Một cuộc “tiếp xúc cử tri đặc biệt”

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:25 - Chia sẻ
Tháng 4.2015, thực hiện kế hoạch công tác của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, tôi được đồng chí Trương Thị Mai lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban, giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn công tác của Ủy ban đi công tác tại quần đảo Trường Sa.

Để tổ chức chuyến đi này, chúng tôi đã chuẩn bị từ rất sớm. Tháng 8.2014, Thường trực Ủy ban làm văn bản báo cáo và được lãnh đạo QH phê duyệt, đồng ý về chuyến đi. Khi chủ trương và kế hoạch tổ chức chuyến công tác được phê duyệt, thống nhất, chúng tôi bắt tay thực hiện vận động ủng hộ kinh phí, tặng phẩm để Đoàn mang theo làm quà cho quân, dân Trường Sa. Với tình cảm hướng về Trường Sa, việc vận động cũng nhanh chóng vượt kế hoạch.

Mong chờ mãi, rồi ngày được lên đường ra Trường Sa cũng tới. Chiều 15.4.2015, chúng tôi họp Đoàn tại Nhà khách Bộ Tư lệnh Hải quân, TP Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp này, chúng tôi được phổ biến Đoàn sẽ kết hợp với 5 Đoàn khác là Đoàn của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thủ đô Hà Nội, Nghệ An, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Nhà xuất Chính trị quốc gia - Sự thật thành một đoàn chung. Khi ấy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu làm Trưởng đoàn chung, vì đây là Đoàn có nhiều thành viên nhất (với 150 người), Phó Tư lệnh Hải quân, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Võ Tuấn Nhân và tôi làm Phó Trưởng đoàn.


Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn C 
Ảnh: Hồng Ngọc

Sáng 16.4.2015, chúng tôi tập kết tại Cảng Cát Lái, sau nghi lễ ngắn gọn nhưng trang trọng với 2 hàng tiêu binh hải quân, các đồng chí đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân tặng hoa và chúc Đoàn có chuyến công tác thành công. Đoàn chúng tôi lên đường với sự tham gia của 23 ĐBQH, mà theo các cán bộ ở Bộ Tư lệnh Hải quân, đây là Đoàn công tác có nhiều ĐBQH nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ.

Chúng tôi ra Trường Sa bằng tàu HQ 571. Đây là tàu lớn với 5 tầng chở khách, các đồng chí nữ được ưu tiên bố trí ở tầng thấp để đỡ bị sóng lắc. Còn chúng tôi ở các tầng cao. Thời tiết khá đẹp, trời nắng vàng, biển trong xanh, ai cũng chuyện trò vui vẻ. Tuy nhiên, các đồng chí hải quân trên tàu có giải thích rằng từ sáng tới giờ tàu mới đi ven bờ, trưa nay tàu sẽ qua biển Vũng Tàu, rồi từ đó ra khơi, sóng sẽ mạnh hơn và có thể nhiều người sẽ bị say sóng. Quả thật, từ khoảng 16h, sóng mạnh hơn, tàu cứ bị lắc qua, lắc lại, tôi cũng thấy trong người hơi khó chịu, sự khó khăn đó tăng dần với cảm giác chóng mặt, buồn nôn. Tôi cố gắng đi xuống để thăm hỏi các thành viên trong Đoàn ở rải rác các tầng. Nhiều đồng chí cũng mệt, nhưng chỉ vì do say sóng. Chúng tôi báo với y tế trên tàu và các đồng chí đến ngay, vừa khám, vừa cho thuốc, vừa động viên rất kịp thời. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu đó còn đeo bám trong bữa tối, trong đêm đầu tiên ngủ trên tàu và qua ngày sau thì thấy đỡ dần.

Chiều tối 17.4.2015, chúng tôi được thông báo là đã đến Cụm đảo Đá Lớn (gồm 3 đảo A, B, C), đây là một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, theo chương trình Đoàn sẽ neo đậu gần đảo và sáng hôm sau sẽ chia thành 3 nhóm để đi thăm 3 đảo. Tôi được cử làm trưởng nhóm đảo C. Ở trên tàu, lịch trình sinh hoạt là cứ 5h30 là chuông báo thức, 6h là chuông báo ăn sáng. Ăn sáng xong chúng tôi khẩn trương lên xuồng đi các đảo.

Giây phút đầu tiên được gặp lính đảo Trường Sa thật là xúc động!

Ở đảo Đá Lớn, chúng tôi được gặp đồng chí Chính trị viên là Thượng úy Đỗ Xuân Tới, một chàng trai quê Thái Bình, mới 28 tuổi, chưa vợ đến báo cáo ngắn gọn, nhưng súc tích, đầy đủ về tình hình công tác, sinh hoạt, đời sống của bộ đội. Đặc biệt, Tới nhấn mạnh, tình hình tư tưởng, tình cảm của toàn đơn vị rất tốt, cán bộ chiến sỹ đều yên tâm công tác, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng cho mọi tình huống, hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi chuyển lời thăm hỏi ân cần của các đồng chí lãnh đạo QH tới đơn vị, chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, vững vàng bản lĩnh ở nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang mà đất nước đã giao cho.

Sau lễ trao tặng quà gửi ra từ đất liền, Đoàn chúng tôi đi thăm các vị trí công tác trực chiến, huấn luyện, thăm nơi ăn ở của cán bộ, chiến sỹ. Được biết, so với những năm trước, điều kiện công tác sinh hoạt ăn ở của bộ đội đã tốt hơn, nhưng vẫn còn rất gian khó giữa muôn trùng sóng gió, biển khơi. Thời điểm đó vẫn là sự rình rập xâm phạm chủ quyền biển đảo, là sóng gió và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, là thiếu nước ngọt và rau xanh… Ngồi trò chuyện với Chính trị viên Tới, chúng tôi biết rằng, anh có người yêu đang học sư phạm, 2 người dự định sau khi bạn gái tốt nghiệp sẽ làm lễ cưới. Và quả thực, cuối năm 2015, nhận được lời mời, tôi đã về quê anh dự đám cưới và chúc mừng hạnh phúc của đôi bạn trẻ.

Thời gian trôi rất nhanh. Đã đến lúc chúng tôi phải lên xuồng trở về tàu. Nhiều thành viên trong Đoàn vẫn nán lại chụp ảnh thêm với lính đảo Đá Lớn C. Lính đảo cũng rất chu đáo với quà cho từng người là vỏ ốc biển nhiều mùa sắc, hình dáng và cả những bông hoa hồng đỏ thắm cũng làm từ ốc biển.

Chiều hôm đó, tàu HQ571 lại nhổ neo đưa Đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình với các điểm đến tiếp theo là Đảo Tiên Nữ, Đảo Tốc Tan, Đảo Trường Sa, Đảo Đá Lát, Nhà giàn DK 1/12. Ở đâu chúng tôi cũng được gặp những cán bộ, chiến sỹ hải quân bình dị mà kiên cường, vượt qua mọi thử thách, phong ba, những người dân đảo hiền lành, chân chất, chúng tôi những ĐBQH tham gia Đoàn công tác, luôn coi đó là “cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt với các cử tri đặc biệt”.

8 ngày ở Trường Sa thật nhanh. Đoàn chúng tôi tự nhủ đã cố gắng hoàn thành 3 nhiệm vụ được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng căn dặn khi lên đường. Đó là góp phần khẳng định, giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; gửi gắm tình cảm, niềm tin và sự động viên của Lãnh đạo QH đến quân, dân Trường Sa; lắng nghe và tổng hợp, báo cáo với Lãnh đạo QH, với QH tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri Trường Sa.

Khi về đến Hà Nội, chúng tôi đã báo cáo và gửi đến Lãnh đạo QH tình cảm và món quà của quân và dân Trường Sa, đó là những lá cờ Tổ quốc đã bạc màu, thậm chí có chỗ bị gió bão giật rách, nhưng đong đầy tấm lòng của lãnh đạo, chỉ huy và đại diện chiến sỹ Trường Sa như lời hứa thiêng liêng bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc thân yêu. 

Đỗ Mạnh Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Anh Thảo ghi