Một số kinh nghiệm hoạt động của các ban HĐND tỉnh

- Chủ Nhật, 03/03/2013, 09:05 - Chia sẻ
Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên do PHÓ CHỦ TỊCH TẠ HỒNG QUẢNG trình bày tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần thứ Năm

Ảnh: Thái Bình

Để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, tổ chức hoạt động của các ban HĐND có vai trò rất quan trọng. Các ban là cơ quan chuyên môn của HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám sát theo nghị quyết của HĐND tỉnh và thẩm tra các báo cáo, tờ trình theo quy định, giúp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đề ra những quyết định đúng đắn về phát triển KT - XH, bảo đảm QPAN ở địa phương. 

Về mô hình tổ chức

Căn cứ Điều 54 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Điều 26 Quy chế hoạt động của HĐND do UBTVQH ban hành, tổ chức hoạt động của các ban HĐND tỉnh Hưng Yên được thành lập 3 ban: Ban Kinh tế- Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế.

Nhiệm kỳ 2011 - 2016, HĐND tỉnh bố trí mỗi ban gồm 5 thành viên với tổng số thành viên các ban là 15 đại biểu. Trong đó: 3 Trưởng ban là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng các ban Đảng kiêm nhiệm, 3 Phó trưởng ban chuyên trách; các thành viên ban còn lại hoạt động kiêm nhiệm gồm các Bí thư Huyện ủy, Thủ trưởng một số sở, ngành, đoàn thể và một số đại biểu cơ cấu là giám đốc doanh nghiệp và giáo viên.

Việc bố trí Trưởng ban HĐND là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng các ban Đảng kiêm nhiệm có thuận lợi là việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của ban trong thẩm tra, giám sát và các kết luận sau giám sát thường có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc bố trí Trưởng ban kiêm nhiệm cũng còn mặt hạn chế đó là, các Phó trưởng ban chuyên trách HĐND tỉnh chưa phát huy được sự chủ động, nên tính kịp thời trong giải quyết các công việc chuyên môn còn hạn chế. Đồng thời số lượng thành viên của các ban ít, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các ban HĐND tỉnh.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, để thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Thường trực và các ban HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trên cơ sở Nghị quyết 545/2007 của UBTVQH, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để tổ chức bộ máy của Văn phòng chuyên sâu trên từng lĩnh vực, phù hợp với hoạt động của HĐND tỉnh, đáp ứng được những yêu cầu mới trong công tác tham mưu phục vụ HĐND tỉnh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó có các ban HĐND.

Do đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hưng Yên đã nghiên cứu xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2011 - 2016”. Theo đó, Phòng Công tác HĐND giúp việc cho các lĩnh vực hoạt động của HĐND tỉnh được tách ra thành 3 phòng chuyên môn: Phòng Tổng hợp Kinh tế, Phòng Tổng hợp Văn xã, Phòng Tổng hợp pháp chế, mỗi phòng có 3 công chức. Với mục đích đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm bộ máy Văn phòng tương thích với mô hình tổ chức của các cơ quan chuyên trách HĐND tỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong công tác tham mưu, giúp việc Thường trực và các ban HĐND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đến nay, đề án đã được triển khai thực hiện, bước đầu có hiệu quả thiết thực.

Một số kinh nghiệm hoạt động của các ban HĐND tỉnh

Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên rút ra một số kinh nghiệm hoạt động sau:

Một là, việc xây dựng chương trình hoạt động hàng năm, HĐND tỉnh đã thảo luận lấy ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan hữu quan để xây dựng chương trình nội dụng có trọng tâm, tránh dàn trải. Sau khi ban hành nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh phân công và điều hòa hoạt động giám sát của các ban để tránh chồng chéo về địa điểm, thời gian giám sát và thông báo đến các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Qua đó, giúp các ban HĐND tỉnh và các cơ quan chịu sự giám sát chủ động về thời gian, địa điểm và nội dung chương trình giám sát để tổ chức thực hiện.

Hai là, để hoạt động giám sát có hiệu quả, hàng năm các ban HĐND tỉnh khi xây dựng chương trình hoạt động đều xây dựng chương trình khảo sát việc tổ chức hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực chuẩn bị được giám sát. Thông qua khảo sát, giúp cho các ban có thêm nhiều thông tin trước khi tổ chức giám sát. Việc tổ chức khảo sát chủ yếu do Phó trưởãng ban hoạt động chuyên trách cùng với một số thành viên, cán bộ, chuyên viên văn phòng chủ động tiến hành. Do chú trọng thực hiện tốt các bước để tiến hành khảo sát và giám sát, nên chất lượng giám sát của các ban HĐND tỉnh ngày càng được nâng lên.

Ba là, trong các cuộc giám sát của các ban HĐND tỉnh luôn có sự tham gia phối hợp giữa các ban và Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành hữu quan trực tiếp. Khi đoàn tổ chức giám sát tại các huyện, thành phố, Thường trực và các ban HĐND tỉnh mời các đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại địa phương và mời Thường trực HĐND các huyện, thành phố cùng tham dự. Do đó, số lượng thành viên các ban không nhiều nhưng thành phần tham gia các đoàn giám sát luôn bảo đảm và giúp đoàn giám sát có được thông tin đa chiều. Công tác tổ chức và sự phối hợp chặt chẽ này đã giúp cho các cuộc giám sát được thực hiện nghiêm túc và nâng cao chất lượng.

Bốn là, bảo đảm tiến độ và chất lượng các báo cáo thẩm tra, các ban HĐND tỉnh phải chủ động nghiên cứu, trao đổi cùng với các sở, ngành hữu quan để làm rõ những nội dung thẩm tra. Báo cáo thẩm tra cần phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khẳng định rõ nội dung đồng ý hay không đồng ý và đưa ra những căn cứ, số liệu cụ thể để cung cấp đầy đủ thông tin giúp các đại biểu nắm được những vấn đề cần tập trung thảo luận, tham gia góp ý kiến. Qua đó, các phiên thảo luận tại kỳ họp đã phân tích nhiều vấn đề, xem xét cân nhắc kỹ các chỉ tiêu, giải pháp, chế độ, định mức. Giúp HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết bảo đảm các quy định của pháp luật, chủ trương của cấp ủy và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Năm là, hàng tháng, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì giao ban với các ban HĐND tỉnh và lãnh đạo Văn phòng, các phòng chuyên môn kiểm điểm kết quả hoạt động trong tháng và đề ra kế hoạch hoạt động tháng tiếp theo. Qua đó, giúp cho công tác điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực và các ban HĐND tỉnh được triển khai chặt chẽ và có hiệu quả.