Theo dòng sự kiện

Lý tưởng là quy định ngay trong luật

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 17:42 - Chia sẻ
“Danh phận của Văn phòng Đoàn ĐBQH từ dự thảo lần đầu chỉ là một bộ phận thì dự thảo lần này đã được nâng lên một bước thành bộ máy giúp việc”. Chỉ ra sự thay đổi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại phiên họp chiều 9.6, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, điều này đã phần nào thể hiện sự danh chính ngôn thuận của cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH. Dù vậy, hầu hết ĐBQH đều tha thiết đề nghị, từ nay đến lúc dự luật được trình Quốc hội thông qua, cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền để khẳng định tính chính danh của Văn phòng Đoàn ĐBQH.

Mong muốn như vậy là bởi, hiện nay, ở hầu hết địa phương trong cả nước, Văn phòng Đoàn ĐBQH đang được tổ chức theo mô hình độc lập với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh, chỉ 11 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng theo chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 địa phương thực hiện riêng mô hình hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Nhưng mới đây, Chính phủ đã đề xuất sẽ hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh thành văn phòng chung tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. 

Theo ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội không dùng hai chữ “Văn phòng” để định danh cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH là bởi chờ xem tới đây 3 văn phòng này có hợp nhất hay không. Trung ương đặt vấn đề vô cùng chặt chẽ là “nghiên cứu ban hành quy định việc hợp nhất 3 văn phòng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất thận trọng tổ chức thí điểm để xem cơ sở thực tiễn có thể nhập được không. Và thực tiễn thí điểm đã có câu trả lời rõ ràng là không phù hợp. Như vậy, phải giữ mô hình 3 văn phòng độc lập như hiện hành, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị.

Chia sẻ quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng cho rằng, kết quả thí điểm không thành công đã cho thấy thực trạng hoạt động của các văn phòng hiện tại vẫn hiệu quả và phù hợp hơn. Mô hình mà chúng ta thấy là phù hợp thì có nên tìm cách để xóa bỏ hay không? Đặt câu hỏi này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng chỉ rõ, Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh tuy cùng tham mưu, giúp việc cho cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, nhưng nhiệm vụ của hai văn phòng này lại tương đối tách bạch, đặc biệt là đối với nhiệm vụ tham mưu. Văn phòng Đoàn ĐBQH có nhiệm vụ hết sức đặc biệt là tham mưu, hỗ trợ ĐBQH trong công tác xây dựng luật, đóng góp ý kiến về các dự án luật. Điều này đòi hỏi mức độ tham mưu, giúp việc đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH ở tầm vĩ mô hơn, trong khi Văn phòng HĐND chỉ tham mưu, giúp việc cho HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi của địa phương. Nếu nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh thì bộ phận tham mưu giúp việc cho Đoàn ĐBQH sẽ được điều chỉnh bởi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là khập khiễng và có thể làm mất động lực của cán bộ thuộc bộ phận tham mưu, hỗ trợ hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH. 

Đề xuất hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh của Chính phủ thực ra là quay trở lại mô hình từng được thực hiện trước đây. Chúng ta đã thực hiện và đã nhận diện những bất cập của mô hình này, nên đến nhiệm kỳ Khóa XIII, Quốc hội mới quyết định phải tách Văn phòng Đoàn ĐBQH ra độc lập để bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, tính liên thông trong hoạt động tham mưu, phục vụ ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Từ thực tế hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND TP Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cũng thừa nhận, “việc sáp nhập hai văn phòng này nói phù hợp cũng chưa hẳn là phù hợp. Để có một Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng như các cơ quan dân cử ở địa phương hoạt động chất lượng và chuyên nghiệp, thì luôn đòi hỏi phải có một cơ quan giúp việc chuyên nghiệp và riêng biệt. Điều đó là tốt nhất”. 

Lý lẽ cho sự cần thiết phải xác định rõ “danh phận”, tính “chính danh” của Văn phòng Đoàn ĐBQH được các ĐBQH đưa ra khá nhiều và thuyết phục. Nhưng liệu có kịp quy định được ngay trong dự luật lần này hay không lại không đơn giản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau phiên họp ngày 1.6 vừa qua đã giao Chính phủ "tổng kết, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định". Nhưng với những thông tin ít ỏi, những đánh giá tổng kết còn sơ sài, giản đơn như đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì e rằng, Chính phủ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ này trước khi dự luật được trình Quốc hội thông qua. 

Lý tưởng nhất là có thể quy định được mô hình, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH ngay trong dự luật được thông qua tại kỳ họp này. Trong trường hợp không kịp thì có lẽ vẫn nên có một quy định thể hiện quan điểm chung sẽ thực hiện theo quy định hiện hành đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH. Theo đó, sẽ giữ mô hình 3 văn phòng độc lập và đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức, bộ máy, phương thức hoạt động của các văn phòng. Quy định như vậy sẽ vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn vừa bảo đảm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả tham mưu, phục vụ theo đúng yêu cầu của Trung ương.

Nguyễn Bình