Một cuộc chiến khác

- Thứ Năm, 30/07/2020, 07:56 - Chia sẻ
Sau gần trăm ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì dịch Covid-19 đã trở lại với ca khởi phát từ Đà Nẵng, không rõ nguồn lây nhiễm. Một lần nữa, Việt Nam lại bước vào cuộc chiến với kẻ thù không mới nhưng đã được “nâng cấp” lên rất nhiều - chủng virus mới này có tốc độ lây lan nhanh hơn. Và ngoài cuộc chiến với Covid-19, chúng ta còn phải đối mặt với một cuộc chiến khác, “lây lan” nhanh hơn dịch, đó là tin giả.

Vụ Truyền thông, Bộ Y tế vừa phát đi thông báo kêu gọi người dân không chia sẻ những thông tin giả về dịch bệnh Covid-19 đang tràn lan trên mạng xã hội. Mới đây nhất, một cô gái ở Huế vừa bị phạt 7,5 triệu đồng khi đăng tải thông tin khuyên mọi người “suy nghĩ lại” khi đi du lịch lúc giá vé rẻ bởi tình hình dịch bệnh “đang rất căng thẳng” rồi gán ghép cho là trích phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Dù sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong cách thông tin trên mạng xã hội là khá phổ biến từ trước tới nay nhưng những thông tin về dịch bệnh Covid-19 xuất hiện với số lượng và tần suất ngày càng dày đặc trên các trang mạng xã hội đã khiến cho cuộc chiến chống dịch bệnh ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp.Theo ước tính, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hơn 800 trường hợp tung tin giả kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận hồi cuối năm 2019 đến nay.

Tại sao nhu cầu đăng, lan truyền tin giả về dịch bệnh lại nhiều đến vậy? Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã phao tin nhảm, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó. Còn với đa số, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Họ chỉ muốn đưa thêm thông tin nhanh chóng đến cộng đồng, chỉ là không biết đó có phải tin giả hay không thôi.

Điều đáng lo là những tin tức chết chóc gây hoang mang, khiếp hãi, hỗn loạn trong dân chúng thì lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền. Những thông tin thất thiệt như phòng thí nghiệm bí mật tạo ra Covid-19, Chính phủ che đậy thông tin, đã có vaccine phòng dịch hay cách chữa bệnh được truyền tai nhau… không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch của các tổ chức y tế hay gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dùng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch này.

Theo nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters dựa trên 225 thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19, có đến 88% lượng thông tin trên xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội, trong khi con số này chỉ là 9% đối với truyền hình và 8% trên báo chí. Tại Việt Nam, với việc số lượng người dân tham gia các mạng xã hội lên đến 67% tổng dân số, thách thức đặt ra với các cơ quan chức năng về việc kiểm soát tin giả trên không gian mạng là không nhỏ.

Rõ ràng, Covid-19 khiến mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm lớn hơn với mỗi thông tin được chia sẻ bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” về mặt tinh thần của người đọc. Điều mà mỗi cá nhân công dân cần lúc này là không mất cảnh giác, không hoang mang - như yêu cầu của Thủ tướng. Ngoài ra, cần nói không với tin đồn, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Thay vì lan truyền tin giả, chúng ta có thể lan truyền những thông tin tích cực hơn. Đó là những câu chuyện về các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy đang hỗ trợ các đồng nghiệp tại Đà Nẵng chống Covid-19, phía sau sự tận tụy và hy sinh âm thầm của y bác sĩ chống dịch là câu chuyện về đất nước Việt Nam quyết tâm, bình tĩnh và bền bỉ chống dịch để đến nay không có ca tử vong và đất nước luôn rộng vòng tay đón người Việt trở về. Đó là những dòng chia sẻ của nhiều người dùng “Đà Nẵng cố lên”. “Xứ Quảng cố lên”. “Chúng ta sẽ vượt qua thôi!” của hàng triệu người dùng mạng xã hội. Dẫu biết vài dòng thông tin không thể giải quyết hết tình hình dịch bệnh, nhưng nó giữ cho lòng người không xô lệch, hoang mang và người trẻ có cách truyền tải niềm tin để lan tỏa tới cộng đồng trạng thái tích cực nhất có thể.

Duy Anh