Một số kiến nghị nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

- Thứ Sáu, 01/03/2013, 08:23 - Chia sẻ
Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh do PHÓ CHỦ TỊCH NGUYỄN HUY TÍNH trình bày tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần thứ Năm

Thực trạng mô hình tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh


Ảnh: Thái Bình

Trên cơ sở cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Ninh đã quy định về cơ chế hoạt động, mối quan hệ công tác, tạo sự chủ động tích cực cho cán bộ, chuyên viên, sự gắn bó chặt chẽ và thường xuyên giữa các phòng và giữa các cá nhân, đã có sự phân định trách nhiệm cá nhân và tập thể… Nhìn chung, Văn phòng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động khảo sát, giám sát, tiếp xúc cử tri, tổ chức kỳ họp… được thực hiện tốt, đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác phục vụ Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND trong hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư KNTC được tiến hành thường xuyên. Cơ sở vật chất, kinh phí, hành chính, văn thư, lưu trữ được bảo đảm, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Các cán bộ, chuyên viên ở các phòng tham mưu, giúp việc theo lĩnh vực được phân công, nhưng đồng thời chịu sự chỉ đạo, điều hành của các đồng chí Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban (chuyên trách) và các lãnh đạo Văn phòng. Do vậy, những công việc của Thường trực, các ban và lãnh đạo Văn phòng luôn được tham mưu, phục vụ kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kể cả thường xuyên và đột xuất.

Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng mô hình tổ chức của Văn phòng theo quy định hiện hành vẫn còn những khó khăn, tồn tại: một Văn phòng có 2 nguồn kinh phí hoạt động, một số quy định hỗ trợ, phục vụ hoạt động khác nhau. Do vậy dễ gây tâm lý so sánh, khó thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là những nhiệm vụ cần phối hợp trong Văn phòng.

Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị, tuy là một phòng song có 2 bộ phận rõ rệt vì phục vụ cho 2 đối tượng khác nhau là HĐND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh. Vì vậy, tính đóng kín của 2 bộ phận này có khi ảnh hưởng đến sự nắm bắt, phân công nhiệm vụ, thống nhất trong phòng, nhất là khi Văn phòng có những nhiệm vụ lớn cần triển khai thực hiện.

Các phòng thuộc Văn phòng, thành lập theo Nghị quyết 545//2007/UBTVQH12, ngày 11.12.2007 của UBTVQH, qua thực tế hoạt động nhiều mặt tỏ ra chưa hợp lý; sự chỉ đạo chung từ cấp trên còn ít và chưa kịp thời, dẫn đến không thống nhất giữa các Văn phòng trong cả nước, kể cả số lượng phòng, tên phòng và chức năng, nhiệm vụ.

Biên chế của Văn phòng nhìn chung còn ít về số lượng hay nói cách khác: số lượng (nhất là chuyên viên) không tương xứng với nhiệm vụ được giao của Văn phòng, nhiều khi không đủ sức để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đề ra trong năm.

Chất lượng công chức, viên chức của Văn phòng cũng là vấn đề cần xem xét, chưa ngang tầm với vị trí, nhiệm vụ của Văn phòng. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, trong đó có nguyên nhân: hoạt động Văn phòng với tính chất và đặc điểm của nó chưa thu hút được nguồn nhân sự có chất lượng cao vào làm việc; chế độ, chính sách đãi ngộ còn khiêm tốn… (phụ cấp không bằng chuyên viên ở các ban xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị).

Sự quan tâm lãnh đạo của địa phương; sự chủ động, năng động, tích cực của lãnh đạo Văn phòng có khi chưa đủ độ cần thiết để Văn phòng có thể vượt qua những khó khăn, tồn tại mang nặng dấu ấn khách quan nêu trên.

Mối quan hệ công tác giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với VPQH, Văn phòng Chính phủ mờ nhạt, không có quy định rõ ràng, nhất là quan hệ với VPQH - có nhiều việc vẫn làm và thực tế rất cần chỉ đạo, mở rộng, nâng cao nhưng chưa được quan tâm.

Kiến nghị nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc của Văn phòng

Theo chúng tôi, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Văn phòng, cần bảo đảm những yêu cầu sau:

Về tổ chức bộ máy: tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thành Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Vì thực tiễn mấy năm qua, mô hình hai trong một cho thấy nhiều bất cập trong tổ chức và hoạt động của Văn phòng. Theo đó, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố thực hiện theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của VPQH. Còn Văn phòng HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên tổ chức như sau: Phòng Kinh tế - Ngân sách tham mưu, phục vụ HĐND về lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách; Phòng Văn hóa - Xã hội tham mưu, phục vụ HĐND về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội;  Phòng Pháp chế tham mưu, phục vụ HĐND về lĩnh vực Pháp chế; Phòng Thông tin - Dân nguyện tham mưu, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, công tác dân nguyện, tiếp xúc cử tri… ; Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị tham mưu, phục vụ về công tác hành chính, tổ chức, quản trị; Phòng Tổng hợp tham mưu, giúp việc Thường trực HĐND và lãnh đạo Văn phòng. Mỗi phòng, ngoài Trưởng phòng, các Phó phòng cần có ít nhất 3 chuyên viên giúp việc. Ngoài ra, tùy theo đặc thù của tỉnh, thành phố có thể thành lập thêm các phòng khác. 

Về chức năng, nhiệm vụ, vị trí, mối quan hệ công tác, chế độ chính sách, điều kiện kinh phí hoạt động: trên cơ sở quy định, thống nhất về tổ chức bộ máy, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn đồng bộ, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng, bảo đảm sự thống nhất trong phạm vi cả nước.

Trong hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, cần chú ý sự phối hợp công tác giữa các phòng trong Văn phòng; làm rõ nhiệm vụ và mối quan hệ trong công tác của các chuyên viên giúp việc cho Thường trực, các ban HĐND tỉnh với lãnh đạo Văn phòng, tạo sự đồng thuận để đội ngũ chuyên viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính - nhiệm vụ chuyên môn được giao với việc quản lý có tính chất hành chính của lãnh đạo Văn phòng và các công việc chung thuộc trách nhiệm của Văn phòng.

Hướng dẫn về kinh phí, trang thiết bị, phương tiện chuyên môn tương xứng, kịp thời để Văn phòng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cần quy định rõ hơn nữa vị trí và mối quan hệ công tác của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh với: Văn phòng cấp trên (VPQH, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước); với các sở, ban, ngành cùng cấp và Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; với Văn phòng cấp dưới (Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện…).

Đề nghị VPQH nâng cao, mở rộng hơn nữa tầm chỉ đạo, phối hợp công tác với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố. Hàng năm, VPQH nên tổ chức tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm mới với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề nghị cho cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố được hưởng chính sách, chế độ như cán bộ, công chức, viên chức công tác trong khối Đảng, đoàn thể chính trị hiện nay.