Mong gì ở gói hỗ trợ lần 2?

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 07:58 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 với kinh phí 18.600 tỷ đồng. Trong đó, 15.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn vay với lãi suất 3,96%/năm để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm. Còn lại 3.600 tỷ đồng dành để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm...

Trên thực tế, sau khi các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng năm 2020 được công bố, cùng với việc dịch bệnh quay lại và diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá việc thực hiện các gói hỗ trợ lần 1, đề xuất kéo dài các gói hỗ trợ này đồng thời đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất  chính sách mới.

Hiện tại, gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư sơ thảo và tham vấn ý kiến chuyên gia.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch ngày càng nghiêm trọng, khả năng phục hồi của kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam là rất bất định và có thể chậm hơn so với dự kiến thì gói hỗ trợ lần 2 mà Chính phủ đang xem xét là rất cần thiết để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua cú sốc Covid-19.

Hơn nữa, hiệu quả các gói hỗ trợ lần 1 chưa được như mong đợi. Rõ nhất là gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng kết thúc vào tháng 6 nhưng đến giữa tháng 7 mới có 11,6 nghìn tỷ đồng đến được với 11,5 triệu người và hơn 9 nghìn hộ kinh doanh. Hay gói 16 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động đến ngày kết thúc (31.7) cũng không giải ngân được mấy đồng - một phần vì điều kiện, thủ tục nhưng quan trọng hơn là chính sách này chưa thật hợp lý ở chỗ có mấy doanh nghiệp mặn mà với chính sách này! Trong khi quá trình giải ngân chậm trễ, người dân vẫn phải tự mình chịu đựng tất cả những khó khăn do dịch bệnh và suy giảm hoạt động kinh tế gây ra.

Rút kinh nghiệm từ đó, gói hỗ trợ lần 2 phải bảo đảm đúng cách (tức là chính sách phải khả thi, hợp lý), đúng đối tượng và đúng thời điểm để đạt được hiệu quả cao nhất, qua đó gia cố niềm tin của người dân.

Vào lúc này, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ phải là bảo  đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Theo đó, các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan tâm hơn vì họ chiếm tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác nặng nề nhất và có thể nằm ngoài phạm vi được thụ hưởng của các chính sách hiện tại.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có sự phân loại và tập trung hơn. Ví dụ, việc khoanh, ngưng hoặc miễn giảm lãi vay và tiền thuê đất nên áp dụng cho nhóm doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Các chính sách hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay và khoanh nợ, giãn thu thuế VAT nên được thực hiện với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng còn hoạt động, kèm theo tiêu chí rõ ràng về các mức độ hỗ trợ để tránh dàn trải. Còn lại, với nhóm doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả - nhóm gánh đỡ cho nền kinh tế trong thời điểm này - Chính phủ nên khuyến khích tín dụng, hết sức tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách.

Trong thời điểm hiện tại, yếu tố lãi suất không hẳn quyết định hành vi đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh. Bởi dịch bệnh làm biến mất một số nhu cầu đặc thù, theo đó các ngành kinh doanh phục vụ các nhu cầu đó cũng sẽ không trở lại được, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Do đó, dư địa chính sách tiền tệ có thể còn nhưng dùng vào thời điểm nào và mức độ ra sao cần được cân nhắc kỹ trong mối tương quan với lạm phát và tỷ giá.

Song hành với những chính sách ngắn hạn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, lúc này Chính phủ cũng nên tranh thủ sự đồng thuận của người dân và các ngành, địa phương thúc đẩy các chính sách có tầm nhìn dài hạn nhằm cải thiện nền tảng vĩ mô, môi trường kinh doanh, cơ sở cho niềm tin xã hội, để chuẩn bị cho những bất trắc lớn hơn trong tương lai.

Hà Lan