanh