Góp ý sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Mở rộng thẩm quyền, quy định rõ trách nhiệm

- Thứ Hai, 21/10/2019, 08:05 - Chia sẻ
Quy định của pháp luật trước hết cần phản ánh đúng nhu cầu của thực tiễn, tạo ra cơ chế để các chủ thể thực hiện thuận lợi, hiệu quả. Việc ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp là cần thiết để tạo sự linh hoạt, chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương; hạn chế việc phải tổ chức nhiều kỳ họp bất thường và bảo đảm tiết kiệm. Tuy nhiên, cần quy định rõ những việc nào Thường trực HĐND được phép, không được phép quyết định và sau khi quyết định thì chịu trách nhiệm như thế nào.

Chưa thực sự xứng tầm

Giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên của Thường trực HĐND. Thực hiện tốt công tác này sẽ giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương phát sinh giữa hai kỳ họp; tạo điều kiện thuận lợi và giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thông suốt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra tại địa phương.

Hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và văn bản hướng dẫn thực hiện không giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Trong khi đó, một số văn bản Luật và dưới Luật thường quy định rất cụ thể thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh. Việc quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND chưa được thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật nên rất khó cho việc áp dụng và thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là những nhiệm vụ cấp bách.

Một trong những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là tăng số lượng thành viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Thường trực HĐND được quy định là “cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND” (Khoản 3, Điều 6); đồng thời, các nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực đã được quy định tại Điều 104. Điều này đã thể hiện mong muốn của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là tăng cường vai trò của Thường trực HĐND, tương xứng với cơ cấu của cơ quan này.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của UBTVQH ngày 30.1.2019 quy định đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định. Với quy định này, Thường trực HĐND chỉ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chưa thể hiện rõ việc thực hiện “các quy định khác của pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND”.

Như vậy, nếu so sánh giữa quy định về vị trí pháp lý tại Khoản 3, Điều 6 và chức năng nhiệm vụ tại Điều 104 thì chưa thực sự xứng tầm. Nghĩa là, chức năng, nhiệm vụ chưa phản ánh hết vị trí, vai trò là cơ quan thường trực của HĐND; các nhiệm vụ của Thường trực HĐND chủ yếu là bảo đảm, duy trì để HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong khi đó, hầu hết các thành viên của Thường trực HĐND là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, là các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - những người có vai trò quyết định mọi vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương.


Việc ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp là cần thiết để tạo sự linh hoạt, chủ động và bảo đảm tiết kiệm

Quy định rõ công việc, trách nhiệm

Thực tiễn hoạt động cho thấy, trước đây, khi thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 191/UBTVQH14 ngày 19.10.2017 của UBTVQH về việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND thì rất thuận lợi. Thường trực HĐND tỉnh đã cùng UBND tỉnh thống nhất giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách phát sinh giữa 2 kỳ họp; sau đó, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất để HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết.

Hiện nay (kể từ khi Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của UBTVQH có hiệu lực) thì gần như tháng nào HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải tổ chức kỳ họp bất thường. Trình tự, thủ tục để tổ chức một kỳ họp bất thường không hề đơn giản, phải chuẩn bị từ khâu tài liệu (tờ trình, đề án; báo cáo thẩm tra; dự thảo nghị quyết), triệu tập tất cả đại biểu HĐND tỉnh (có đại biểu ở những huyện miền núi xa xôi), khách mời; chuẩn bị hội trường, âm thanh, ánh sáng... nói chung là như kỳ họp thường lệ. Dẫu thủ tục, trình tự phức tạp, chi phí cho 1 kỳ họp rất tốn kém và nhiều nội dung rất đơn giản nhưng bắt buộc phải tổ chức kỳ họp bất thường, vì yêu cầu cấp bách đối với sự phát triển của địa phương chờ đến kỳ họp thường lệ thì chậm trễ…

Thiết nghĩ, quy định của pháp luật trước hết cần phản ánh đúng nhu cầu của thực tiễn địa phương, tạo ra cơ chế để các chủ thể thực hiện thuận lợi, hiệu quả. Do đó, dù thẩm quyền thuộc ai thì trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp vẫn thuộc cấp chính quyền địa phương đó. Xuất phát từ quan điểm này, HĐND, cơ quan Thường trực HĐND và UBND cần một cơ chế hợp lý để thực thi quyền lực, phối hợp thực hiện và giải quyết công việc nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật và triển khai các nhiệm vụ theo quy định được trôi chảy, thuận lợi.

Từ những bất cập trong thực tiễn nêu trên, việc ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp là cần thiết. Mục đích nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương; hạn chế việc phải tổ chức nhiều kỳ họp bất thường và bảo đảm tiết kiệm. Vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND thống nhất quy định tại Khoản 3, Điều 6 với chức năng, nhiệm vụ tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương sao cho tương xứng với nhau. Khi đó, nhiệm vụ của Thường trực HĐND sẽ tương xứng với vị trí, vai trò và cơ cấu tổ chức được mở rộng theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cần quy định rõ công việc, trách nhiệm; những việc nào Thường trực HĐND được phép, không được phép quyết định và sau khi quyết định thì chịu trách nhiệm như thế nào.

Cái Vĩnh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế