Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế

Mở rộng chủ thể được ký kết đến đâu?

- Thứ Ba, 14/07/2020, 07:51 - Chia sẻ
Đây là vấn đề được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận chiều qua. Bởi lẽ, mở rộng chủ thể được ký kết là phù hợp với chủ trương, nhu cầu và thực tiễn hợp tác quốc tế hiện nay, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Có nên "khoanh lại" ở khu vực biên giới?

Báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết, về bên ký kết Việt Nam, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã, thì chỉ nên "khoanh lại" đối với các huyện, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết.

Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thống nhất dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Việc ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, đặc biệt ở các huyện, xã khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong tình hình mới, dự thảo Luật quy định chỉ áp dụng đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới. Đồng thời, nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực, chặt chẽ về mặt quốc phòng, an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi quyết định việc ký thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhất trí với hướng tiếp thu này và tiếp tục đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đối với UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới. Dẫn số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Ngoại giao từ năm 2007 đến tháng 6.2020, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, mặc dù trong điều kiện trước đây còn khó khăn nhưng hoạt động ký kết thỏa thuận quốc tế ở cấp huyện, xã vẫn diễn ra. Cụ thể, trong số 874 văn bản hợp tác quốc tế được ký kết ở cấp huyện, ngoài những văn bản ký với Trung Quốc, Lào và Campuchia, thì có 109 văn bản ký với Hàn Quốc, 78 văn bản ký với Hoa Kỳ, 28 văn bản ký với Nhật Bản, 21 văn bản ký với Đức. Ở cấp xã, có 101 văn bản hợp tác được ký, trong đó 10 văn bản ký với Hàn Quốc, 5 văn bản ký với Nhật Bản.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ băn khoăn, vì sao chỉ giới hạn mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đối với UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới, trong khi trình độ của cán bộ UBND cấp huyện, xã nói chung đã được nâng lên; công nghệ thông tin và điều kiện tiếp cận thông tin trong và ngoài nước cũng tốt hơn so với trước kia? 

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu thực tế, hiện nay có những thỏa thuận quốc tế kết nghĩa giữa các thành phố trực thuộc tỉnh của Việt Nam với các thành phố, đô thị của nước bạn. Những thỏa thuận, quan hệ kết nghĩa này đã phát huy tốt trong hỗ trợ phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các thành phố. Từ thực tế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, nên xem xét, đánh giá lại quy định về chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế tới UBND cấp huyện, xã, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ngoại giao nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế

Ảnh: Quang Khánh 

Với các xã dọc biên giới cũng cần cởi mở hơn

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa nhận, nếu chỉ áp dụng đối với UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới thì dự thảo Luật lại “bỏ sót” đối tượng là các thành phố trực thuộc tỉnh như thành phố Vinh (Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng), Hải Dương (Hải Dương)… vốn đang có nhiều thỏa thuận quốc tế hợp tác với các thành phố của nước khác. Vì vậy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị, bổ sung đối tượng UBND thành phố trực thuộc tỉnh vào quy định về bên ký kết của Việt Nam trong dự thảo Luật.

Ý kiến khác cho rằng, chỉ nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến lý giải, UBND cấp huyện có cơ quan tham mưu, giúp việc; trình độ cán bộ, sự am hiểu về luật pháp và tất cả lĩnh vực bảo đảm đủ năng lực để ký kết thỏa thuận quốc tế. Thời gian qua, không chỉ riêng khu vực biên giới mà các huyện trong nội địa vẫn có ký kết thỏa thuận quốc tế. Còn với cấp xã, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, chúng ta có chủ trương kết nghĩa xóm, thôn, bản với xóm, thôn, bản; đồn biên phòng với đồn biên phòng ở các tỉnh, huyện biên giới. Những thỏa thuận kết nghĩa này chỉ là thực hiện theo thỏa thuận ký kết giữa Bộ Tư lệnh Biên phòng hai bên cũng như của UBND tỉnh, huyện hai bên. Vì vậy, không nên quy định UBND cấp xã là cấp có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhìn vào bộ hồ sơ thỏa thuận quốc tế được ký kết của các UBND cấp huyện thì thấy rằng thủ tục, trình tự ký kết của cấp huyện rất chặt chẽ; những vấn đề cần xin ý kiến của Bộ Ngoại giao đều được cấp này xin ý kiến. “Trong khi đó, đến giờ này, xin một bộ hồ sơ của UBND cấp xã khó lắm, chưa được nơi nào cả”. Nêu thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị, cân nhắc thêm việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế với tất cả UBND cấp huyện, xã trên cả nước.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc cơ bản thống nhất với việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế tới cấp huyện. Riêng với cấp xã, nhất là các xã dọc biên giới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, có lẽ cũng cần cởi mở hơn, còn cấp xã ở các vùng khác không thuộc biên giới thì cần tính toán thêm. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần quy định rõ cấp huyện theo khái niệm chung của Nhà nước. Cụ thể là, theo phân cấp hành chính Việt Nam hiện nay thì cấp huyện bao gồm: Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhật An