“Mặt sau của tấm huy chương”

- Thứ Hai, 28/10/2019, 07:57 - Chia sẻ
Trong tuần này, QH sẽ dành hai ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Các ĐBQH chắc chắn sẽ có những quan tâm khác nhau, đưa ra đánh giá về nhiều lĩnh vực, ngành nghề hay hiện tượng đang nổi lên. Một trong những vấn đề sẽ được đại biểu quan tâm thảo luận chính là thẳng thắn nhìn vào “mặt sau của tấm huy chương”, làm rõ những hạn chế, tồn tại để qua đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Những kết quả có ý nghĩa lớn

Nhìn vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 sẽ thấy ngay nhiều tín hiệu vui, khi nền kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp hoàn thành tất cả các chỉ tiêu do QH đề ra, thậm chí có tới 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Những số liệu như tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3%, bội chi ngân sách khoảng 3,4% GDP… nếu đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, những khó khăn nội tại của nền kinh tế nước ta, tình hình dịch bệnh, thiên tai sẽ càng thấy có ý nghĩa rất lớn.

Tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao sẽ giúp đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân, đầu tư, phát triển trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Việc giữ lạm phát dưới 3% trong bối cảnh tăng giá nhiều dịch vụ công cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Bởi giá các loại hàng hóa, dịch vụ được “neo giữ” có vai trò quan trọng giúp ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời, việc bội chi ngân sách ở mức 3,4% GDP không chỉ cho thấy kỷ luật tài chính được tăng cường mà còn cho thấy nỗ lực phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu của Chính phủ.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết thực sự vui mừng khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta tăng mạnh và vị thế trên trường quốc tế được nâng lên. Nhiều ĐBQH cũng chia sẻ niềm vui trước kết quả này bởi theo ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh), năng lực cạnh tranh quốc tế từng là một hạn chế của nước ta trong thời gian trước. Tuy nhiên, xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của nước ta năm 2019 ở vị trí 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất trong các quốc gia.

Củng cố niềm tin của người dân

Dù vậy, mỗi tấm huy chương đều có hai mặt, không nên mải mê nhìn vào các kết quả đạt được mà xem nhẹ mặt sau của nó - là những vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn đang còn đó. Đặc biệt, cần phân tích kỹ động lực và chất lượng của tăng trưởng đạt được, khi thực hiện trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh xảy ra, giải ngân đầu tư công chậm, nên nhiều nguồn lực phát triển chậm được đưa vào sử dụng. Ba khoản thu có ý nghĩa quan trọng từ phát triển kinh tế là thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán (3 khu vực có mức giảm tương ứng là 5,9%, 4,1%, 1,9% so với dự toán). Đưa ra những số liệu này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, Chính phủ cần giải trình về động lực tăng trưởng để củng cố niềm tin của người dân.

Đến những tháng giữa năm 2019, việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2019 đã có những lo ngại nhất định do những biến động kinh tế thế giới, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, việc giảm tốc của một số lĩnh vực quan trọng... Do vậy, việc hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019 là một nỗ lực cần ghi nhận của các cấp, các ngành. Nhưng rõ ràng, việc tăng thu so với dự toán chủ yếu là do tăng các khoản thu không có tính bền vững như thu cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước (tăng 40,8%), thu tiền sử dụng đất (tăng 29,9%), thu xổ số kiến thiết (tăng 6,2%)... Nếu loại trừ các khoản thu từ đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, số thu ngân sách Nhà nước thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp.

Nhìn vào số liệu thu ngân sách nhà nước năm 2019, ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) lưu ý, khi doanh thu, lợi tức của cả ba khu vực doanh nghiệp Nhà nước, FDI và tư nhân đều giảm tức là cộng đồng doanh nghiệp trong nước thời gian qua về bản chất còn khó khăn. Theo ĐB Nguyễn Quốc Bình, cần quan tâm đến việc thu ngân sách nhà nước năm 2019 vẫn dựa vào những yếu tố chưa bền vững. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhưng doanh thu và lợi tức của cả ba khu vực doanh nghiệp đều thấp. Mỗi quốc gia có thu ngân sách dựa vào khu vực doanh nghiệp mới phát triển được. Cần có giải pháp để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ngoài ra, những kết quả đạt được trong thời gian qua một phần do có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thể hiện những nỗ lực và quyết tâm trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Nhưng việc giải ngân đầu tư công chậm, như nhận định của một số ĐBQH, bên cạnh vướng mắc từ hệ thống pháp luật, không thể không kể đến sự thiếu quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của nhiều đơn vị, tổ chức, cũng như người đứng đầu đơn vị. Hay như, việc phải trình QH xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước có nguyên nhân từ chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Những ví dụ nêu trên cho thấy, cần phân tích, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan, để rút kinh nghiệm cho các năm sau.

Lê Bình