Hoạt động của Ban Công tác đại biểu

Một năm nhìn lại

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:26 - Chia sẻ
Một năm nhìn lại, những việc đã làm được không đơn thuần là những thống kê mà còn là tâm huyết, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức Ban Công tác đại biểu, với mong muốn đóng góp thiết thực vào những công việc hệ trọng của đất nước cũng như nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử. Với mạch nguồn chảy mãi đó, tin rằng, nhiệm vụ của năm mới và những năm tiếp theo của Ban sẽ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.

Quy hoạch cán bộ có tâm, có tầm

Để thực hiện nhất quán chiến lược về cán bộ của Đảng, tạo chủ động trong công tác cán bộ, đồng thời, chuẩn bị nguồn cán bộ bổ sung, kiện toàn cán bộ ở QH giai đoạn 2017 - 2021 - nhân tố then chốt góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, Đảng Đoàn QH đã giao Ban Công tác đại biểu tham mưu, triển khai quy hoạch ĐBQH chuyên trách và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan của QH, các cơ quan thuộc UBTVQH, VPQH giai đoạn 2017 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Thực hiện trọng trách quan trọng đó, Ban Công tác đại biểu đã chủ động nghiên cứu, thực hiện đúng, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30.11.2004 của Bộ Chính trị Khóa IX, Kết luận số 24-KL/TW ngày 5.6.2012 của Bộ Chính trị Khóa XI; Kết luận số 12-KL/TW ngày 22.3.2017 của Bộ Chính trị Khóa XII; Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24.2.2017 của Ban Tổ chức Trung ương sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý về việc hướng dẫn một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đoàn QH. Kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho khóa tiếp theo; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Quy hoạch cán bộ chú trọng gắn kết với các khâu: Nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm đến khi giới thiệu cán bộ ứng cử làm ĐBQH chuyên trách hoặc bổ nhiệm, đề bạt nói chung phải là người trong diện quy hoạch và đủ tiêu chuẩn.

Thực hiện phương châm “động” và “mở” trong quy hoạch: Tối thiểu phải quy hoạch 2 đến 3 người vào một chức danh; không quy hoạch 1 chức danh chỉ có 1 người; không quy hoạch một người vào quá 3 chức danh. Nguồn đưa vào quy hoạch không khép kín trong từng cơ quan mà cần xem xét, đưa vào quy hoạch các cán bộ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng đảm nhiệm chức danh quy hoạch ở cả cơ quan, đơn vị khác trong hoặc ngoài QH. Thực hiện đồng bộ quy hoạch ĐBQH chuyên trách với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý phải sát với thực tiễn và khả thi; lấy quy hoạch cán bộ ở cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ ở cấp trên, tuy nhiên không vì thế mà bỏ qua cá nhân thực sự xuất sắc, có thể quy hoạch cao hơn một cấp; bảo đảm thực sự dân chủ, đoàn kết trong việc thực hiện quy hoạch cán bộ; không cứng nhắc, máy móc, cầu toàn; tránh tư tưởng cơ hội, cục bộ.

Với phương châm đó, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu bài bản, chặt chẽ cho Đảng Đoàn QH trong việc rà soát, xây dựng quy hoạch ĐBQH chuyên trách ở Trung ương, cán bộ ở QH giai đoạn 2017 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch; đồng thời xây dựng nội dung, kế hoạch, quy trình thực hiện công tác quy hoạch. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch để xem xét đưa những cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và luân chuyển cán bộ theo quy hoạch.

Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng đã được Ban tham mưu, giúp Đảng đoàn QH thực hiện có chất lượng, quy hoạch được những cán bộ có tâm, có tầm, bảo đảm tính kế thừa vững chắc, phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, lấy quy hoạch ĐBQH chuyên trách và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và VPQH giai đoạn 2017 - 2021 và nhiệm kỳ 2021 - 2026 làm cơ sở. Kiên quyết không xem xét, giới thiệu để đưa vào quy hoạch những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, đối tượng theo quy định.

Tham mưu chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm việc lấy phiếu tín nhiệm

Kỳ họp thứ 6, QH Khóa XIV đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn - một hình thức giám sát đặc biệt được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm, đón đợi. Xác định đây là một trong những công việc trọng tâm trong năm 2018, Ban Công tác đại biểu đã chủ động tham mưu chuẩn bị nghiêm túc, thận trọng và trách nhiệm.

Theo đó, để bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của ĐBQH trong việc lấy phiếu tín nhiệm, tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ban đã cung cấp căn cứ, thông tin cho các đại biểu, gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đến ĐBQH 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng với Trưởng đoàn các tỉnh dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 3 
Ảnh: Khánh Duy

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, quan trọng hơn xuất phát từ mong muốn hoạt động của HĐND các cấp ngày càng thực quyền và hiệu quả, Ban Công tác đại biểu đã giúp UBTVQH kịp thời hướng dẫn các hoạt động của HĐND. Bên cạnh phát huy những đổi mới từ đầu nhiệm kỳ trong công tác phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành tổ chức các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực, Ban đã chú trọng mời thêm đại diện các tỉnh, thành ngoài khu vực tham dự để phong phú thêm kinh nghiệm về những vấn đề đặt ra trong hoạt động của HĐND.
Việc duy trì tổ chức các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực không chỉ là dịp để các địa phương chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm hay trong tổ chức và hoạt động; mà còn là diễn đàn bàn luận, kiến nghị giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Tại phiên lấy phiếu tín nhiệm, các ĐBQH đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và xây dựng. Với vai trò của mình, Ban Công tác đại biểu đã giúp UBTVQH báo cáo trung thực, đầy đủ trước QH kết quả thảo luận; đồng thời giúp việc thực hiện các bước của quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm; chuẩn bị các mẫu phiếu, quy trình kiểm phiếu và công bố kết quả lấy phiếu. Nghị quyết 68/2018/QH14 về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm nghiêm túc, đúng mục đích, nguyên tắc, quy trình, thủ tục theo quy định. Có thể nói, thành công chung của cuộc lấy phiếu tín nhiệm có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng Đoàn QH, của UBTVQH, sự đoàn kết, nhất trí của tập thể Ban và các cán bộ, chuyên viên của Vụ giúp việc chuyên môn.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu

Để đóng góp thiết thực vào các hoạt động dân cử, kỹ năng hoạt động là yêu cầu cần thiết và đặc biệt quan trọng giúp đại biểu phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Ban đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp làm tốt nhiệm vụ này. Phát huy kết quả từ những năm trước, trong năm qua, công tác tổ chức các hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử được tiến hành bài bản, chất lượng và hiệu quả. Với 6 hội nghị dành cho ĐBQH về nội dung: Kỹ năng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN; đại biểu dân cử với báo chí và hoạt động truyền thông; kỹ năng phân tích chính sách và giám sát đối với một số vấn đề về giáo dục. Với dự tham dự của đông đảo các ĐBQH, đại biểu HĐND và cán bộ Văn phòng tham mưu, giúp việc trong cả nước, các hội nghị được đánh giá rất cao về tính thiết thực của nội dung cũng như trình độ của các báo cáo viên.

Đáp ứng nhu cầu thiết thực của các địa phương, Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu dân cử cũng đã chú trọng hỗ trợ, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp. Với 30 hội nghị tập huấn đã trang bị cho khoảng trên 4000 lượt đại biểu HĐND các cấp những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND, như: Kỹ năng giám sát tư pháp; kỹ năng giám sát chính sách xã hội; kỹ năng giám sát tài chính - ngân sách tại địa phương; kỹ năng giám sát các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản; kỹ năng chất vấn, giải trình; xem xét ban hành nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… Thường trực, đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố đánh giá cao tính thiết thực, hữu ích về nội dung chương trình bồi dưỡng, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp.

Một năm nhìn lại, những việc đã làm được không đơn thuần là những con số thống kê mà còn là tâm huyết, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức Ban Công tác đại biểu, với mong muốn đóng góp thiết thực vào những công việc hệ trọng của đất nước cũng như nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử. Với mạch nguồn chảy mãi đó, tin rằng, nhiệm vụ của năm 2019 và những năm tiếp theo của Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.

Trần Văn Túy- Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu