Sổ tay

Một tín hiệu mừng

- Thứ Năm, 24/09/2020, 06:57 - Chia sẻ

Ít nhất 10 hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề đã đồng loạt ký văn bản gửi đến các đơn vị liên quan yêu cầu được lấy ý kiến xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Trong danh sách đó có đại diện của những doanh nghiệp thuộc các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản… cùng với hiệp hội của doanh nghiệp nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) tại Việt Nam…

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười vào tháng 10 tới đây và thông qua tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV vào năm 2021. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hiệp hội kể trên, đến thời điểm hiện tại, họ chưa nhận được bất cứ thông tin nào về dự thảo Luật này hay đề nghị, yêu cầu tham gia đóng góp ý kiến từ ban soạn thảo, trong khi doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động của Luật. Với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích của doanh nghiệp thành viên, các hiệp hội đề nghị những cơ quan liên quan phải gửi dự thảo Luật để họ đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng, hoàn thiện.

Nếu phản ánh của các hiệp hội chính xác, tình huống này trước hết đặt ra trách nhiệm của ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn trong việc lấy ý kiến của những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu khắt khe về việc này, bởi đây là một thiết chế giúp nâng cao chất lượng chính sách. Nếu bỏ qua hoặc không quan tâm thực hiện tốt việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động thì khó có thể đòi hỏi có quy định tốt.

Bên cạnh đó, tình huống này cũng là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Trước đây, doanh nghiệp thường không mặn mà với việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, nghị định. Bây giờ tình hình đã khác, những người làm ăn bắt đầu dành thời gian tìm hiểu các quy định có thể ảnh hưởng đến mình và bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến.

Cũng như vậy, trong quá trình sửa Luật Công đoàn, mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề có lẽ chính là vấn đề kinh phí công đoàn.

Luật Công đoàn 2012 quy định tài chính công đoàn gồm 2 nguồn, đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng góp và kinh phí công đoàn do tổ chức, doanh nghiệp đóng. Đây là nguồn tài trợ cho công đoàn các cấp triển khai hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Việc đóng góp là cần thiết, song mức đóng như thế nào là hợp lý, sử dụng quỹ thế nào cho hiệu quả là chuyện cần bàn.

Hy vọng, hiệu quả cũng như những bất cập trong quá trình thu - nộp, quản lý và sử dụng kinh phí công đoàn sẽ được làm rõ trong quá trình sửa Luật Công đoàn. Muốn vậy, không thể không lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề mà sự lên tiếng của 10 hiệp hội vừa nêu ở trên là một ví dụ.

Chưa bàn đến việc những kiến nghị ấy hợp lý đến mức nào, chỉ xét riêng việc đối tượng bị tác động của dự Luật sớm tham gia đóng góp vào những quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ là một tín hiệu đáng mừng!

Hà Lan