Vụ tấn công tàu chở dầu ở vịnh Oman

“Màn kịch chính trị” quen thuộc?

- Thứ Ba, 18/06/2019, 08:05 - Chia sẻ
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ “đang cân nhắc nhiều khả năng hành động” trước căng thẳng với Iran, không loại trừ lựa chọn quân sự. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ chính thức lên tiếng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu ở vịnh Oman hôm 13.6. Những cáo buộc cũng như lựa chọn chóng vánh của Mỹ khiến dư luận hoài nghi: Iran có thực sự là thủ phạm hay đây chỉ là màn kịch chính trị quen thuộc?

Cáo buộc và bằng chứng

Trong một cuộc họp báo mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công khai cáo buộc Iran là tác giả vụ tấn công hai tàu chở dầu Kokuka Sangyo của Nhật và Front Altair của Na Uy sáng 13.6. “Đánh giá của chúng tôi dựa trên thông tin tình báo và thực tế là không có lực lượng ủy thác nào trong khu vực có đủ nguồn lực để thực hiện vụ tấn công với độ tinh vi cỡ này” - ông Pompeo nói, tuy không chỉ ra chi tiết về nguồn tin tình báo mà ông nói đến.


Phía Nhật khẳng định tàu của họ bị tấn công bởi vật thể bay chứ không phải ngư lôi như cáo buộc của Mỹ

Sau đó, ngày 16.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng khẳng định lại cáo buộc này một cách công khai. “Iran đã làm điều đó và chúng ta biết họ là thủ phạm”, ông Trump nói khi chỉ vào đoạn video, khẳng định là các thủy thủ Iran đang gỡ một quả thủy lôi chưa nổ ra khỏi tàu chở dầu Kokuka Sangyo của Nhật, trước khi nói thêm rằng trên quả thủy lôi này “có đầy chữ Iran”.

Bằng chứng mà ông Trump nói đến là một video đen trắng khá mờ do quân đội Mỹ công bố, quay cảnh một tàu quân sự nhỏ bên cạnh tàu chở dầu và ai đó đứng lên trên mũi tàu để đưa một vật thể ra khỏi thân tàu chở dầu. Tàu nhỏ sau đó di chuyển xa khỏi tàu chở dầu. Các quan chức Mỹ nói tàu nhỏ là một tàu tuần tra của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran tiếp cận tàu chở dầu sau khi nó bị tấn công, và vật thể bị loại bỏ là một loại thủy lôi buộc vào đáy tàu chưa nổ.

Tuy nhiên, chính ông Yutaka Katada, Chủ tịch Kokuka Sangyo (chủ sở hữu con tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman) đã bác bỏ những mô tả của Mỹ về vụ tấn công. Ông cho biết, các thủy thủ đoàn trên tàu của Nhật Bản đã nhìn thấy một vật thể bay ngay trước khi vụ tấn công xảy ra. “Tôi không nghĩ là có một quả bom hẹn giờ hay vật thể nào đó được gắn bên mạn tàu. Một quả ngư lôi sẽ không làm hỏng con tàu ở trên mặt nước biển. Chúng tôi không chắc chắn cái gì đã đánh trúng, nhưng đó là vật thể đang bay lại gần con tàu”, ông Yutaka Katada nói với truyền thông Nhật Bản. Các chuyên gia cũng nhận định vết nổ của thủy lôi sẽ rất khác so với vết nổ ghi nhận trên thân tàu.

Các chuyên gia quốc tế cũng đặt nghi ngờ trước những cáo buộc chóng vánh của Mỹ, nhất là trong bối cảnh Mỹ đã có “lịch sử” ngụy tạo chứng cớ để kiếm cớ hành động. Medea Benjamin - đồng sáng lập tổ chức chống chiến tranh CodePink - cho rằng, cuộc họp báo của ông Pompeo mới đây đã gợi lại một ký ức cũ. Đó là bài phát biểu “khét tiếng” của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Liên Hợp Quốc năm 2003, từ đó dọn đường cho chính quyền Tổng thống Bush bắt đầu cuộc chiến ở Iraq. “Mỹ không đưa ra được bằng chứng, hoặc một bằng chứng không thuyết phục, nhưng lại khăng khăng cho rằng Iran đứng sau các vụ tấn công tàu trên vịnh Oman” - ông Benjamin nói. “Đó là những lời nói dối và bằng chứng ngụy tạo để thực hiện một cuộc chiến”.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng có những ám chỉ về việc Washington đang cố tình “gắp lửa bỏ tay người” khi đề cập tới trường hợp tương tự trước đó “trong Thế chiến thứ hai, khi người Mỹ tự nhắm vào các tàu của mình gần Nhật Bản để thiết lập cái cớ cho sự thù hằn”. “Từ một nước đứng ngoài trong thời kỳ đầu Thế chiến thứ hai, sau khi Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân châu cảng tại Hawaii sáng 7.12.1941, Mỹ đã bắt đầu tham chiến”. Theo ông Larijani, mục đích của Mỹ chính là gia tăng áp lực lên Tehran. “Những hành động đáng nghi ngờ chống lại các tàu chở dầu dường như bổ sung cho các lệnh trừng phạt kinh tế dành cho Iran trong bối cảnh Mỹ chưa đạt được bất kỳ kết quả nào từ chúng”, ông Larijani phát biểu trước các nghị sĩ nước này.

Lựa chọn hành động

Ngay tiếp sau những cáo buộc, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ “đang cân nhắc nhiều khả năng” hành động trước căng thẳng với Iran, không loại trừ can thiệp quân sự. “Chúng tôi tin rằng sẽ có một loạt biện pháp đáp trả để khôi phục sự răn đe vốn là mục tiêu chiến lược”, ông Pompeo tuyên bố trên CBS News.
Cùng với đó, Mỹ cũng tuyên bố, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mason sẽ được triển khai bên cạnh tàu khu trục USS Bainbridge gần khu vực tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman.

Tháng trước, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Gonzalez (DDG-66) và USS McFaul (DDG-74) của Mỹ đã di chuyển đến eo biển Hormuz gần Iran để tiến vào vùng Vịnh. Ngoài ra, Mỹ cũng đã điều nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln (CVN-72) tới neo đậu sẵn sàng chiến đấu ở ngoài khơi bờ biển Oman, viện dẫn lý do có thông tin tình báo cho thấy có khả năng xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Tuy tàu sân bay Mỹ vẫn chưa tiến vào vịnh Ba Tư, nhưng với những cáo buộc đanh thép của Mỹ về việc Iran đứng sau vụ tấn công ở vịnh Oman cũng như tuyên bố về lựa chọn đáp trả của mình, Mỹ có một cái cớ khá hợp lý để đưa tàu sân bay tới vịnh Ba Tư để bảo vệ các tàu chở dầu trước hành động gây hấn của Iran. Và nếu vậy, một lần nữa, màn kịch chính trị mà các chuyên gia lo ngại có thể trở thành sự thật. Một kịch bản Iraq thứ hai có thể sẽ lặp lại nếu các bên không biết làm dịu những cái đầu nóng.

Ông Rainwater thuộc tổ chức Peace Action cho rằng: “Vào thời điểm khi mà thế giới đang rất cần những cái đầu lạnh để giảm căng thẳng ở vùng Vịnh, thì Ngoại trưởng Mỹ - một vị trí mà chúng ta đã bầu ra để thúc đẩy ngoại giao và giúp thoát khỏi bờ vực chiến tranh, lại đang cố thổi bùng lên ngọn lửa”.

Quốc Đạt