“Mục tiêu kép” của Thái Nguyên

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 06:01 - Chia sẻ
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế suy giảm, thậm chí rơi vào trạng thái đóng băng, Thái Nguyên vẫn tăng trưởng dương - đây là nỗ lực lớn dù phải đối mặt rất nhiều khó khăn” - mở đầu cuộc trao đổi với báo Đại biểu Nhân dân sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Khóa XIII, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc khẳng định điều này.

“Bão” covid-19 đã khiến một số địa phương có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn, tăng trưởng phụ thuộc vào khu vực FDI chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngay cả với Thái Nguyên, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là sản xuất điện thoại, máy tính bảng và may mặc… chủ yếu tập trung vào phân khúc gia công xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa thấp nên “đầu vào thiếu hụt nguyên liệu để sản xuất, đầu ra sụt giảm mạnh do đối tác hoãn, hủy đơn hàng”. Tuy vậy, khu vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh vẫn có mức tăng 2,45%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 2,88%, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,88%. Trong bối cảnh có đến 12 tỉnh, thành phố tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, thì việc tăng trưởng dương đã là một kỳ tích. 

Dù phải đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng, chống dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân nhưng việc thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Thái Nguyên cũng không lơ là. Đơn cử như việc 200 kỹ sư từ Hàn Quốc được cấp phép vào làm việc tại các nhà máy Samsung Thái Nguyên trong bối cảnh hãng này đang vận hành một nhà máy ở Việt Nam để chuẩn bị cho các sản phẩm mới dự kiến ra mắt vào nửa cuối năm. Thiếu 200 kỹ sư này có thể làm chậm quá trình, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Để bảo đảm các nhà máy của họ tiếp tục hoạt động hết công suất, tỉnh bố trí lực lượng công an, y tế địa phương cùng quản lý và giám sát các kỹ sư này cùng với doanh nghiệp ngay khi họ nhập cảnh. Các chuyên gia, cán bộ nói trên buộc phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về cách ly tại chỗ, không ra khỏi nơi làm việc.

Chính từ việc hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp song song với bảo đảm phòng chống dịch bệnh, sẽ là tiền đề vững chắc để Thái Nguyên xác định kịch bản tăng trưởng cho những tháng tiếp theo của năm 2020. Bởi nếu so với mức tăng trưởng 1,81% trung bình của cả nước, thì mức tăng trưởng 2,63% của Thái Nguyên không chỉ tăng trưởng dương mà còn thuộc top những tỉnh có nền kinh tế trăng trưởng khá. Chủ tịch UBND Vũ Hồng Bắc cũng khẳng định, vẫn còn nhiều dư địa phát triển cho tỉnh trong 6 tháng cuối năm, vì vậy Thái Nguyên quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 7,3% năm 2020. Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn, bất cập cản trở doanh nghiệp phát triển để khôi phục và phát triển sản xuất. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tập trung thực hiện các giải pháp nâng cấp thứ hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ưu tiên quỹ đất tại Khu công nghiệp Sông Công II để thu hút các dự án đầu tự thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo và công nghiệp phụ trợ…

Có thể nói, dịch Covid-19 một mặt nào đó đã làm lộ rõ hơn câu chuyện chất lượng tăng trưởng ở nhiều địa phương. Có những tỉnh loay hoay với chất lượng tăng trưởng ngay cả những ngành đang phát triển nhanh. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù cơ cấu kinh tế của các địa phương có đi theo hướng nào, quan trọng nhất phải hợp lý, tự chủ và đa dạng ngành nghề. Đó là sẽ là thế mạnh vươn lên thời kỳ hậu dịch. Bởi thực tế ở nhiều địa phương, những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng đã chịu tác động rất lớn của dịch bệnh, trong khi các ngành bổ trợ lại chưa được đầu tư đúng. Do vậy, đây cũng là cơ hội giúp nhiều địa phương tự nhìn lại mình.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các tỉnh phải có ngay chương trình riêng khắc phục những khó khăn, vướng mắc, không để rơi xuống đáy dẫn đến khó vực dậy. Đặc biệt, nếu để nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, phải tạm dừng hoạt động, hay giải thể, phá sản... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước, phải mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại. Bởi thế, ở thời điểm hiện nay, bất kỳ địa phương nào, đặc biệt là đối với các tỉnh đang tăng trưởng âm cần có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn, quyết tâm cao độ để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.

Chi An