Giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri ở Kon Tum

Linh động cách nghĩ, năng động cách làm

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 08:41 - Chia sẻ
Để nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND phải linh động và có cách làm phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh yêu cầu các Tổ phân công đại biểu trực tiếp xuống địa bàn để nắm tình hình thực tế; xác định những kiến nghị cần được giải quyết ngay, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, trả lời; phân công Ban Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Ban của HĐND tỉnh khảo sát thực tế kết quả giải quyết, trả lời… Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum còn phát hành tài liệu Hỏi - Đáp liên quan đến các kiến nghị của cử tri.

Kết hợp hài hòa giữa luật với thực tiễn

HĐND tỉnh Kon Tum là một trong số rất ít các địa phương trong cả nước tổ chức tổng kết công tác tiếp xúc cử tri (TXCT) nhiệm kỳ 2011 -2016. Qua tổng kết đã giúp Thường trực HĐND tỉnh có cái nhìn tương đối đầy đủ, toàn diện về những khó khăn, tồn tại và hạn chế trong hoạt động này. Đó là: Tình trạng gửi kiến nghị của cử tri vượt cấp, không đúng thẩm quyền; một số kiến nghị thiếu thông tin nên ngành chức năng gặp khó khăn trong giải quyết, trả lời cử tri; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND các cấp chưa thật sự quyết liệt... Công tác phối hợp, giải quyết kiến nghị của cử tri có lúc chưa đồng bộ, giải quyết chậm, có trường hợp kéo dài nên để cử tri bức xúc kiến nghị nhiều lần.

Để bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật được nghiêm minh, đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại đã được chỉ ra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu các Tổ đại biểu HĐND tỉnh phân công đại biểu của tổ trực tiếp xuống địa bàn nắm tình hình thực tế, tìm hiểu và trao đổi với cử tri kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND tỉnh của UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan, nhất là các kiến nghị nhiều lần, kéo dài. Tổng hợp báo cáo kết quả giám sát gửi về Thường trực HĐND và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh để biết, theo dõi, giám sát; đồng thời, lựa chọn những vấn đề bức xúc đang được cử tri và nhân dân quan tâm chất vấn theo quy định.

Qua tổng hợp kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh xác định những kiến nghị cần phải được giải quyết ngay, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, trả lời (như: việc khắc phục hậu quả thiên tai, cung cấp giống cây trồng theo thời vụ; thu mua nông sản trong vụ thu hoạch…), thông báo ngay về Thường trực và Tổ đại biểu HĐND tỉnh để kịp thời thông tin đến cử tri. Đồng thời, chỉ đạo Văn phòng HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở từng huyện, thành phố gửi đến kỳ họp HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan giải quyết, trả lời gửi cho các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, nhằm hỗ trợ các Tổ làm tốt công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Yêu cầu Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đưa lên chuyên mục “Diễn đàn cử tri” (mỗi đơn vị 2 vấn đề/tháng) nhằm làm rõ các kiến nghị bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết, hoặc giải quyết chưa triệt để.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh Kon Tum khảo sát công trình thủy lợi Đăk Sia 2, huyện Sa Thầy

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh phân công Ban Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Ban của HĐND tỉnh tổ chức khảo sát thực tế kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri (của UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan) trước khi xây dựng báo cáo thẩm tra, phục vụ cho việc xây dựng báo cáo giám sát của Thường trực HĐND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh. Ngoài ra, còn phát hành tài liệu Hỏi - Đáp (những vấn đề đã được pháp luật quy định, nhưng cử tri nắm chưa đầy đủ hoặc chưa rõ nên kiến nghị) liên quan đến các kiến nghị của cử tri, đưa lên Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cho mọi người đều có thể tham khảo để trả lời, giải thích cử tri rõ tại các hội nghị TXCT và không tổng hợp những kiến nghị này gửi Thường trực HĐND tỉnh.

Từ những việc làm như trên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết kiến nghị được trả lời, giải quyết tại chỗ, nhất là những kiến nghị để nắm thêm thông tin. Số kiến nghị được UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan giải quyết, trả lời tăng dần qua từng kỳ họp HĐND tỉnh. Cụ thể: Tỷ lệ ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 được UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan giải quyết, có văn bản trả lời đạt gần 99,3%; đến Kỳ họp thứ 6 và thứ 7 đạt 100%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh chưa phải ban hành nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng

Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát kiến nghị của cử tri vẫn còn là trăn trở của Thường trực HĐND. Bởi vì làm tốt công tác này vừa thực thi pháp luật có hiệu quả, vừa góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh nông thôn ở các địa phương.

Để tạo điều kiện cho Thường trực HĐND làm tốt hơn nữa công tác này, thiết nghĩ UBTVQH cần có hướng dẫn cụ thể đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của các bộ, ngành ở Trung ương mà các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổng hợp, gửi về Thường trực HĐND tỉnh. Vì trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, có những vấn đề cử tri kiến nghị UBND tỉnh để UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan nhà nước cấp trên, theo luật thì Thường trực HĐND không có thẩm quyền giám sát đối với việc giải quyết, trả lời các kiến nghị này. Đồng thời, xác định trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành ở Trung ương cần lưu tâm nhiều hơn nữa đối với một số ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan ở các địa phương giải quyết kịp thời, có hiệu quả. Vì có những kiến nghị của cử tri mà để giải quyết (như: Giao thông, thủy lợi...) cần nguồn lực đầu tư lớn, liên quan đến đầu tư công... đòi hỏi phải có sự “vào cuộc” tích cực của các bộ, ngành ở Trung ương mới có thể giải quyết.

HẢI HIỂN