Tản mạn

Mơ giấc Vu Lan

- Chủ Nhật, 18/08/2019, 08:30 - Chia sẻ
Bà làm nghề đỡ đẻ, nhà quê gọi bà “bà đỡ”. Mỗi lần bà về, họ đón tiếp, trọng thị bà như một người thân, như một ân nhân. Những ngày bà về, trong họ hàng như có hội...

Rất ít khi mơ thấy người đã khuất, có thì cũng là cảnh như trong đời sống thật, chưa bao giờ thấy hình ảnh kiểu ma mị, hay cảnh ông bà cha mẹ về kêu ca phàn nàn hay báo mộng điều gì. 

Chẳng hạn như hôm kia.

Chiều làm cơm cúng gia tiên, tứ thân phụ mẫu. Làm vài chén, rồi ngủ quên ở sofa. Rồi bất chợt thấy mẹ. Đi đâu về đến cửa, thấy mẹ đứng chờ, mặt tươi cười rạng rỡ, trìu mến yêu thương. 

Chạy ào tới, áp má vào má mẹ.

Nhưng còn một hình ảnh cực kỳ thú vị, là mẹ không chỉ đứng một mình, mà đi cùng hai bà nhà quê, đều mặc áo đỏ và tay xách 2 bu gà.

Tại sao lại là bu gà?

À, vì ngày xưa trong cuộc đời thật, đã nhiều lần từng diễn ra cảnh đó.

Bà làm nghề đỡ đẻ, nhà quê gọi bà “bà đỡ”. Mỗi lần bà về, họ đón tiếp, trọng thị bà như một người thân, như một ân nhân. Những ngày bà về, trong họ hàng như có hội. Tranh nhau mời cơm, lịch đi ăn kín từng buổi. Không nhận lời nhà ai là bị giận. Hồi nhỏ sơ tán về quê, ngày thường cơm rau dưa đạm bạc, những lúc mẹ về như được lên chỗ tiên. Quà Hà Nội thường là mấy cân mỳ sợi, vài cái bánh mỳ mậu dịch hay chai magi đã pha từ 1 lít thành lít rưỡi, rưới vào cơm gạo quê mới vẫn ngon, có cảm giác hơn mọi thứ cao lương mỹ vị bây giờ. Quà quê ra khi vài cân gạo nếp, gạo tẻ mới gặt. Hay con gà, thúng khoai, nải chuối.

Nhà tôi hay có khách quê ra, ra chơi có, khám bệnh có và đi đẻ có. Bất cứ có họ gần hay xa, thậm chí chỉ là người làng, bà tiếp như với người ruột thịt. Lạ là bà đỡ tính rất sạch, kỹ nhưng không hiểu sao bà không thấy sợ người nhà quê, những người ra đến nơi mang theo cái mùi nồng nặc mồ hôi và đồng ruộng. Nhiều người ngủ lại, bà cho nằm chung, cho leo lên cái giường nệm trải drap trắng muốt. Thời gian khó, mùa đông thì lạnh, mùa hè khan nước, họ đâu tắm rửa gì, bà vẫn cho leo lên giường chỉ nhắc “con này mày rửa chân chưa đấy”!

Tôi phục!

Bu gà trong giấc mơ đêm kia, tôi đã gặp trong cuộc đời từ 52 năm trước. 

Một lần, có bà bụng bắt đầu như có chửa ra Hà Nội đến nhà tôi, tưởng ra nhờ bà khám thai, hóa ra không phải. Chị ấy chửa hoang, mà ở quê thời ấy là tội tày đình, giai làng đi lính cả, đàn ông ở lại toàn luống tuổi, hay có tật, hoặc thương binh giải ngũ. Để thì lấy gì nuôi con, rồi cái tiếng “chửa hoang” nhục còn nhục hơn cái đói. Chị nhờ bà đưa đến nhà hộ sinh giải quyết. Xong xuôi rồi yên ổn về quê.

Kể theo thuyết tôn giáo như thế là “phải tội”, nhưng nếu không, trong hoàn cảnh đấy, đẩy một người đàn bà vào cảnh nhục và đói có nhẽ cũng “phải tội” như nhau chăng?

Rồi một hôm người đàn bà ấy trở ra, mặt mũi hồng hào khỏe mạnh, tay xách bu gà vào nhà. Số phận chị ấy rồi ra sao không rõ, hạnh phúc hay bất hạnh, nhưng hình ảnh người đàn bà nhà quê với bu gà năm xưa suốt mấy chục năm vẫn hằn sâu nhớ.

Đêm kia mơ hay là thế chăng?

Nhưng thích nhất là chiều cúng Vu Lan, đêm gặp mẹ trong một giấc mơ vui, còn gì bằng!

Tạ Mỹ Dương