Ma trận thuê xe tự lái ở châu Âu

- Chủ Nhật, 13/10/2019, 08:29 - Chia sẻ
30 phút sau khi trả xe về bãi của Europcar ở sân bay Frankfurt (Đức), tôi nhận được biên bản kiểm tra xe gửi qua email, có hình ảnh 5 phương 8 hướng, xem ra rất chuyên nghiệp...

“Đừng thấy đỏ mà tưởng chín”!

Đọc các chi tiết mô tả (tiếng Đức, dĩ nhiên qua phiên dịch của “anh Gúc”), choáng váng luôn: Nào thì là ăng ten nóc biến mất, vết lõm cản sau, xước rất nhiều vành nọ vành kia... Lẽ dĩ nhiên tôi đã mua bảo hiểm toàn phần cho mọi tình huống, kể cả mất xe, nên thực ra chẳng thèm quan tâm, chỉ kinh ngạc sao mình có thể... phá xe đến thế (!).

Và đấy chính là vấn đề. Khi làm thủ tục nhận xe tại quầy, tôi được giao chìa khoá cùng chỉ dẫn tới bãi xe, ô số bao nhiêu, số xe bao nhiêu, lên xe là đi, không có nhân viên của hãng tới cùng kiểm tra ký giao nhận gì cả. Nghĩa là những lỗi nói trên, có từ trước khi nhận xe hay không, chỉ có trời và chủ xe mới biết. Lúc chủ xe hậu kiểm, cũng không có mặt người thuê. Chưa nói, xe đi thuê không phải là xe vừa lăn bánh, liên tục qua tay hết khách này tới khách khác.

Theo tôi tìm hiểu thì đây chính là “bài” của các hãng thuê xe doạ và ép khách hàng phải mua những gói bảo hiểm cao ngoài gói căn bản. Khoản này không hề hiện lên khi bạn đặt thuê xe online, kể cả từ chính hãng, mà sẽ được nhân viên chào bán khi bạn tới nhận xe. Mức phí tuỳ theo giá trị xe và nhân với số ngày thuê. Kinh nghiệm tôi thuê xe trong 5 chuyến tự lái châu Âu thì phí bảo hiểm tương đương tiền thuê xe. Nếu bạn chỉ mua gói căn bản, thì khi trả xe, sẽ bị soi kiểu này, và tài khoản của bạn sẽ bị trừ thẳng thừng - như chiếc xe “còi” Opel Costa, mức phạt cao nhất gần 500 Euro.

Bảo hiểm là bắt buộc trong trường hợp này, nhưng cũng như mọi dịch vụ bảo hiểm khác, khách hàng luôn là “thượng đế cầm lưỡi dao”. Biết mà đành chịu, trừ phi bỏ thật nhiều thời gian nghiên cứu thật kỹ luật, nhất là luật khiếu nại của “nhà người ta” thì mới hòng đấu lại. Còn nếu không, nhất là chỉ đủ thời gian thảy chìa khoá xe vào hộp, kéo vali lên máy bay, thì tốt nhất nên mua bảo hiểm toàn phần từ đầu, để đỡ lo lắng. Đường xa vạn dặm, không ai biết chuyện gì có thể xảy ra, có thể chỉ bé như viên đá dăm bắn lên từ cao tốc, có thể làm nứt kính lái. Thêm nữa, nên đặt thuê xe chính hãng để có chuyện gì còn “túm được thằng có tóc”. Một số trang thuê xe qua đại lý chào giá vô cùng hấp dẫn, rẻ có khi chỉ bằng nửa chính hãng. Nhưng hãy vô cùng cẩn trọng vì cuối cùng bạn phải ký hợp đồng và nhận xe từ hãng, sẽ có những khoản phí khác được đưa ra choáng váng. Và bạn thì chả biết tìm cái đại lý đó ở đâu.

Ở Đức, cao tốc Autobahn được khoe là đạp xe mát ga không giới hạn tốc độ, không thu phí. Thực tế, hôm rồi, tôi đi từ Berlin đi Frankfurt chẳng khác gì cao tốc Long Thành- Dầu Giây ở ta vào mỗi dịp cuối tuần. Khởi hành, Navi báo 18:04 tới nhà, thực tế lăn bánh xe vào sân khi đồng hồ chỉ 23:19.

Mọi xe ở Đức lưu hành đều đóng các khoản phí đường nguyên năm, tính theo dòng xe đời xe, dung tích, phổ biến ở mức trên dưới 400 Euro/năm, cỡ gần 1 triệu/tháng. Còn đi cao tốc hay đường làng, thậm chí mấy tháng không đi cũng mặc! Thu hết rồi thì cho khách láng giềng thỉnh thoảng qua đi ghé miễn phí, lại được tiếng hào sảng. Giá thuê xe ở Đức (có lẽ vì thế mà) đắt hơn Pháp, Ý, Tây Ban Nha.

Thiết tưởng, Việt Nam ta sắp xây cao tốc Bắc Nam. Học Đức thì đổ đồng thu tất tật tiền đường vào xe đóng hàng năm, rồi bảo miễn phí cao tốc, thế là vừa được tiếng “chơi ngon”, vừa đỡ mất công xây trạm thu phí, đỡ tắc nghẽn...

Để “nắm đằng chuôi”

Sau các trải nghiệm chu du châu Âu bằng: Xe người nhà/bạn bè, phương tiện giao thông công cộng, ô tô tự lái... thì rõ ràng, xe tự lái vẫn là trải nghiệm tự do nhất, trọn vẹn nhất và cũng khá kinh tế. Sẽ thật hoàn hảo nếu bạn không bị mắc lưới trong ma trận của các hãng cho thuê xe. 

Mấy người bạn của tôi vừa bị “chém đẹp” vụ thuê ô tô tự lái ở Frankfurt, từ báo giá online 751 euro nhảy lên gần 1.700 euro khi nhận xe, rồi bị bồi tiếp 350 euro cho một vết xước “mắt thường khó thấy” ở cản sau khi trả xe. Phải nói ngay, trải nghiệm tồi tệ này là một thực tế, một vấn đề lớn với nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới, tới mức chủ đề chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá dịch vụ của các hãng cho thuê xe châu Âu khá nóng trên nhiều diễn đàn du lịch. Và những người bạn ít may mắn của tôi không hề “cô đơn” trong ma trận này. 

Vấn đề ở đây là, làm sao để thoát khỏi nó. Muốn vậy, trước hết bạn phải hiểu nó và quy trình vận hành của nó. Và dưới đây là những điểm chính (mang tính phổ quát, không kể những trường hợp nhỏ lẻ) rút ra từ kinh nghiệm đọc hiểu của dăm lần tự thuê xe một mình ở châu Âu (có đôi lần suýt lạc tay lái) và đặc biệt là sự trợ giúp của nhiều tay lái các nước nhiều kinh nghiệm (qua chia sẻ của họ trên blog cá nhân và các diễn đàn).

Qui trình thuê xe tự lái bao gồm: đặt xe online (1), hoàn tất hợp đồng tại quầy giao xe (2), nhận xe (3) và trả xe (4). Cụ thể như sau:

Bước 1: rất nhanh chóng và dễ dàng thông qua trang web của các hãng cho thuê xe (Hertz, Europcar, Avis, Budget, Dollar, Sixt... và các trang agency (rentcar, carrental...). Giá thuê hiện lên trên các trang này khá hấp dẫn, nhất là các agency, tuỳ loại xe, có khi chỉ dưới 10 euro/ngày. Nhanh chóng, dễ dàng, giá hấp dẫn - bước đầu tiên để thu hút bạn bao giờ cũng như thế. Nhưng chớ có vội vàng! Giá thuê xe theo ngày sẽ cộng thêm phí cho địa điểm và thuế VAT. Thuế này ở châu Âu rất cao. Pháp 19%, Đức 20%, Ý và Tây Ban Nha 21%, Đan Mạch 25%... Lưu ý là tất cả các phí phát sinh sau này đều phải nhân với VAT khủng. Khoản phí thứ hai được hiện lên trước khi bạn kết thúc bước 1 là các tiện ích tuỳ chọn như: lái phụ, ghế trẻ em, lốp mùa đông, navi, dịch vụ hỗ trợ... Và bạn cũng được chào khoản phí thứ ba, đây mới chính là ma trận: bảo hiểm. Tuỳ từng hãng sẽ đưa ra các khoản bảo hiểm khác nhau. Có hãng kê : Bảo hiểm kính lái, Bảo hiểm đèn xe, Bảo hiểm thân vỏ, Bảo hiểm tai nạn cho người... Hãng khác lại chia 3 hạng Basic, Medium, Super... Các trang agency thì đưa khoản bảo hiểm miễn trừ toàn bộ - khá phức tạp). Bạn có thể từ chối, để bảo toàn giá xe hấp dẫn ban đầu.

Bước 2: Hoàn tất hợp đồng tại quầy. Đây là bước quan trọng nhất. Lúc này, nhân viên hãng sẽ đưa cho bạn gợi ý một số gói bảo hiểm khác, trong đó quan trọng nhất là gói bảo hiểm miễn trừ toàn bộ sự cố xảy ra. Như đã từng chia sẻ, nếu mua gói này thì sau đó an tâm mà đi, bất kể xây xát, đâm đụng gì. Song khoản này khá cao, nó có thể nhân đôi con số ban đầu. Bạn có thể từ chối. Nhưng chuyện gì sẽ tới ở bước 3 và 4?

Bước 3 và 4: Nếu đã mua cái bảo hiểm toàn phần kia rồi thì nhận xe và trả xe (bước 4) đều nhanh trong 7 nốt nhạc. Dĩ nhiên, cũng nên cẩn thận dòm ngó cái xe trước khi nhận, chụp lại đồng hồ cây số (trong trường hợp thuê có giới hạn kilômét, dư cây nào tính tiền cây đó, khá đắt) và cả đồng hồ báo xăng vì bạn sẽ phải đổ đầy xăng như khi nhận vào lúc trả, nếu không sẽ bị phạt tới 150 euro.

Nếu không mua bảo hiểm toàn phần, sẽ phải cùng nhân viên hãng kiểm tra rất kỹ mọi chi tiết, ngóc ngách trước khi nhận xe và khi giao trả. Và gần như cầm chắc rằng bạn sẽ bị “bắt đền” như nhóm bạn tôi đã bị, vài trăm euro cho một vài vết xước nhỏ. Chưa kể, sẽ mất rất nhiều thời gian và cảm hứng cho chuyện này. Trang Which.co.uk đã công bố một khảo sát của họ cho thấy các hãng cho thuê xe đã “tố” lên 300% cho các hư hỏng không bao giờ được sửa chữa.

Dù vậy, đi qua ma trận này, tôi và cả những người bạn vừa bị sốc với ma trận nói trên, vẫn phải thừa nhận rằng thuê xe tự lái khám phá châu Âu là một trải nghiệm thật tuyệt vời...

Bút ký của Phạm Thị Thu Thủy