Cà phê phin

Luỹ kế

- Chủ Nhật, 05/05/2019, 08:02 - Chia sẻ
Nói chỉ có mình EVN thu phí lũy kế thì oan cho EVN lắm. Mỹ và Nhật họ cũng thu phí này. Nhưng vấn đề là...

Hạ tầng điện của ta đã được như Mỹ, Nhật?

Chưa. Việt Nam chưa có hạ tầng điện tốt như Nhật và Mỹ. Một trong những cơ sở chính để thu phí - thuế lũy kế (progressive tariff) đó là một hạ tầng điện phát triển. Có nghĩa là một hệ thống lập hóa đơn đáng tin cậy phải được thiết lập với chế độ thời gian thực và đăng tải hàng ngày, hàng giờ, hàng phút để tránh khiếu nại. Bởi vì chậm cập nhật hóa đơn 1 phút thôi cũng có thể khiến người sử dụng phải đóng lũy kế hàng chục phần trăm. Với một hệ thống lập hóa đơn còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng nhân lực, chưa có tự động hóa, chưa có hệ thống đồng bộ đến từng phút thì việc thu lũy kế của EVN chắc chỉ có thể được phê duyệt ở ta mà thôi.

Châu Âu từng có ý định áp dụng phí lũy kế nhưng đều không khả thi vì những rào cản từ hạ tầng, rào cản về luật (cấm đánh thuế điện), rào cản từ sự phản đối của các nhà cung cấp điện...


Điểm bắt đầu tính luỹ kế?

Điểm này là quan trọng nhất trong cách tính bậc giá (Tier). Theo đó bậc 1 (bậc rẻ nhất - Tier1) phải được tính toán sao cho phù hợp với mức tiêu thụ điện cơ bản của người sử dụng. Nó giống như là bạn ăn 4 bát cơm thấy no đẫy bụng ra thì nhà cung cấp sẽ tính bậc 1 là 3 bát cơm. Nghĩa là bạn vẫn sống khỏe mạnh với cái định mức đó, có những bữa bạn ăn khỏe đến 4 bát nhưng có bữa bạn lại chỉ ăn 2 bát thôi, bù trừ cho nhau mà ra cái bậc 1. 

Kế hoạch tăng giá điện

Kế hoạch tăng giá điện phải là một quá trình minh bạch bởi vì nó liên quan đến an toàn sinh hoạt và lao động của người dân. Trong 10 năm qua, EVN tăng giá điện 100% (gấp đôi), trong khi đó lạm phát tăng phi mã và có sự đóng góp không nhỏ của ngành điện vào sức lạm phát này (edited). Để có tương quan, hãy so sánh với Đức (nước có giá điện cao nhất châu Âu). Đức tăng giá điện lên 30% trong 10 năm, và trong cùng thời gian đó thì lạm phát giảm 30%. Chia rạch ròi ra thì EVN tăng giá với tốc độ cao gấp 5 - 6 lần Đức. Như vậy có thể hiểu là giá điện Việt Nam tăng rất nhanh. 

Thêm vào đó, những thời điểm EVN thông báo tăng giá thường khá ỡm ờ, gây bất ngờ, hoang mang cho dư luận như thời điểm năm nay (mặc dù chính họ đã tuyên bố rằng điện không tăng giá trong 2019). 

Việc tăng giá điện và áp dụng lũy kế, suy cho cùng là biện pháp bù lỗ của EVN. Không nên đổ hết cho giá nhiên liệu tăng bởi vì có những lúc giá nhiên liệu chạm đáy mà có ai giảm giá điện?

Câu hỏi mà người dân quan tâm là có thật là EVN đã và đang làm ăn thua lỗ suốt hàng chục năm qua hay không? Có phải từ trước đến nay họ vẫn luôn bán điện với giá rẻ hơn giá sản xuất? Nếu đúng là như vậy, EVN cần công bố các số liệu cụ thể và minh bạch bởi khi đó việc người dân phải đóng nhiều tiền hơn để mua điện là điều không thể chối cãi. Lúc ấy chẳng ai có thể kêu ca nửa lời bởi người dân luôn và cần có trách nhiệm mua đúng giá chứ không phải là mua lấy giá rẻ. Tuy vậy, đối với vấn đề về năng lực thì EVN khó có thể bao biện, năng lực quản lý và hoạt động có thể coi là rất yếu, bộ máy vận hành kém dẫn đến việc trở thành gánh nặng quốc gia. Về nhân sự, nếu cải tổ được thì nên làm ngay.

 Trường hợp còn lại, nếu giả thuyết trên không đúng. Vậy thì sao giá điện cứ tăng chóng mặt như vậy? Có phải EVN đang lỗ do đầu tư ngoài ngành và nay phải lấy giá điện bù lỗ (theo báo Tuổi Trẻ)? Hay là EVN đang nỗ lực sử dụng nguồn vốn toàn dân để phát triển các hệ thống điện xanh, sạch khác để bổ sung cho dự trữ điện? Nếu có thì kế hoạch ra sao? Thời gian thực hiện như thế nào?

Trong cả hai tình huống trên câu trả lời có thể có hoặc chưa có nhưng có một sự thật đó là EVN cần minh bạch và dân chủ hóa các hoạt động của mình, tránh các hoạt động và lối diễn giải nhập nhèm, tránh vận hành sai nguyên tắc kinh tế.

Quang Lê