Mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD có thể đạt

- Thứ Năm, 13/02/2020, 07:22 - Chia sẻ
Những ngày qua, cả giới phân tích và nhà quản lý đều chỉ ra rằng, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động nặng nề bởi dịch, bệnh do virus Corona chủng mới (nCoV). Tuy vậy, theo PGS. TS PHẠM TẤT THẮNG - nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương - cơ hội vẫn rất lớn, đòi hỏi chúng ta cần có sự chuẩn bị thật tốt để hiện thực hóa. Nhờ đó, mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay vẫn có thể đạt được.

Vẫn có thể xuất khẩu 300 tỷ USD

- Trong bối cảnh tăng trưởng cả năm được dự báo sẽ hạ xuống lần lượt còn 6,27% và 6,09% tùy thuộc việc khống chế được dịch bệnh trong quý I hoặc quý II thì liệu mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD cả năm có khả thi không, thưa ông?

- Trước hết, phải nhìn nhận rằng, dịch nCoV lần này có ảnh hưởng lớn tới thị trường toàn thế giới bởi các lý do sau. Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới. Họ giữ vị trí của khâu đầu và khâu cuối trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, khi thế giới cách ly với nền kinh tế 1,4 tỷ dân này do dịch bệnh thì chắc chắn quan hệ cung cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thứ hai, dịch bệnh sẽ khiến giá dầu trên thị trường thế giới giảm sút. Cùng với đó, thị trường chứng khoán cũng có biến động (thực tế đã ghi nhận ở tất cả những thị trường lớn), dẫn đến thị trường hàng hóa thay đổi theo (biểu hiện là tiêu dùng của thị trường 1,4 tỷ dân giảm sút). Thêm vào đó, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng sẽ khiến mức độ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu nhân lên rất nhiều.

Còn đối với Việt Nam, do là nền kinh tế có độ mở lớn nên khi quan hệ cung cầu trên thị trường thế giới thay đổi thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, trước hết là đến hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa bị ngưng trệ, ứ đọng tại các cửa khẩu, trong khi rất nhiều lĩnh vực phải nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc như dệt may, da giày, linh kiện điện tử… Rõ ràng, mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay là một khó khăn, nhưng tôi vẫn tin chúng ta đạt được.

- Cơ sở nào để ông tin điều đó, nhất là khi tháng 1 năm nay tiếp đà nhập siêu của tháng 12 trước đó với khoảng 100 triệu USD?

- Đó là bởi trong nhiều năm liên tiếp, hoạt động xuất khẩu luôn đạt kết quả tốt, tăng trưởng cao. Riêng trong năm 2019, xuất khẩu đạt hơn 260 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD là mức cao nhất từ trước tới nay, đồng thời là năm thứ 4 liên tiếp xuất siêu. Năm nay chúng ta sẽ vẫn theo đà này. Thêm nữa, nhiều hàng hóa của Việt Nam đang là những thứ mà thế giới thực sự có nhu cầu, kể cả tại thị trường Trung Quốc. Ngay trong lúc dịch bệnh, thị trường này vẫn cần nhiều mặt hàng của Việt Nam như nông sản, thủy sản. Khi hết dịch, nhu cầu của Trung Quốc đối với các mặt hàng của Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn, nhất là mặt hàng lương thực thực phẩm như gạo, rau quả, thủy hải sản… đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị để sẵn sàng.


Hoạt động xuất nhập khẩu chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh nhưng dự kiến vẫn đạt mục tiêu 300 tỷ USD
Nguồn: ITN

Thực tế, chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 2 năm gần đây đã được cải thiện rất đáng kể, thể hiện ở tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng cao như linh kiện, máy tính, điện thoại tăng lên, trở thành những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản đã đi được nhiều thị trường khó tính hơn. Việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới cũng sẽ giúp rộng đường xuất khẩu hàng hóa.

Một điều đáng chú ý nữa là trong suốt 3 - 4 năm qua, chúng ta đã đầu tư nhiều vào các lĩnh vực sản xuất. Minh chứng là năm 2019, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp có 100% vốn trong nước cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của doanh  nghiệp FDI. Và giờ là lúc chúng ta gặt hái kết quả. Số lượng mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD đã nâng lên hơn 30 mặt hàng cho thấy nội lực của chúng ta hiện khá tốt để bảo đảm cho mục tiêu xuất khẩu đề ra.

Dịch bệnh tạo sức ép để phân tán rủi ro

- Giữa thách thức và cơ hội từ dịch bệnh nCoV đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam, theo ông đâu sẽ là xu hướng chủ đạo?

- Tôi cho rằng chúng ta có rất nhiều cơ hội. Với một thị trường lớn 1,4 tỷ dân ở Trung Quốc, khi khống chế được dịch, nhu cầu của họ sẽ rất cao để khôi phục lại nền kinh tế, trong đó có các mặt hàng của Việt Nam. Vấn đề là chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không mà thôi.

Thứ nữa, trong lúc hàng hóa của chúng ta không thể xuất sang Trung Quốc sẽ tạo sức ép đòi hỏi phải tìm thị trường khác - vốn là điều mà trước đây chúng ta không có động lực này. Điều này đồng nghĩa hàng hóa của Việt Nam có cơ hội đi đến nhiều thị trường hơn, thay vì chỉ phụ thuộc vào một thị trường. Chưa kể, trong lúc dịch bệnh, hàng của Trung Quốc cũng khó xuất khẩu sang thị trường khác, nếu chúng ta có hàng hóa thay thế cũng sẽ được lợi. Kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc trước đó đã cho thấy điều này. Tóm lại, đừng nhìn dịch corona chỉ thấy khó khăn, thách thức mà đó là những cơ hội rất lớn đối với kinh tế Việt Nam.

- Vậy làm thế nào để hiện thực hóa các cơ hội như ông vừa nói?

- Có rất nhiều thứ cần phải lưu ý. Đầu tiên là đừng để cho bất cứ hàng hóa nào núp dưới danh nghĩa “made in Việt Nam”. Tiếp đến, phải rất chú ý đến việc phân tán rủi ro ra nhiều thị trường khác nhau. Đây là việc cần được làm lâu dài chứ không phải chỉ trong lúc dịch bệnh!


Cần chú ý tăng cường sự liên kết giữa nhà sản xuất với các hệ thống phân phối trong tiêu thụ sản phẩm
Ảnh: Đan Thanh

Thêm nữa, mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường rất quan trọng, nhưng cần hạn chế dần dần việc xuất khẩu theo hướng tiểu ngạch, tăng xuất khẩu chính ngạch. Sớm chấm dứt cách làm ăn “chộp giật”, “được chăng hay chớ” trong một bộ phận doanh nghiệp. Cuối cùng, cần chú ý tăng cường sự liên kết giữa nhà sản xuất với các hệ thống phân phối trong tiêu thụ sản phẩm.

- Ông nói nhiều đến việc phải đa dạng hóa thị trường, vậy nhưng chính đại diện doanh nghiệp thừa nhận đây là việc không hề đơn giản, thưa ông?

- Doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, không có cách gì khác là họ phải thỏa mãn được các yêu cầu của thị trường đó. Muốn vậy buộc doanh nghiệp phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thương mại điện tử, công nghệ thông tin. Thực tế, nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng ở nhận thức. Nếu cứ làm ăn theo kiểu cũ thì chắc chắn chúng ta không khá lên được, không thể bảo đảm quy tắc xuất xứ cũng như có hệ thống phân phối, đóng gói chuẩn mực.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện