Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều:

Lực lượng xung kích hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm?

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 10:38 - Chia sẻ
Chiều 28.5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội làm việc trực tuyến, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Có bao quát hết được mọi loại hình thiên tai?

Trình bày Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, đa số ĐBQH tán thành với quy định về thành lập lực lượng xung kích phòn, chống thiên tai (PTTT) ở cấp xã như dự thảo Luật, đồng thời đề nghị làm rõ, lực lượng này hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm. Ý kiến khác cho rằng, quy định này dễ gây xung đột về việc thực hiện nhiệm vụ, không bao quát hết được mọi loại hình thiên tai và có thể gây chồng chéo với các lực lượng khác khi tham gia PCTT.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều
Ảnh: Quang Khánh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Luật PCTT (Điều 6) và dự thảo Luật (Khoản 3, Điều 1) đã quy định các nguồn nhân lực cho PCTT. Quy định về lực lượng xung kích PCTT ở cấp xã được thành lập trên cơ sở nguồn nhân lực tại chỗ, gồm: dân quân tự vệ ở thôn, ở cấp xã và một số tổ chức, đoàn thể trên địa bàn xã nên sẽ không chồng chéo với các nguồn nhân lực khác trong PCTT. Việc quy định về lực lượng xung kích PCTT sẽ làm cơ sở để đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng, trang bị phương tiện, công cụ cho lực lượng này và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ PCTT trên địa bàn. Thực tế công tác PCTT thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương đã triển khai tốt lực lượng xung kích PCTT ở cấp xã như: tỉnh Sơn La, An Giang, Thanh Hóa… và các tỉnh có đê nên đã phát huy hiệu quả, xử lý các sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu trước khi các lực lượng chuyên nghiệp đến ứng cứu.

Mặt khác, ngày 24.3.2020, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã yêu cầu: “chú trọng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở và các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho lực lượng này”.

"Vì vậy, cần quy định về lực lượng xung kích PCTT cấp xã trong Luật để nâng cao hiệu quả PCTT ở cơ sở. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa và thể hiện như tại Khoản 3, Điều 6", Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, quy định nguồn nhân lực cho PCTT như dự thảo Luật mới chỉ gồm 5 nhóm lực lượng ở trong nước. Trong khi đó, thực tế nước ta đang tham gia các điều ước quốc tế và đang làm tốt việc hợp tác quốc tế về PCTT. Việt Nam cũng thể hiện là thành viên có trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về PCTT. Do đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung nhóm về lực lượng là các cá nhân ở nước ngoài và quốc tế trong trường hợp này là phù hợp, đồng thời phù hợp với các nội dung hợp tác quốc tế trong PCTT.

Không phát sinh thủ tục

Về quy định cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên  tại Khoản 3, Điều 2 sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 25 Luật Đê điều, có ý kiến ĐBQH cho rằng, việc bổ sung thẩm quyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cấp phép đối với các hoạt động liên quan điểm a, b, c, h Khoản 2, Điều 25 sẽ phát sinh thủ tục hành chính và đề nghị cần có đánh giá tác động về vấn đề này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Luật Đê điều hiện hành đã quy định UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép đối với các hoạt động quy định tại điểm a, b, c Khoản 2, Điều 25 và thực hiện ổn định nhiều năm nay. Dự thảo Luật chỉ bổ sung nội dung đối với hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III thì UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Điểm h, Khoản 2, Điều 25) cho phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật về đường thủy nội địa (được quy định tại Khoản 4, Điều 4 Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển hoặc vùng nước đường thủy nội địa), đây không phải là chính sách mới nên không phải đánh giá tác động và cũng không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Có ý kiến đề nghị hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều chỉ nên lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với đê cấp I, cấp II, không nên áp dụng với đê cấp III. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của pháp luật đê điều thì đê được phân cấp theo mức độ quan trọng cần phải bảo vệ và phân cấp quản lý. Theo đó,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III nên quy định như dự thảo Luật là phù hợp.

Thảo luận về vấn đề này, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, hiện nay việc nạo vét luồng lạch được quy định tại Nghị định 159 trong đó Khoản 4, Điều 4 quy định: các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa có đê còn phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; đối với dự án nạo vét cơ bản ở các tuyến đường thủy nội địa có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hoặc thuộc địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, phải lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt dự án. Do đó, ĐB Thạch Phước Bình đề nghị, dự thảo Luật cần quy định như Nghị định 159 sẽ phù hợp hơn với thực tiễn. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định Chính phủ ban hành trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn thu hồi giấy phép quy định tại Điều 25.

T. Thành