Chính sách và cuộc sống

Một cơ hội tốt

- Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:19 - Chia sẻ
Trong Phiên họp thứ 35 vào tuần tới, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ngay sau khi dự án Luật được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã cùng Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo) và các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý. Theo đó, lần sửa đổi này sẽ chỉ tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Liên quan đến phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền với nhau, nhiều ĐBQH cho rằng phải có nghiên cứu toàn diện, sâu sắc và cụ thể hơn về nội dung này để bảo đảm tính thống nhất với các luật chuyên ngành khác. Cùng với đó, phân cấp mạnh mẽ hơn theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho địa phương, đặc biệt là những địa phương đã tự chủ về ngân sách.

Tại sao các ĐBQH mong muốn như vậy?

Chúng ta nói đến phân cấp, phân quyền từ rất lâu và cho đến nay đã thống nhất về mặt nhận thức rằng phân cấp, phân quyền là quy luật phát triển, là yêu cầu đòi hỏi khách quan nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương. Dù vậy, việc triển khai trong thực tế không đơn giản. Sau 3 năm Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương - trong đó có những quy định mang tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, thì kết quả phân cấp mới được chút ít, còn phân quyền vẫn đang “ngại ngùng”. Sự phân cấp, phân quyền mới chủ yếu là cho cấp tỉnh, còn giữa các cấp chính quyền địa phương thì chưa rõ hoặc chưa nhất quán.

Khi chính quyền địa phương không được mạnh dạn trao quyền quyết định những vấn đề quan trọng với sự phát triển của mình, đây sẽ là trở ngại trong sự đi lên.

Nhưng từ chỗ nhất nhất chuyện lớn, chuyện nhỏ đều phải “báo, xin, cho” chuyển sang thái cực khác là “tự tung, tự tác” cũng là nguy cơ có thật.  Đã có địa phương lợi dụng việc phân cấp, phân quyền để đưa ra các quyết sách vì lợi ích cục bộ hoặc thực hiện quyết sách theo hướng có lợi cho địa phương, thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của Trung ương. Ở đây cũng phải nói thêm cho công bằng, nhiều địa phương vẫn quen ỷ lại ở Trung ương, sợ trách nhiệm nên cũng không mặn mà với phân cấp.

Có nhiều yếu tố dẫn đến thực tế nêu trên. Chẳng hạn, bộ máy nhà nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của cơ chế tập trung, bao cấp trước đây, vì vậy vẫn còn tình trạng tập trung quyền lực khá cao vào các cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các cấp, các địa phương gần giống nhau, trong khi lại áp dụng cho các đơn vị hành chính - lãnh thổ rất khác nhau (miền núi, hải đảo...). Như vậy, sẽ khó có một mô hình phân cấp, phân quyền chung cho mọi chính quyền địa phương. Một yếu tố quan trọng khác là các điều kiện về tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp của chính quyền địa phương chưa bảo đảm. Điều này càng rủi ro khi việc kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của chính quyền trung ương đối với hoạt động của chính quyền địa phương trong quá trình phân cấp, phân quyền cũng chưa tốt.

Bởi thế, sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này thực sự là một cơ hội tốt để tạo thêm cơ sở pháp lý nhằm “thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII yêu cầu. Giao quyền cùng trách nhiệm cho địa phương một mặt làm giảm sức ép quản lý các sự vụ, nhờ đó Chính phủ và các bộ “rảnh tay” làm tốt công việc quản lý có tầm vĩ mô, chiến lược; mặt khác chính quyền địa phương được và phải chủ động, sáng tạo trong quản lý theo khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, chủ trương phân cấp, phân quyền chỉ đi đúng hướng và đạt hiệu quả mong muốn khi phạm vi, nội dung phân cấp, phân quyền phải khoa học, rõ ràng, hợp lý và được luật hóa; đồng thời phân cấp, phân quyền phải đi liền với cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng như bảo đảm địa phương có đủ năng lực và điều kiện (tài chính, nguồn lực…) để tiếp nhận phân cấp, phân quyền.

Hà Lan