Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV

Linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả

- Thứ Hai, 22/06/2020, 07:48 - Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội TRẦN HỒNG NGUYÊN (Bình Thuận) chia sẻ rất hài lòng với kết quả Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, trước hết về cách thức tiến hành kỳ họp. Mặc dù đây là cách làm chưa từng có tiền lệ song việc tiến hành họp trực tuyến kết hợp họp tập trung đã thể hiện sự thận trọng, linh hoạt, sáng tạo của Quốc hội trong hoạt động nhằm thích ứng với hoàn cảnh, tình hình mới. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn các Hiệp định EVFTA, EVIPA và gia nhập Công ước số 105 của ILO là điểm nhấn quan trọng của Kỳ họp này, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước.

Chương trình nghị sự thú vị

- Bà đánh giá như thế nào về kết quả Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV? 

- Tôi cảm thấy rất hài lòng với kết quả đạt được của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV. Trước hết là về cách thức tiến hành kỳ họp. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Kỳ họp thứ Chín được tiến hành theo phương thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung. Mặc dù đây là cách làm chưa từng có tiền lệ song đã thể hiện sự thận trọng, linh hoạt, sáng tạo của Quốc hội trong hoạt động nhằm thích ứng với hoàn cảnh, tình hình mới.

- Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với việc Quốc hội phát huy hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung trong những kỳ họp tới. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Tôi và đa số đại biểu khác đều rất tán thành với hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, bởi qua Kỳ họp thứ Chín có thể thấy, phương thức này đã mang lại hiệu quả tốt. Việc tiến hành họp trực tuyến tạo thuận lợi cho ĐBQH chủ động trong công việc. Do đặc thù tổ chức Kỳ họp thành hai đợt và có khoảng cách một tuần giữa hai đợt họp trực tuyến và tập trung nên các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ có thêm thời gian để nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của ĐBQH và chỉnh lý kỹ càng các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết trước khi được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp. Các đại biểu cũng cảm thấy chất lượng của các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết được nâng lên.

Tôi mong rằng, Ban Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất áp dụng hình thức họp trực tuyến kết hợp tập trung trong những kỳ họp tới. Trong giai đoạn đầu, Quốc hội có thể họp trực tuyến nhằm xem xét những dự án luật lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến hoặc những dự án luật có tính chất chuyên ngành cao. Còn những nội dung quan trọng như giám sát tối cao, thảo luận kinh tế - xã hội… thì Quốc hội có thể họp tập trung để ĐBQH thảo luận, tranh luận. 

- Bên cạnh xem xét đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh tế - xã hội, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã dành sự quan tâm thỏa đáng cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh. Đại biểu đánh giá thế nào về kết quả cụ thể trong lĩnh vực lập pháp?

- Chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Chín khá toàn diện, bao quát hết các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy chỉ trong 19 ngày làm việc nhưng Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc tương đối đồ sộ: Thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến về 6 dự án luật và thông qua kỷ lục 21 dự thảo nghị quyết. Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tổ chức bộ máy, quan hệ lao động; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường công tác nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế. 

Nhiều dự án luật có tính chất “xương sống”, trụ cột về kinh tế - xã hội được Quốc hội xem xét, thông qua như dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được các ĐBQH thảo luận rất sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín cũng được nhiều ĐBQH đánh giá cao, nhất là khi Chính phủ đã rất nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tối giản những thủ tục mà người dân cần phải đến cơ quan nhà nước để thực hiện liên quan đến nhân thân của mình. Hoặc dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng là một dự luật đồ sộ và quan trọng được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp này. Nhìn chung, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Chín rất thú vị!

Điểm nhấn hội nhập 

- Một trong những điểm nhấn quan trọng của Kỳ họp là Quốc hội đã phê chuẩn EVFTA, EVIPA và phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, thưa bà?

- Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn các Hiệp định EVFTA, EVIPA đã đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Trong hoạt động đối ngoại, hai hiệp định này có ý nghĩa lớn, khẳng định được vị thế của chúng ta trong chủ động lựa chọn đối tác, tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Quốc hội phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 cũng khẳng định quyết tâm thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định thương mại cũng như thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

EVFTA và EVIPA được kỳ vọng mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam. Trong đó, EVFTA là cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19 thì EVFTA được thông qua càng có ý nghĩa quan trọng. Với EVIPA, việc thực thi Hiệp định này sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, đầu tư từ EU trong các lĩnh vực này có thể hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước. Thông qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của EU và toàn cầu, được chuyển giao công nghệ, kỹ năng, qua đó sẽ nhận được tác động lan tỏa về công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

- Theo bà làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được nhiều nhất những lợi ích mà hai hiệp định này mang lại? 

- Công tác chuẩn bị cho việc thực hiện EVFTA, EVIPA là đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm hiệu quả và bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời tận dụng được các cơ hội từ hai hiệp định này.

Tham gia thẩm tra hai hiệp định này, tôi thấy rằng, Chính phủ đã có sự chuẩn bị tương đối bài bản cho việc triển khai các cam kết trong EVFTA, EVIPA như có Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA, trong đó xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch.

Ngay trong thời gian chờ Quốc hội phê chuẩn hai hiệp định này, Bộ Công thương đã tổ chức những khóa tập huấn trực tuyến cho doanh nghiệp để phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU, trong đó chia ra chi tiết các nội dung về hàng hóa, chính sách chung…

Trong kế hoạch hành động của Chính phủ cũng đề xuất thành lập những cơ quan đầu mối để thực thi EVFTA cũng như các chương của Hiệp định. Đây là điểm mới trong cách chúng ta tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm thực thi các thỏa thuận quốc tế của chúng ta thời gian qua cho thấy, công tác triển khai thực hiện còn nhiều vấn đề, nhất là việc đôn đốc thực hiện và phối hợp triển khai thực hiện. Do đó, việc chỉ định các cơ quan đầu mối để thực thi hiệp định sẽ giúp bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giúp việc thực thi hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn bà! 

Nhật An