Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản

Lựa chọn thủy sản khô chất lượng

- Chủ Nhật, 09/12/2018, 07:55 - Chia sẻ
Thủy sản khô (cá khô, mực khô, tôm khô…) là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến trong bữa ăn của mỗi gia đình. Tuy nhiên, hiện nay có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản thiếu kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong xử lý, chế biến, bảo quản thủy sản khô đã dẫn đến tình trạng sản phẩm bị nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bởi vậy, người tiêu dùng phải tinh tường trong việc lựa chọn và có biện pháp bảo quản đúng cách.
Nguy cơ về an toàn thực phẩm

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kèm theo đó là chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Theo một số chuyên gia về vệ sinh ATTP, sản phẩm khô chất lượng kém là do còn tình trạng một số tiểu thương, cơ sở chế biến nhỏ đã sử dụng hóa chất (trichlorfon) trong bảo quản thủy sản khô để diệt ruồi, kiến, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm… Điều đáng nói, hóa chất trichlorfon đã bị cấm sử dụng và có độc tính thuộc nhóm độc II, có khả năng gây hại đến sức khỏe con người khi bị hấp thụ vào cơ thể, dẫn đến các triệu chứng xuất huyết, tức ngực, khó thở do co thắt ống phế quản. Trường hợp bị nặng có thể bị bất tỉnh, rối loạn thần kinh, nhịp tim bất thường hay có thể dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, sản phẩm sẽ dễ nhiễm vi sinh vật (Salmonella) gây bệnh nếu điều kiện sản xuất không bảo đảm. 


Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản khô phải tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP
Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia Lê Thị Hồng Hảo cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm Salmonella trong sản phẩm thủy sản khô. Trong đó, một số ít cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản thiếu kiến thức về bảo đảm ATTP trong xử lý, chế biến, bảo quản thủy sản khô. Điều kiện sản xuất của cơ sở từ khai thác, thu gom, sơ chế, chế biến không bảo đảm vệ sinh ATTP dẫn đến lây nhiễm vào sản phẩm (từ công nhân, trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm).

Còn theo Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh: Đối với bất kỳ một thực phẩm khô nào đều có thể xuất hiện nấm mốc nếu không bảo quản đúng cách. Do đó, vấn đề bảo quản, không sử dụng các thực phẩm đã bị hỏng, bị nấm mốc là một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa trong việc hạn chế tần suất xuất hiện bệnh ung thư gan nguyên phát.

Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng

Theo chuyên gia, để bảo đảm ATTP đối với thủy sản khô, trước tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản khô phải tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP trong quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Chỉ sử dụng phụ gia trong danh mục phụ gia được phép sử dụng với tồn dư không vượt mức giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế; không sử dụng hóa chất cấm sử dụng như trichlorfon trong sản xuất thủy sản khô. Đối với người tiêu dùng, cần chú ý lựa chọn mặt hàng có xuất xứ, thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng rõ ràng.

Song song với việc chọn lựa sản phẩm chất lượng, người tiêu dùng cần phải biết cách bảo quản. Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy chia sẻ: Nguyên tắc hàng đầu trong bảo quản thủy sản khô là bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tùy từng loại mà cân nhắc có nên bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đá của tủ lạnh. Để giữ thực phẩm khô lâu bị ẩm mốc, dù là phơi hay đã sấy, phải để trong tủ lạnh, bao ngoài bằng lớp giấy báo hoặc giấy hút ẩm, kế đến là bao nylon cột chặt miệng lại. Bằng cách này, sản phẩm vẫn ngon và giữ được mùi vị đặc trưng trong vài tháng. Nếu thực phẩm đã bị nấm, mốc thì nên bỏ, không tiếp tục dùng vì trong thực phẩm mốc có chứa vi nấm có thể gây ung thư gan.

Nhiều quy định về an toàn thực phẩm

Hiện nay các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thủy sản khô khá đầy đủ, cụ thể: Quyết định 46/2007 của Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm (Salmonella: không cho phép trong 25gr); Thông tư 10/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam (trong đó, trichlorfon nằm trong danh mục hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản); quy định về điều kiện bảo quản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được quy định trong Luật ATTP; quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số QCVN 02 - 17: 2012/BNNPTNT: Cơ sở sản xuất thủy sản khô - điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Như Tiệp cho biết: Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu; vi phạm  quy định về sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Phạt đến 20 triệu đồng hành vi vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sẽ đình chỉ hoạt động sản xuất; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Đồng thời, yêu cầu cơ sở vi phạm khắc phục hậu quả như: Tiêu hủy sản phẩm; chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
XUÂN VIỆT