Ngăn ngừa cháy nổ do sự cố điện: Đồng bộ quy định pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy

Bài 1: Báo động tình trạng cháy nổ do chập điện

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:19 - Chia sẻ
Thống kê của ngành chức năng về nguyên nhân các vụ cháy cho thấy, hơn 50% vụ sự cố cháy nổ có liên quan đến sự cố về sử dụng điện hoặc bất cẩn trong sử dụng điện... Do vậy, để quản lý an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện nói chung, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn điện hiện hành; từ đó sửa đổi, bổ sung pháp luật phù hợp với thực tiễn.

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên cả nước diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó số vụ cháy có nguyên nhân do sự cố, mất an toàn trong sử dụng điện chiếm khoảng 50% tổng số vụ cháy đã được làm rõ nguyên nhân. 

Tỷ lệ cháy do sự cố điện chiếm hơn 50%

Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho thấy, trong 5 năm qua (2015 - 2019), cả nước đã xảy ra 17.844 vụ cháy, làm chết 431 người, bị thương 981 người; thiệt hại về tài sản ước tính gần 8,4 ngàn tỷ đồng và 8.810ha rừng. Tính trung bình mỗi năm xảy ra 3.569 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 196 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày xảy ra 10 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,6 tỷ đồng và 4,8ha rừng. Đáng chú ý, các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện lên đến hơn 8,1 ngàn vụ (chiếm 45,3%).

Chỉ tính riêng TP Hà Nội, trong năm 2019 đã xảy ra 563 vụ cháy, trong đó có tới 375 vụ có nguyên nhân từ chập điện (chiếm 66,7%); đó là chưa kể còn có 707 vụ chập điện trên cột. Các vụ cháy do điện thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi hết giờ làm việc nên phát hiện chậm, dễ gây các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như: vụ cháy nhà xưởng tại Trung Văn, quận Nam Từ Liêm ngày 12.4.2019 làm 8 người chết; vụ cháy nhà xưởng Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân ngày 28.8.2019, làm thiệt hại 155 tỷ đồng...

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, tính từ tháng 12.2018 đến tháng 12.2019 đã xảy ra 30 vụ cháy, trong đó có 13 vụ cháy do sự cố điện, chập điện. Điển hình như vụ cháy cơ sở kinh doanh pallet Ba Mươi (đóng trên địa bàn phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) ngày 25.12.2018 gây thiệt hại hơn 4 tỷ đồng; hay vụ cháy tại nhà xưởng của Xí nghiệp ắc quy Đồng Nai (Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch) ngày 14.7.2019  thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng. Mới đây nhất, trưa ngày 16.4, một nhà trọ ở phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa diện tích 15m2 cũng cháy rụi do sự cố đường dây dẫn điện.

Vụ cháy tại ngõ Lương Sử C, phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội- một trong những vụ cháy do chập điện

 Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Là một đô thị, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước, trong những năm qua mật độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh ngày càng cao, kéo theo đó là rất nhiều các cơ sở là nhà ở gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ xuất hiện. Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 2 triệu hộ gia đình, trong đó có trên 300.000 hộ gia đình kết hợp kinh doanh, dịch vụ, có 397.000 cơ sở kinh doanh sản xuất, trong đó có gần 40.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Theo nhận định của ngành chức năng, các cơ sở này có diện tích nhỏ hẹp từ 20 - 100m2, thường tận dụng mặt bằng trệt làm khu vực sản xuất, kinh doanh, kết hợp sử dụng diện tích còn lại làm khu sinh hoạt ăn ở của gia đình; và ngành nghề hoạt động, kinh doanh chủ yếu là may mặc, gia công giày dép, gia công gỗ, ván ép, tạp hóa, hoạt động kinh doanh dịch vụ, thu mua phế liệu...

Với các chung cư, cao ốc, một số phòng tập trung hệ thống cáp, thiết bị viễn thông, chiếu sáng… đan xen nhưng không có các bộ phận bảo vệ nên dễ gây rò điện, quá tải phát nhiệt, gây cháy. Còn các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng xen kẽ khu dân cư chưa kiểm soát chất lượng thiết bị điện, câu móc điện, kéo điện bằng dây dẫn không đúng tiêu chuẩn dẫn đến phát nhiệt, quá tải gây chập cháy. 

Trưởng ban An toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Hồng Long

Trong khi đó, hầu hết nhà xây dựng hình ống liền kề, san sát nhau, điều kiện sản xuất kinh doanh, ăn ở, sinh hoạt chật hẹp không bảo đảm khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói. Điều đáng nói, không ít chủ hộ gia đình, chủ cơ sở thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy, chưa có ý thức tự trang bị các kiến thức cơ bản về thoát nạn cũng như trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, không bảo đảm chất lượng do không được bảo dưỡng định kỳ. Đặc biệt, việc chấp hành các quy định về an toàn hệ thống điện của chủ hộ gia đình chưa được sự quan tâm: hệ thống điện câu mắc tùy tiện, vỏ dây dẫn điện đã lão hóa mất khả năng cách điện; thiết bị tiêu thụ điện chất lượng kém... Đây chính là tiềm ẩn lớn về nguy cơ cháy nổ trên địa bàn trong thời gian tới nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tương tự tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - một trong những quận có mật độ dân cư cao nhất Thủ đô với 39.830 người/km2; có 41.898 hộ dân và khoảng 17.000 doanh nghiệp. Đây lại là địa bàn có kiến trúc đô thị khu phố cổ, phố cũ được xây dựng nhà theo hình ống, nhỏ hẹp, nhiều hộ gia đình ở chung một số nhà, đan xen giữa các khu tập thể, buôn bán nhỏ, thậm chí có công trình được xây dựng hàng trăm năm nay vẫn đang tồn tại và xuống cấp nghiêm trọng. Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Hoàng Đức Lợi cho biết: Các tuyến phố hầu hết là các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh thương mại, tập trung lượng hàng hóa lớn, trong đó nhiều hàng hóa dễ bắt cháy như giày dép, quần áo, hàng mã, hóa chất... Trong khi đó, hệ thống điện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được giới hạn quản lý ở mức điện áp từ 0,4kV đến 22kV: gồm 579 trạm biến áp; Toàn bộ đường dây điện từ dưới attomat đến nơi sử dụng điện do người dân tự trang bị, lắp đặt... Chính những yếu tố trên đã tạo nên nhiều nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ.

Bài và ảnh: Hải Thanh