Liên minh châu Âu cảnh báo sẽ hạn chế đầu tư từ Trung Quốc

- Thứ Ba, 30/06/2020, 06:35 - Chia sẻ
EU cảnh báo sẽ áp đặt hạn chế đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào khối này trong bối cảnh các cuộc đàm phán đầu tư thương mại giữa EU và Trung Quốc đang lâm vào bế tắc.

Phó Chủ tịch điều hành phụ trách chính sách kinh tế của Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết, các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư mới giữa EU và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn then chốt, và với việc Bắc Kinh cương quyết không nhượng bộ, khối này đang chuẩn bị áp đặt các hạn chế nhằm vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc. Trong hơn nửa thập kỷ qua, hai bên vẫn đang đàm phán về “Thỏa thuận toàn diện về đầu tư” nhằm tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc ngày 23.6

Quan chức cấp cao EU cho rằng, hiện có tình trạng "bất cân xứng rất lớn về tiếp cận thị trường". Ông Dombrovskis cũng nhấn mạnh một số vấn đề mang tính hệ thống phải được giải quyết trước khi thỏa thuận đầu tư có thể được ký kết.

Ban đầu, các cuộc đàm phán giữa hai bên dự kiến hoàn tất vào tháng 9.2020, đúng thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc. Tuy nhiên, hội nghị đã bị đã bị hoãn từ cuối tháng 3 do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Cuối tuần trước, thành viên cấp cao EC phụ trách chính sách thương mại Sanbine Weyand cho biết, bà hy vọng được chứng kiến “một chút rõ ràng” về tình trạng thỏa thuận này trước cuối tháng 7. Bà Sanbine Weyand đưa ra bình luận trên sau Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc tổ chức trực tuyến tuần trước. Hội nghị có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao châu Âu, bao gồm Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell. Bên phía Trung Quốc có Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhiều quan chức khác. Tuy nhiên, hội nghị không đạt kết quả và không đưa ra được tuyên bố chung. Tờ Finance Times miêu tả hội nghị này vô cùng “ảm đạm”.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Âu từ mức gần 100 tỷ USD 2 năm trước đã giảm xuống chỉ còn 19 tỷ USD trong năm 2019. Sự sụt giảm này được cho là do sự kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc, tính thanh khoản thấp hơn và căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và khối đồng minh của Mỹ đang leo thang. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã cố gắng tăng cường kiểm soát cơ sở hạ tầng châu Âu, ngay cả khi các nước ở khu vực này áp đặt thêm nhiều hạn chế trong nỗ lực giảm quyền sở hữu của Trung Quốc.

Quỳnh Vũ