Món quà từ... đất

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:32 - Chia sẻ
Được tạo tác bằng sự cảm nhận của bàn tay, đôi mắt và bằng cả tâm hồn phóng khoáng, đôn hậu, trân quý những giá trị văn hóa làng quê Việt, khối đất mộc mạc đã biến thành các con vật có đường nét mềm mại và tự nhiên, màu sắc rực rỡ, tươi sáng. Đây là món quà quen thuộc một thời của trẻ em đồng bằng Bắc Bộ, nhưng đang dần xa vắng, hiếm lạ trong đời sống hiện tại.

3 đời nặn phỗng đất

Có một thời, các trò chơi, đồ chơi từ đất cực kỳ thân quen, rất đỗi bình dị, là niềm đam mê không dứt với nhiều đứa trẻ vùng thôn quê. Thời hiện đại, nhất là với người trẻ sinh ra và lớn lên ở thế kỷ XXI dường như đã mất kết nối với những đồ chơi mang nét dân dã, đượm hồn cốt làng quê ấy. Tuy các đồ chơi này dần thưa vắng trong đời sống hiện đại, vẫn có những người nặng lòng với quá khứ, âm thầm gìn giữ giá trị xưa.

Ở làng quê yên bình bên bờ sông Đuống, ông Phùng Đình Giáp và vợ là bà Nguyễn Thị Điểu (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) là gia đình cuối cùng của làng Hồ còn đắm đuối với nghề của ông cha truyền lại. “Nặn phỗng đất là nghề gia truyền, tôi là đời thứ ba. Chẳng biết phỗng đất ra đời từ bao giờ, nhưng học từ ông cha, 8 tuổi tôi đã ngồi nặn đất. Trong bối cảnh nhiều người ngày càng ít mặn mà với đồ chơi dân gian, tôi lại càng phải giữ gìn. Tôi cùng vợ và con trai vẫn đã, đang và sẽ nặn phỗng đất, nhất định không để phỗng biến mất, bởi đó là một phần văn hóa quê hương”, ông Giáp chia sẻ khi giới thiệu nghề truyền thống trong chương trình “Phỗng đất xưa - Hồn Kinh Bắc” diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

Ông Phùng Đình Giáp hy vọng phỗng đất sẽ có chỗ đứng trong đời sống hiện đại  

Ảnh: Ngọc Phương 

Nhiều bạn trẻ chăm chú dõi theo đôi bàn tay của ông Giáp thoăn thoắt chia đất thành những phần nhỏ, tỉ mỉ vuốt ve, thổi hồn để biến trở thành các con vật quen thuộc. Từ đất vô tri có thể tạo ra cả một dàn con vật nhìn thoáng giống nhau, nhưng ngắm nhìn chúng sẽ tìm ra nét riêng của từng con. Ông Giáp cho biết: Phỗng đất không có quá nhiều chi tiết phức tạp mà toát lên vẻ dân dã, thanh thoát, đượm hồn cốt của làng quê Việt Nam. Kỹ thuật nặn phỗng không quá khó, nhưng chuẩn bị nguyên liệu lại phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, từ chuẩn bị đất, hỗn hợp điệp và hồ, phơi nắng nhiều lần, vẽ màu... Đất chọn làm phỗng phải là đất sét, lấy ở độ sâu khoảng 2,5m cho có độ mịn và sạch, đem phơi khô, đập, giã thành bột. Giấy được ngâm trong nước cho tới khi đã mủn hoàn toàn thì trộn với đất, nhào và dùng chày đập cho hỗn hợp quyện lại thành một khối dẻo, không dính tay thì mang ra nặn. Phỗng đất sau khi phơi khô sẽ được quét phủ một lớp hỗn hợp hồ điệp trắng, vẽ màu hoặc để mộc, đánh bóng bằng cật tre...

Phỗng đất không thể làm dở dang, đã nặn là phải xong, nếu không đất sẽ khô; sau khi tạo hình lại hong cho se mặt đất rồi tỉ mỉ vờn tỉa, vẽ màu, đan xen các công đoạn này phải đem phơi cho khô, phơi lâu hay nhanh ít nhiều trông vào thời tiết. Đặc biệt, dù không nung qua lửa, nhưng phỗng có độ bền tốt, dai chắc, để ở nơi khô thoáng có thể hàng chục năm vẫn bóng đẹp...

Lan tỏa nét đẹp cổ truyền

Bà Nguyễn Thị Điểu vẫn nhớ: “Vài chục năm trước, cả làng có 26 nóc nhà, nhà nào cũng làm phỗng đất, tấp nập từ tháng Bảy cho tới rằm tháng Tám là hết mùa. Những năm sau giải phóng, người mua phỗng đất vẫn còn nhiều, cứ mỗi dịp Trung thu, tôi bán được 4 - 5 thúng lớn tại các chợ trong vùng Thuận Thành. Đến những năm 2000, đồ chơi này dần ít người mua. Trẻ con ngày nay thích đồ chơi hiện đại, làng chẳng còn ai làm, nhưng gia đình tôi vẫn duy trì, giữ nghề”.

Hơn nửa thế kỷ đôi tay gắn bó với đất, ông Giáp vẫn tiếp tục làm bộ phỗng truyền thống thường thấy trong mâm cỗ Trung thu ngày xưa. Ông cho biết, bộ phỗng này gồm 5 hình tượng: Giữa là đức Phật, mang ý nghĩa tâm linh, mong muốn con cháu luôn phải sống có lương tâm, đạo đức; bên cạnh đó là ông già và em bé, tượng trưng cho sự tiếp nối giữa các thế hệ. Trong bộ phỗng đất này còn có hình tượng chim, thể hiện cho khát vọng tự do, hòa bình và con rùa, tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn.

Bộ phỗng đất truyền thống thường thấy trong các dịp Trung thu xưa  

Ảnh: Ngọc Phương 

Để phỗng đất trở nên quen thuộc và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thiếu nhi ngày nay, ông Giáp đã mày mò làm thêm nhiều loại con giống và đồ chơi mới, cả vật dụng bằng đất sét. Nhờ vậy mà phỗng đất được thổi thêm sức sống mới, kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, được nhiều người biết đến hơn, không chỉ vào mỗi dịp Trung thu. 2 năm trở lại đây, ông bà thường xuyên được mời đi giới thiệu về phỗng đất tại nhiều hội chợ, ngày hội, triển lãm... để trình diễn, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc. Những ngày hè, nhà ông bà là điểm đến của học sinh nhiều tỉnh, thành phố tới trải nghiệm đồ chơi bằng đất...

Với sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, ông Phùng Đình Giáp hy vọng phỗng đất sẽ có chỗ đứng trong đời sống hiện đại, để mọi người vẫn nhớ tới nghề cổ truyền, cảm nhận và gìn giữ hồn cốt của làng quê Bắc Bộ.

Liệu các bạn trẻ còn quan tâm tới trò chơi mộc mạc từ đất? Đây là băn khoăn của những người tổ chức chương trình “Phỗng đất xưa - Hồn Kinh Bắc”, và bất ngờ là chương trình nhận được số lượng đăng ký vượt dự kiến. Hoàng Huệ Phương, thành viên Ban tổ chức chia sẻ: Ở đất nước có nền nông nghiệp lâu đời như Việt Nam, phỗng đất là nét văn hóa đặc sắc. Chạm vào chúng, mọi người đều có thể cảm nhận điều gì đó thân thuộc, như được kết nối với những giá trị của cha ông. Chương trình muốn góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị ấy tới giới trẻ.

 

Ngọc Phương