Nối tiếp mạch nguồn

Mỏng manh sợi dó

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:21 - Chia sẻ
Trong thời đại giấy công nghiệp vô cùng phổ biến, dường như chẳng còn chỗ đứng cho giấy thủ công, vậy mà vẻ đẹp, giá trị của dó vẫn được hiện hữu qua sáng tạo của những người trẻ yêu truyền thống.

“Tôi thường tránh mang về nhà các nữ trang là đồ lưu niệm du lịch, nhưng Zó đang làm điều ý nghĩa hơn, qua các sản phẩm, họ giúp giữ một mảnh ghép nhỏ của văn hóa và thủ công truyền thống” - đó là chia sẻ của một khách du lịch quốc tế về các sản phẩm của Zó. Không gian khiêm nhường, giản dị của dó nằm kề bên đường tàu giữa trung tâm Hà Nội thường xuyên thu hút khách du lịch nước ngoài đến để chạm vào mảnh giấy mềm mại nhưng có vân chìm ẩn sâu dưới mặt giấy với đủ màu nhuộm tự nhiên. Không chỉ có giấy, các vật phẩm làm từ dó như dây treo trang trí, đèn, quạt, lịch, sổ, bưu thiếp... cũng mang nét riêng bởi sự kết hợp phong cách, kỹ thuật truyền thống với sắc thái đương đại. Ví như, kết hợp dó với tranh Đông Hồ và tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán để tạo nên bộ lịch bàn mộc mạc, giàu cảm xúc chào Tết Kỷ Hợi.


Hoạt động trải nghiệm giúp khách du lịch hiểu hơn về giấy truyền thống của Việt Nam

 Được truyền năng lượng từ văn hóa truyền thống, nhiều người đã sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo mang đậm hồn Việt. Mặc dù chặng đường phía trước còn dài và không ít khó khăn, nhưng những nỗ lực nhỏ bước đầu đã có tác động nhất định, đánh thức tình yêu với di sản của cha ông, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế.

Dù có lịch sử tồn tại đến 800 năm, nhưng giấy dó lại trở nên xa lạ với nhiều người Việt hiện nay. Thậm chí tại những vùng đất mà tên tuổi đã gắn với giấy dó như Yên Thái và Nghĩa Đô của Hà Nội, nay gần như không còn dấu vết của làng nghề xưa. Tại làng giấy Dương Ô, Bắc Ninh, có thời cả làng sống cùng dó, nhưng thời điểm mà chị Hồng Nhung, người sáng lập Zó đến, chỉ còn vài cụ già vẫn gắng sức duy trì. Vùng núi Hòa Bình, nơi có nghề làm giấy từ nhiều đời cũng trong tình trạng tương tự. Trong thời điểm chẳng còn mấy ai gắn bó với giấy thủ công vì sản phẩm làm ra không bán được, nguồn nguyên liệu suy giảm, Zó đã ra đời bởi tình yêu với những di sản của cha ông.

“Trước khi Zó phối hợp với các nghệ nhân tại thôn Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, Lương Sơn, Hòa Bình làm giấy, nơi đây đã từng có dự án khôi phục nghề, nhưng hết dự án, giấy làm ra không bán được, người dân lại bỏ nghề kiếm việc mưu sinh. Cả thôn chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Văn Chúc đau đáu, cầm chừng một năm ra vài mẻ giấy để giữ nghề, nhưng cũng phải nản lòng khi lặn lội vào Nam ra Bắc chào hàng mà chưa hiệu quả” - chị Hồng Kỳ, người trực tiếp phát triển cộng đồng làm giấy và tổ chức sự kiện của Zó cho biết. Ra đời với mục tiêu giữ lại nghề truyền thống, cũng như tạo công việc cho các cộng đồng thiểu số, Zó vừa sáng tạo ra sản phẩm, vừa hỗ trợ các nghệ nhân dân tộc Mường về trang thiết bị và tìm cách cải thiện quy trình để giảm thiểu công sức, thời gian, đồng thời tăng chất lượng giấy, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, Zó cũng khôi phục, trồng mới cây nguyên liệu, cùng nghệ nhân nghiên cứu, mày mò và thử nghiệm nhiều loại giấy mới.

Sáng tạo là nhu cầu sống còn, Zó phối hợp với nghệ sĩ, nhà thiết kế Việt Nam và nước ngoài làm ra các sản phẩm có giá trị, tính ứng dụng cao, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Tuy vậy, chập chững khởi nghiệp, Zó vừa làm vừa thử và chấp nhận thất bại. Giai đoạn khởi đầu, Zó chưa tự đứng vững nhưng may mắn nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng, cũng như nhiều tổ chức. Sau 3 năm, Zó mới có thể độc lập về mặt tài chính và hoạt động như một doanh nghiệp xã hội.

Với sự trợ giúp của Zó, hiện tại Suối Cỏ có một nhóm cùng ông Chúc duy trì sản xuất giấy. Với mức tiêu thụ giấy ổn định, nay nghệ nhân có thêm thu nhập và không còn phải bôn ba khắp nơi bán sản phẩm. Nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn sống được với dó, khi lượng tiêu thụ sản phẩm này chưa đủ nhiều. Cũng bởi thế, chỉ những người cao tuổi mới làm dó do không đủ sức khỏe làm các công việc nặng nhọc khác; giới trẻ thì không đủ kiên nhẫn, trong khi thu nhập từ nghề không bảo đảm.

Hiện nay giá thành của sản phẩm từ giấy dó vẫn khá cao, khách hàng của Zó chủ yếu là khách nước ngoài, mới khoảng 10% khách Việt. Nhóm vẫn tiếp tục tìm tòi để cải thiện quy trình, giảm thiểu công sức, thời gian và nâng cao chất lượng giấy. Chị Hồng Kỳ cho biết: “Nhóm khá nhỏ, một người làm nhiều việc, nhưng mọi người đến với Zó vì tình yêu truyền thống. Mơ ước của chúng tôi là thêm nhiều người nước ngoài biết đến giấy dó, và nhiều người Việt Nam sử dụng giấy dó, có như vậy truyền thống này mới có thể được duy trì và tiếp nối qua năm tháng”.

Thảo Nguyên