Lời hứa (Phần cuối)<br><i>Truyện ngắn của Ngô Mai An</i>

- Thứ Ba, 06/08/2013, 08:31 - Chia sẻ

>> Lời hứa (Phần 1)

Năm mẹ vợ tôi chín mươi bảy tuổi, cụ bị rối loạn tiền đình, thi thoảng phải đi nằm viện. Những đợt cao điểm như thế, vợ Đạt trông cụ suốt buổi sáng, khi tôi đến thay ca mới về nhà ăn bữa trưa, hơi muộn, rồi hối hả đi làm buổi chiều. Phần tôi, vừa mang bữa trưa cho bệnh nhân, vừa trực luôn suốt chiều thông qua đêm, cho đến khi con dâu đến nhận ca.

Một hôm, vừa bước vào phòng bệnh, tôi thấy ở giường phía đối diện với mẹ vợ tôi đã có một bệnh nhân nam mới nhập viện. Trông gương mặt ông hốc hác, nước da võ vàng, đầu hói, mảng tóc bạc chỉ còn lơ thơ nơi mang tai và sau gáy. Tôi thấy khuôn mặt này quen quen, nhưng chưa nhớ ra đó là người mình đã gặp khi nào ở đâu. Cuối giường là một cô khoảng hai mươi, có lẽ là con gái ông, đang nắn bóp chân cho bệnh nhân. Tôi gật đầu chào cô rồi khẽ hỏi:

- Ông nhà bệnh làm sao?

Cô gái lí nhí đáp:

- Bị liệt chân ạ…

Thấy ông mệt mỏi, mắt nhắm nghiền nên tôi chưa dám bắt chuyện. Tối đến, cô gái đã ra về, trong phòng còn lại mỗi hai chúng tôi là đàn ông, nên câu chuyện được mở đầu dễ dàng. Sau vài câu sơ giao, biết tôi là dân Lập Thạch, Vĩnh Phúc, ông sáng mắt:

 
Minh họa của Đặng Hồng Quân

- Thời trẻ, mình gắn bó với vùng Lập Thạch ghê lắm, nên vẫn coi đấy là quê hương thứ hai.

Thấy tôi chăm chú nghe, ông kể tên một loạt người, từ cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh đến giám đốc lâm trường hồi những năm sáu mươi. Tôi dè dặt hỏi:

- Hồi công tác ở Lập Thạch, bác làm ngành nào?

Ông vui vẻ cười:

- Làm phóng viên của Thông tấn xã, thường trú tại Vĩnh Phú, hay được vào Lập Thạch lấy tin.

Tự nhiên lúc đó tôi thốt lên:

- Bác là Trần Cửu.

Tới lượt ông ngạc nhiên:

- Sao ông biết?

- Ngày ấy, các bác nhà báo đến lâm trường Sáng Sơn được rất nhiều người chú ý, nhất là những cô gái tuổi mười tám đôi mươi, họ cực kỳ sùng bái cánh phóng viên nhà báo. Tôi cũng tập tọng viết báo nên coi các bác như thần tượng.

Ngồi trò chuyện một hồi, tôi hỏi lại Trần Cửu:

- Chắc bác đã quên hẳn tôi?

Trần Cửu ý tứ nhìn tôi thật kỹ:

- Mới gặp, mình cũng ngờ ngợ, nhưng nghĩ mãi vẫn chưa ra.

- Tôi là Lê Thành, cán bộ thi đua của lâm trường Sáng Sơn. Mỗi khi có nhà báo đến làm việc, tôi có trách nhiệm đưa họ đi tác nghiệp, xuống các đội để gặp gỡ, phản ánh nhân tố điển hình.

Trần Cửu khẽ đập vào vai tôi:

- Mình nhớ ra rồi! Nhớ ra rồi! Thời trẻ ông gầy gầy chứ có béo tốt như bây giờ đâu. Thế về Hà Nội, làm ở cơ quan nào?

- Tôi công tác ở tạp chí, nhưng nghỉ hưu đã lâu. Thế từ ngày đó, bác có trở lại Sáng Sơn lần nào không?

- Tháng chín năm bảy nhăm, tôi ở B ra Hà Nội được mấy ngày thì lên Sáng Sơn ngay. Chủ định tìm cô Thư đội phó đội Đồng Quế, nhưng không thấy. Có người biết, bảo cô ấy đi học đại học rồi công tác ở Việt Trì, sau đó theo chồng về Hà Nội. Hẳn ông còn nhớ cô Thư?

Tôi cố gắng giữ vẻ bình thản, khẽ khàng hỏi lại:

- Bác yêu cô ấy chứ?

Trần Cửu ngạc nhiên:

- Sao ông biết?

- Đoán mò vậy thôi. Hồi đó, tôi thấy mà, bác lần nào gặp cô cũng chụp ảnh, mà có lần bác cũng đưa được lên báo.

Trần Cửu lặng im như thừa nhận, rồi thì thầm tâm sự:

- Nếu mình không đột ngột vào chiến trường B, chắc rằng mình với Thư sẽ nên vợ nên chồng. Khi lên đường vào mặt trận, mình định gửi thư cho em, nhưng kỷ luật không cho phép, chuyến đi của bọn mình phải được giữ bí mật tuyệt đối. Tám giờ tối, đang ở Sáng Sơn, mình nhận được lệnh triệu tập, phải về gấp trụ sở văn phòng thường trú. Hai giờ sáng, đang ngon giấc ở văn phòng thì có xe commăngca từ Hà Nội lên đón. Về đến Hà Nội đã năm giờ sáng, cơ quan cho mình được vài tiếng về thăm gia đình. Sáu giờ tối hôm đó, cũng chiếc xe con đó chở bốn anh em mình đi một mạch vào Quảng Bình rồi rẽ lên đại bản doanh của Đoàn 559. Từ đó, theo xe vận tải, ngày nghỉ đêm đi, mất hai tuần mới vào đến Tây Ninh. Lúc đó, mình mới rõ nhiệm vụ: tăng cường cho Thông tấn xã Giải Phóng.

Tôi không hỏi gì, chờ cho Trần Cửu kể tiếp, nhưng ông vẫn giữ im lặng một hồi lâu.

Tôi hình dung anh phóng viên chiến trường trẻ khỏe, xông pha nơi đạn lửa, đi đến đâu cũng viết được tin, bài, chụp được ảnh gửi ra Bắc công bố rộng rãi, nhưng chỉ được biết đến với cái tên khác lạ. Thời chiến, các phóng viên vào chiến trường công tác đều thế cả, phải thay tên đổi họ, đến người ruột thịt cũng khó nhận ra… Năm lại năm, những hy sinh âm thầm như thế có làm cho tâm hồn họ trở nên chai lỳ?

Trần Cửu bỗng lại nói tiếp, khẽ như để tự nhủ mình:

- âu cũng là do số phận cả thôi. Giá như trước lúc chia tay mình được nói với Thư một đôi lời thì đâu nên nỗi này…

Nghe Trần Cửu tâm sự mà tôi chỉ biết im lặng, trong lòng thấy thanh thản như vừa gỡ được những nút thắt hằng giấu kín bấy nay. Tôi cũng thật lòng thông cảm với cảnh ngộ của ông lúc này. Phải lấy lại bình tĩnh, tôi mới bùi ngùi hỏi:

- Chân bác làm sao?

- Mình vào đây với căn bệnh vành tim, chữa chạy được mấy ngày thì chân bị liệt. Chụp phim, bác sĩ cho biết: mình bị gai cột sống, tủy bị chèn, huyết áp xuống thấp, máu chuyển lên não quá ít nên chân bị khô, thật là khốn khổ!

- Tôi biết bác từ hồi còn trẻ, sải chân bác bước rất dài, đi theo tôi từ đội này sang đội khác dăm bảy cây số là chuyện bình thường. Nào ngờ… Thế bác lấy vợ năm nào?

- Cuối bảy sáu. Qua nhiều lần tìm lại Thư, hỏi thăm tin tức mà đều chẳng nhận được điều gì hé mở để đi tìm tiếp. Lúc đó, mình đã bốn mươi tuổi, lại là con trai trưởng nhà họ Trần. Đành phải chiều theo ý các cụ, lấy một cô làm nghề văn thư ở cơ quan khác.

- Bác được mấy cháu?

- Vào chiến trường, mình bị nhiễm chất độc da cam nên trở thành vô sinh. Khi phát hiện ra bệnh, mình chủ động khuyên vợ ly hôn để cô ấy còn có điều kiện được làm mẹ.

Tôi thấy trĩu lòng, thương cho Trần Cửu quá.

Ông kể tiếp:

- Cháu gái ban chiều là con của em gái mình. Bố mẹ mình sinh được ba anh em, mình lớn nhất và cũng là con trai duy nhất. Từ ngày ly dị vợ, mình đã thu xếp cho vợ chồng cô út về sống tại ngôi nhà do bố mẹ để lại. Hai cụ nhà mình qua đời đã lâu.

Tôi chợt nhớ đến thằng Đạt. Trần Cửu mới đích thực là bố đẻ của nó, điều bí mật này, sau Thư, đến bây giờ tôi mới biết chắc.

Trần Cửu lại hỏi:

- Ông ở lâm trường ngần ấy năm liên tục, vậy sao ông lại không biết tin tức gì về cô Thư?

- Tôi biết chứ! Bác đi khỏi vài tháng thì cô ấy lấy chồng, rồi đủ ngày đủ tháng, vợ chồng cô ấy đón đứa con đầu lòng. Con trai, bác ạ, tôi nhấn mạnh, rồi kể vắn tắt về gia cảnh hòa thuận và cuộc sống ngắn ngủi của Thư.

Trần Cửu chăm chú nghe rồi hỏi, giọng hấp hoảng:

- Chồng và các con Thư ở Hà Nội à? Phố nào, ông biết không?

- Cô Thư mất rồi, bác có khỏi bệnh, đến gặp, cũng chẳng đứa con nào của Thư biết bác là ai. Tốt nhất là không gặp.

Trần Cửu gật gù tán thành ý kiến của tôi, rồi trầm ngâm suốt buổi.

Gần tối, tôi điện về dặn Đạt mang bữa chiều cho bà và cho bố, lại cho cả thằng bé con vào thăm cụ. Trong lúc gia đình tôi líu ríu chuyện trò, Trần Cửu nằm quay mặt vào tường. Tôi đến bên giường ông, vỗ nhẹ vào vai:

- Giới thiệu với bác, đây là con trai đầu, và đứa cháu đích tôn… - chần chừ giây lát, tôi nói tiếp hai tiếng sau, cố giữ giọng nhỏ nhẹ: - … của tôi.

Trần Cửu có quay đầu lại một chút, chào xã giao bố con Đạt, rồi lại quay mặt vào trong, dường như muốn để cho gia đình tôi được tự do thoải mái.

Sáng hôm sau, mẹ vợ tôi được ra viện. Trước khi cáo từ, tôi và Trần Cửu cũng có trao đổi địa chỉ của nhau, còn điện thoại thì ông cho tôi số máy di động, tôi cho ông số máy bàn.

Trở về nhà, thu xếp cho bà ngoại yên ổn rồi, tôi chạy ra chợ cóc đầu ngõ mua bó hoa, nải quả đặt lên ban thờ thắp hương và âm thầm kể lại chuyện trong bệnh viện cho Thư biết. Bức ảnh chân dung Thư, ngày ngày tôi vẫn ngắm và vẫn thấy em nhìn cha con ông cháu tôi đăm đắm, chan chứa tình cảm yêu thương pha lẫn chút hàm ơn. Nhưng lạ làm sao: sau một hồi kể lể khấn khứa, mắt không hề nhòa lệ mà nhìn lên ảnh Thư, tôi thấy đôi mắt em trở nên nghiêm nghị khác thường, hình như em khẩn cầu, hình như em nhắc nhở lời nguyền giữa hai đứa: “Không được để lộ đến người thứ ba”.

 Người thứ ba ấy trước tiên đã có thể là Đạt, nhưng bấy nhiêu năm nay nó vẫn chưa được biết, và đến bây giờ là Trần Cửu. Nuôi dạy Đạt đã ba chục năm trời, tôi biết nó là đứa con biết ăn ở, trọng nhân nghĩa, và tôi tin, nếu nó biết mình còn có một bố đẻ khác, sẽ còn phải thờ phụng một dòng họ khác, nó sẽ biết cách lựa chọn, xử sự đàng hoàng cho vẹn cả đôi bề. Còn Trần Cửu, con người tội nghiệp ấy chắc đã an phận với nỗi tuyệt vọng, nếu đột nhiên biết mình có một đứa con trai nối dõi tông đường, ông sẽ như thế nào?

Tôi không ích kỷ đến nỗi giấu biệt sự thực, tôi đang loay hoay chưa biết tìm cơ hội thích hợp nào để cho cha con Trần Cửu có thể chính thức gặp nhau. Nhưng mà, vẫn còn đấy, hiệu lực điều hứa lúc cầu hôn của vợ chồng tôi.

Hiện thời chưa có cách nào hơn, tôi chỉ biết mình phải gấp rút kể hết câu chuyện thật của gia đình mình ra đây, có vậy một người đang đầy tâm trạng, đang có nhu cầu chia sẻ như tôi mới nhẹ được cõi lòng. Hơn nữa, nếu câu chuyện này được biết đến rộng rãi, Trần Cửu, trước khi ra đi, hẳn sẽ suy đoán ra, hoặc cùng lắm thì ông cũng được ngậm cười nơi chín suối…