Thế giới hướng tới luật thuế dịch vụ kỹ thuật số

Luật Thuế công nghệ - xu hướng tất yếu

- Chủ Nhật, 18/08/2019, 09:05 - Chia sẻ
Thu thuế dịch vụ kỹ thuật số đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh các quốc gia tìm cách vá lỗ hổng về thuế khiến họ thất thu hàng tỷ USD. Việc các nước ban hành một đạo luật riêng về vấn đề này là nhu cầu xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn mà Pháp là quốc gia tiên phong.

Đầu tháng 7, Quốc hội Pháp đã thông qua luật mới áp thuế doanh thu nội địa với các hãng công nghệ lớn bất kể những hãng công nghệ này đặt trụ sở chính ở đâu trong châu Âu.

Dự luật thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn (còn gọi là thuế GAFA - viết tắt tên của các tập đoàn công nghệ lớn là Google, Apple, Facebook và Amazon), được Thượng viện Pháp thông qua hôm 11.7, sau khi một văn bản tương tự đã được Hạ viện thông qua trước đó. Dự luật yêu cầu các công ty công nghệ có doanh thu lớn hơn 845 triệu USD phải trả thuế 3% cho doanh thu tại Pháp. Động thái này sẽ cho phép thu về khoảng 500 triệu euro, tương đương 563 triệu USD/năm cho ngân sách công của Pháp.

Bộ trưởng Thương mại Pháp Bruno Le Maire cho biết, đây là bước đi hướng tới một mức thuế công bằng và hiệu quả hơn cho thế kỷ XXI. Theo ông Le Maire, không thể chấp nhận việc các “gã khổng lồ” kỹ thuật số thu những khoản lợi nhuận kếch xù từ việc sử dụng dữ liệu, mà lợi nhuận này được tạo ra tại Pháp, trong khi thuế lại được áp dụng ở nước khác. Ông Le Maire dẫn số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy bằng thủ thuật tối ưu hóa về thuế, các công ty công nghệ kỹ thuật số lớn nộp thuế ít hơn các công ty khác ở châu Âu trung bình 14%.

Chính phủ Pháp tuyên bố loại thuế mới không đặc biệt nhắm vào doanh nghiệp Mỹ, mà sẽ tác động cả doanh nghiệp châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, khoảng 30 công ty, hầu hết có trụ sở tại Mỹ, trong đó, các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Amazon, Facebook và Apple sẽ là đối tượng của luật mới. Quy định mới sẽ được thực thi trong vòng 21 ngày nếu không có gì thay đổi và sẽ được thi hành hồi tố kể từ thời điểm tháng 1.2019.

Chỉ ít giờ sau khi Quốc hội Pháp thông qua dự luật trên, một quốc gia châu Âu khác là Anh cũng đã công bố dự thảo luật về thuế dịch vụ kỹ thuật số. Theo Bộ Tài chính Anh, dự thảo sẽ được tham vấn trong giai đoạn từ nay cho tới tháng 9, trước khi đưa vào triển khai từ tháng 4.2020. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Apple, Facebook hay Google sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dự luật mới.

Tuy nhiên, mức thuế 2% tổng doanh thu hàng năm này sẽ không được áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ hoặc đang thua lỗ tại Anh, nhằm bảo vệ các công ty khởi nghiệp. Ngoài ra, London cho biết, sẵn sàng hủy bỏ mức thuế này sau khi cộng đồng quốc tế đạt được một giải pháp toàn cầu trong việc đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số.

Cùng với Pháp và Anh, ngày 17.7, giới chức Tây Ban Nha cho hay nước này sẽ thúc đẩy một dự luật thuế đối với các công ty công nghệ lớn, sớm nhất ngay khi chính phủ mới tuyên bố nhậm chức. Động thái mới này chắc chắn sẽ khiến nhiều nước châu Âu có quyết định tương tự.

Đề cập quyết định này, quyền Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino khẳng định biện pháp này là nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn cầu bởi đây là vấn đề toàn cầu, và cần phải có hành động để giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế nước này. Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez cũng đã đề xuất một dự luật, theo đó đánh thuế 3% đối với tổng thu nhập của hãng công nghệ lớn như Google và Facebook chuyên cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ông Sanchez đã không thể thúc đẩy thông qua dự luật trên sau khi Quốc hội Tây Ban Nha hồi tháng 2 bác bỏ dự thảo ngân sách 2019 của ông, buộc nhà lãnh đạo này phải kêu gọi cuộc bầu cử sớm. Dự thảo mới nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy thông qua sau khi đã có những nước tiên phong như Pháp và sau khi Tây Ban Nha đã có một chính phủ mới ổn định.

Trước đó vào tháng 2, Chính phủ New Zealand tuyên bố họ đang xem xét áp thuế lên doanh thu của các tập đoàn số đa quốc gia như Google, Facebook, Amazon… Tại châu Âu, đề xuất áp thuế tương tự cũng đã xuất hiện ở Đức, Áo và Italy. Với các nước nhỏ hơn trong Liên minh châu Âu (EU) như Ireland và Luxemburg thì vẫn đang chờ sự nhất trí chung trong EU. Một số nước ở các châu lục khác cũng đang xem xét các chính sách tương tự, bao gồm Hàn Quốc, Mexico, Chile và một số nước châu Mỹ Latin. Các quốc gia Đông Nam Á cũng thử đánh thuế lĩnh vực kỹ thuật số như Thái Lan, Philippines, Singapore, Indonesia…

Nguyễn Nhâm