Bạn đọc viết:

Minh bạch thông tin

- Thứ Ba, 14/07/2020, 08:41 - Chia sẻ
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản Việt Nam, trong 5 tháng 2020, Việt Nam đã xuất khẩu 893,4 nghìn mét khối gỗ dán ứng với 286,87 triệu USD, tăng 14% về lượng so với cùng kỳ 2019; cũng trong thời gian này Việt Nam đã nhập trên 163,6 nghìn nghìn mét với 64,6 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối diện với các vụ kiện phá giá mặt hàng này.

Ngày 9.6.2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam. Quyết định này dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại công bằng về gỗ dán cứng Hoa Kỳ (Coalition for Fair Trade in Hardwood Plywood). Theo đó, cáo buộc cho rằng, số công ty xuất gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế (anti-circumvention) trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Hoa Kỳ.

Cụ thể, một số công ty nhập khẩu gỗ dán có nguồn quốc từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau giai đoạn gia công, sơ chế, lắp ghép tại đây, và mặc dù chưa đáp ứng được điều kiện xuất xứ và nhãn mác của Việt Nam, các công ty này xin chứng nhận xuất xứ (COC) từ các cơ quan chức năng của Việt Nam để xuất khẩu các sản phẩm này dưới nhãn mác của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Quá trình điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ diễn ra trong vòng 300 ngày, bắt đầu kể từ ngày khởi xướng điều tra. Trong thời gian điều tra, Hoa Kỳ có thể đưa ra các mức thuế tạm thời áp dụng đối với mặt hàng này mà Việt Nam xuất vào thị trường Hoa Kỳ. 

Điều đáng nói, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất đang điều tra về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam. Trước đó, ngày 3.12.2019 Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Quyết định điều tra được đưa ra dựa trên cáo buộc 6 công ty từ Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này vào Hàn Quốc đã vi phạm quy định về chống bán phá giá.  Ngày 24.4.2020, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc công bố kết quả điều tra sơ bộ, theo đó mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ ở mức 9,18 - 10,56% (tuy nhiên 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn); mức thuế tạm thời được áp dụng từ 29.5 đến 28.9.2020.

Các thông tin trên cho thấy xu hướng rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng các rủi ro này. Trong tương lai, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro, không chỉ đối với mặt hàng gỗ dán mà có thể đối một số mặt hàng khác, ở các thị trường xuất khẩu khác.

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ đã đưa một số cơ chế, chính sách quan trọng. Cụ thể, Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4.7.2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý các mặt hàng tiềm ẩn rủi ro, bao gồm mặt hàng gỗ dán được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xem xét các dự án đầu tư mới vào ngành.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã có nhiều khuyến nghị đến doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Mỹ; chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu; đồng thời, có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng phó với các cuộc điều tra “chống lẩn tránh” đang ngày càng gia tăng hiện nay. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các bộ, ngành liên quan cần đánh giá chi tiết về thực trạng trong khâu cung cấp gỗ nguyên liệu từ đó thực hiện đánh giá các chính sách có liên quan. Điều này sẽ giúp cho việc điều chỉnh các cơ chế chính sách sát với thực tế hơn, tạo thuận lợi cho các bên tham gia trong khâu đầu của chuỗi cung. Từ đó minh bạch thông tin cho chuỗi cung nội địa, sản phẩm nội địa; tránh các doanh nghiệp gian lận thương mại, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp chân chính.

Đình Khoa