Minh bạch thông tin trong quá trình đầu tư

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 09:41 - Chia sẻ
Thiết lập khung khổ pháp lý PPP rõ ràng, minh bạch giúp truyền đạt cam kết của chính phủ đối với các dự án PPP. Bên cạnh đó, việc khung pháp lý xác định rõ cách thức dự án được thực hiện như thế nào giúp bảo đảm quản lý tốt chương trình PPP. Một trong các yêu cầu đặt ra với khung pháp lý về PPP đó là nâng cao tính hiệu quả, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và công bằng trong quá trình tham gia vào các hợp đồng PPP.

Thúc đẩy quản trị tốt trong PPP

Một trong những mục tiêu của việc thiết lập khung pháp lý PPP lành mạnh là bảo đảm những nguyên tắc quản trị tốt được thực hiện trong việc thực hiện các dự án PPP. Hướng dẫn Thúc đẩy quản trị tốt trong PPP của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên Hợp Quốc (UNECE) định nghĩa, quản trị tốt gồm sáu nguyên tắc: Hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tránh lãng phí, trì trệ, tham nhũng, hay các gánh nặng do chậm trễ lên các thế hệ tương lai; trách nhiệm giải trình của các nhà chính trị đối với các dự án được đầu tư theo hình thức PPP;  tính minh bạch, rõ ràng và cởi mở trong việc đưa ra quyết định; tính trung thực trong thực hiện các quy tắc; tính công bằng dành cho tất cả các thành viên trong xã hội và sự tham gia của tất các bên liên quan.

Hầu hết các báo cáo thống kê và tiêu chuẩn thống kê đều chung quan điểm rằng, ngay cả khi các cam kết PPP không được công nhận là nợ phải trả, chúng phải được công bố trong các ghi chú cho các tài khoản và báo cáo. Ví dụ, cuốn sách của IMF về đầu tư công và PPP mô tả những thông tin cần được công khai cho các dự án PPP nói chung và các yêu cầu công bố cụ thể về bảo đảm. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về công khai thông tin dự án và hợp đồng trong các dự án PPP đánh giá các thực tiễn trong nhiều lĩnh vực và đưa ra các thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực này. Công khai các nghĩa vụ dự phòng có thể là thách thức đặc biệt, bởi có thể khó ước tính giá trị của chúng.

Một trong những nền tảng của các cơ chế giải trình trách nhiệm là công khai kịp thời và toàn diện thông tin về chương trình PPP. Các đơn vị và nhóm bên ngoài đơn vị thực hiện với vai trò bảo đảm quản lý tốt chương trình PPP có thể bao gồm: các cơ quan kiểm toán tối cao, gồm nhiều cơ quan có thẩm quyền có các đơn vị kiểm toán độc lập, có thể đóng vai trò bảo đảm quản lý tốt các chương trình PPP. Các đơn vị này có thể xem xét các cam kết PPP như là một phần của trách nhiệm kiểm toán thường xuyên. Ví dụ như trong việc kiểm toán các báo cáo tài chính của chính phủ. Các cơ quan này cũng có thể xem xét lại các hoạt động của dự án PPP hoặc điều tra những điểm đáng quan tâm hoặc xem lại hiệu quả đầu tư của toàn bộ chương trình. Những đánh giá này lần lượt cho phép cơ quan lập pháp và công chúng kiểm tra hiệu quả của chương trình PPP.

Cơ quan lập pháp cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm quản trị tốt các chương trình PPP, cùng với Chính phủ hoạch định khung khổ pháp lý, chính sách về PPP. Trong một số trường hợp, cơ quan lập pháp có thể trực tiếp tham gia vào quá trình PPP, phê duyệt các dự án PPP. Thông thường, cơ quan lập pháp thực hiện thẩm tra trước và giám sát các báo cáo của chính phủ.

Bên cạnh đó, công chúng cũng đóng vai trò tích cực trong quản lý các chương trình PPP, bằng cách tham gia trực tiếp vào thiết kế dự án PPP, thông qua quy trình tham vấn và theo dõi chất lượng dịch vụ bằng cách cung cấp các kênh phản hồi.

Nâng cao trách nhiệm giải trình

Tạo cơ chế để thông qua đó cơ quan lập pháp, cơ quan kiểm toán và công chúng có thể tham gia vào quá trình PPP là cách để tăng cường trách nhiệm giải trình, giúp chương trình PPP minh bạch và hiệu quả hơn. Một ví dụ về cơ chế phản hồi tích cực bao gồm cả ba cơ quan giám sát là các báo cáo kiểm toán các chương trình, dự án PPP được đưa ra tại các phiên điều trần của Quốc hội Anh. Các bản ghi chép này đều có sẵn để cung cấp cho công chúng trên website của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh.

Nhiều quốc gia công khai thông tin về các dự án và chương trình PPP. Nhiều chính phủ cũng chủ động công khai các dự án PPP hoặc thông tin theo hợp đồng, mà không cần phải được yêu cầu cụ thể của công chúng, để mọi người có thể tiếp cận một cách tự do. Việc công khai chủ động này có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như bằng cách tạo cơ sở dữ liệu dự án trực tuyến với các thông tin hợp đồng chính hoặc thiết lập thư viện trực tuyến về các hợp đồng PPP, thường kèm theo tóm tắt dự án. Việc công khai thông tin dự án và chương trình thường là trách nhiệm của một đơn vị PPP, ví dụ như đơn vị PPP của Chile nằm trong Bộ Công trình công cộng, có trách nhiệm cung cấp thông tin về hợp đồng, các biến thể của hợp đồng và báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng.

Nhiều quốc gia bắt đầu công khai chủ động các hợp đồng dự án PPP theo luật minh bạch, luật về quyền tự do thông tin hoặc luật PPP. Các thông lệ công bố thông tin không thống nhất giữa các quốc gia, về việc liệu khi nào và những thông tin nào được công khai. Ví dụ, Chile và Peru công khai hợp đồng đầy đủ, cũng như Minas Gerais ở Brazil. Trong khi đó, Anh đồng bộ hóa các hợp đồng PPP trước khi cung cấp cho công chúng để bảo vệ thông tin nhạy cảm về thương mại. Các quốc gia khác như Nam Phi cung cấp công khai có tính phản ứng, nghĩa là chỉ cung cấp thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể của một thành viên trong cộng đồng. Thủ tục đưa ra yêu cầu được nêu trong luật pháp hoặc các quy tắc được quy định theo luật pháp.

Nhật An