Cà phê phin

Lòng yêu nước và văn hóa tiêu dùng hàng nội địa

- Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:20 - Chia sẻ
Hyejin cho rằng sẽ là một “thảm họa” nếu như một ngày nọ người Hàn Quốc tỉnh dậy và thấy xung quanh mình chỉ toàn sản phẩm nội. Bởi vì đối với người Hàn Quốc thì nền kinh tế nào, sản phẩm nào cũng phải cạnh tranh sòng phẳng, có nghĩa là phải có sự xuất hiện của các nhãn hàng quốc tế để làm đối trọng cho sự phát triển về công nghệ của các sản phẩm trong nước và ngược lại.

Truyền thông nước ta trong nhiều năm qua không tiếc lời ca ngợi vẻ kỳ vĩ của đế chế Samsung dựa trên sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc với các sản phẩm nội địa (domestic) nói chung. Chúng ta nghe những điều đó hàng ngày, hàng giờ. “Chủ nghĩa yêu nước kiểu Hàn Quốc” thậm chí đã ngấm vào máu của người Việt. Tiếc thay, đó lại là một cách nhìn phiến diện. 

Tôi có nhiều bạn người Hàn, thân nhất là Hyejin, một đồng nghiệp có chung nhiều mối quan tâm xã hội. Khi tôi bảo bạn rằng nhiều người Việt rất thích chủ nghĩa yêu nước của người Hàn trong xu hướng tiêu dùng nội địa. Bạn đã rất bất ngờ trước khái niệm này. 

Theo nhận định của Hyejin - một người trẻ Hàn Quốc thì lựa chọn sử dụng hàng nội địa của người Hàn Quốc chưa bao giờ được xây dựng bằng những phong trào kiểu “người Hàn dùng hàng Hàn”. Bạn thừa nhận rằng ngay cả trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với Nhật thì người dân Hàn Quốc vẫn có rất nhiều lựa chọn để sử dụng các sản phẩm của Nhật như Sony hoặc Panasonic chỉ đơn giản vì chúng “bền”. Khi đặt đồ nội địa bên cạnh các sản phẩm của phương Tây cùng mức giá thì họ sẽ chọn sản phẩm có chất lượng tốt nhất, bất kể sản phẩm đó đến từ đâu, “nội” hay “ngoại”. 

Định hướng xuất khẩu

Khi Park Chung Hee lên nắm quyền năm 1963, đối diện với nền kinh tế nghèo nàn, GPD đầu người chỉ hơn 70USD, ông đề nghị Chính phủ hỗ trợ một số công ty gia đình (Cheabol) trở thành các tập đoàn kinh tế đa ngành. Trong văn hóa Hàn Quốc thì Chaebol là cả một “triều đại”. Cần lưu ý rằng các tập đoàn này sau đó, phải phát triển công nghiệp theo định hướng xuất khẩu. Chiến lược kinh doanh nhắm tới mục tiêu lớn và cạnh tranh để vươn mình ra quốc tế mới là chìa khóa để các tập đoàn lớn mạnh như ngày nay chứ không phải là dựa trên việc người Hàn Quốc ủng hộ hàng nội địa. Có thể nói là người dân Hàn Quốc được hưởng lợi nhờ vào tầm nhìn ấy là chính. 

Các EPZ (Export processing zone - đặc khu chế xuất định hướng xuất khẩu - tránh nhầm lẫn với SEZ - đặc khu kinh tế) cũng được hình thành để tạo môi trường cạnh tranh. Nhờ vào định hướng xuất khẩu mà người ta đã có các tập đoàn đa ngành như Samsung, LG, SK, Huyndai, Deawoo… Cho tới nay, Hàn Quốc trung thành với các mục tiêu xuất khẩu, thậm chí xuất khẩu cả văn hóa (như ở công nghiệp giải trí K-pop).

Khởi nguồn của “lòng yêu nước” trên bắt nguồn từ giới lãnh đạo khi họ đã ban hành rất nhiều ưu đãi về mức thuế và các chính sách liên quan đến sự phát triển của các Chaebol. Hoạt động này không nhằm vụ lợi mà chỉ là nỗ lực của đôi bên để hạ giá sản phẩm nội địa xuống mức thấp nhất, dẫn tới tăng ưu thế cạnh tranh xuất khẩu. Các tập đoàn Hàn Quốc thường tập trung làm sản phẩm có giá cả phải chăng, giải quyết được các vấn đề của cuộc sống chứ không nhắm vào mặc cảm, hay tự ti xã hội.

Hyejin cho rằng sẽ là một “thảm họa” nếu như một ngày nọ người Hàn Quốc tỉnh dậy và thấy xung quanh mình chỉ toàn sản phẩm nội. Điều này là trái ngược với giấc mơ của “chủ nghĩa yêu nước” trong văn hóa tiêu dùng của người Việt. Bởi vì đối với người Hàn Quốc thì nền kinh tế nào, sản phẩm nào cũng phải cạnh tranh sòng phẳng, có nghĩa là phải có sự xuất hiện của các nhãn hàng quốc tế để làm đối trọng cho sự  phát triển về công nghệ của các sản phẩm trong nước và ngược lại. Sự ưu ái quá mức mà giới chính khách dành cho các nhà Chaebol đã từng vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân. Khái niệm “yêu nước” của họ chỉ đơn giản là đấu tranh cho một nền kinh tế giàu tính cạnh tranh. 

Giá trị của tập đoàn

Các tập đoàn đa ngành chịu nhiều sức ép và dần dần định ra những giá trị cốt lõi của nó. Giá trị cốt lõi của Samsung không hoàn toàn nằm ở mảng điện thoại di động hay thiết bị gia dụng mà nó là ở nền công nghiệp bán dẫn (semiconductor), Samsung đã tự phát triển và làm chủ công nghệ này. Sở hữu công nghệ thì có nghĩa là có trong tay một hệ sinh thái. Người Hàn Quốc không tự hào khi có một Samsung đóng góp 1/5 kim ngạch xuất khẩu của cả nước, họ cũng không hề tự hào vì có một gia đình Chaebol “giàu nứt đố đổ vách”. Điều khiến người ta tự hào đó là những giá trị thực sự mà các tập đoàn ấy tạo ra cho con người. Ở khía cạnh này, có thể nói công nghệ bán dẫn của Samsung là hiện đại nhất thế giới. Để có được thành quả ấy, các tập đoàn phải hứng chịu chỉ trích, phải chuyển mình, phải nỗ lực giảm giá sản phẩm và phải tiếp nhận những phản biện từ người sử dụng cũng như các đối thủ cạnh tranh. 

Bố của Hyejin, một kỹ sư của Samsung mảng xe hơi, đã bị sa thải khỏi tập đoàn ở tuổi 55. Đây là một dạng truyền thống của các tập đoàn đối với nhân sự lớn tuổi mà chưa đạt đến cấp quản lý cao. Dù rất buồn vì cảm thấy bị phản bội, nhưng mặt khác, ông ấy đã luôn tự hào với những giá trị của công ty mà ông có góp phần xây đắp. 

Có một điểm cần nhấn mạnh rằng, đối với thế hệ người lớn tuổi ở Hàn Quốc thì việc lựa chọn các sản phẩm của Samsung có bắt nguồn từ chế độ hậu mãi vượt trội của tập đoàn này, các chương trình bảo hành, chăm sóc khách hàng được duy trì miễn phí trong nhiều thập niên và nó thuyết phục được những người dùng khó tính nhất từ cách đây 40 năm. Rõ ràng, chẳng có bất kỳ “lòng yêu nước tự phong” nào có thể chắp cánh cho công nghiệp nội địa. Một sản phẩm được chọn để mua chỉ có thể dựa trên ba yếu tố là: Chất lượng, Giá thành và Chính sách hậu mãi. 

Yêu nước?

Đó chính là lý do vì sao người Hàn Quốc còn có một khái niệm “yêu nước mù quáng chính là phản quốc”, bởi vì hệ thống kinh tế ấy đặt ra đòi hỏi người dùng phải chi tiêu và có chọn lựa “thông minh” chứ không phải là “yêu” hay “không yêu”. Điều này có thể chúng ta cần học tập, bởi vì nó là nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế. Nó tạo ra những thách thức cho các nhà sản xuất nội địa mà nếu vượt qua được những thách thức ấy thì họ sẽ thực sự trở thành những thương hiệu mà người Việt Nam có thể tự hào giống như những gì mà Samsung đã làm với công nghệ bán dẫn của họ. 

Hyejin từng là một trong số hàng nghìn người Hàn Quốc tham gia biểu tình trước cổng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Đức để yêu cầu Tổng thống phải từ chức vì bê bối “tham nhũng chính sách” với Samsung vào năm 2017. Sự đấu tranh ấy, được gọi là “yêu nước”. Dưới sức ép của công luận, các cuộc điều tra được tiến hành và Tổng thống Park Geun Hye nhận án 25 năm tù, người thừa kế của Samsung cũng nhận bản án tù cùng thời điểm. 

Nền công nghiệp sản xuất của Việt Nam rõ ràng có nhiều khởi sắc trong một thập kỷ qua, đó là điều đáng tự hào. Tuy vậy, tình yêu một nhãn hàng không nên bị đánh đồng với lòng yêu nước.

Có người mua hàng để ủng hộ cũng tốt, có người góp ý kiến phản biện thì lại càng tốt bởi vì chúng đều là những điều mà nhà sản xuất cần có để tiếp tục cạnh tranh và phát triển. Lòng tự hào của người sử dụng cần được xây dựng trên giá trị cốt lõi của các tập đoàn. Giá trị cốt lõi của các tập đoàn đa ngành ở Việt Nam là gì? Có lẽ vẫn cần thêm thời gian để các tập đoàn ấy tìm ra câu trả lời. 

Quang Lê